Quỹ Nhất chuyển mình

07:01, 28/01/2021

Chúng tôi về thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) vào một buổi sáng khi không khí thu hoạch cây trồng vụ đông trên các cánh đồng, thu hoạch thủy sản ở đây đang vào vụ. Từ tỉnh lộ 490C, 488C đến các đường trục xã, liên xã dẫn đến khu trung tâm thị trấn Quỹ Nhất ngày nào còn gồ ghề nay đã được trải thảm nhựa phẳng lì. Hệ thống kênh mương thủy lợi được “cứng hóa”. Dọc theo các tuyến đường là hai hàng cây xanh, những thảm hoa vươn mình khoe sắc. Đó là bức tranh phác thảo thị trấn Quỹ Nhất đang chuyển mình trên đường xây dựng nông thôn mới (NTM).

Vươn mình phát triển

Được thành lập từ tháng 11-2007 trên cơ sở toàn bộ dân cư và 550ha đất tự nhiên của xã Nghĩa Hòa, thị trấn Quỹ Nhất đang từng ngày chuyển mình phát triển vững chắc. Đặc biệt từ năm 2016, Đảng ủy thị trấn Quỹ Nhất đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững và phát triển, định hướng đến năm 2025. Xác định rõ mục tiêu, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Đảng ủy, UBND thị trấn Quỹ Nhất đã huy động các nguồn lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, xác định nông nghiệp - nông dân - nông thôn là chiến lược, mục tiêu phát triển bền vững. Đến nay, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 35% (năm 2015) xuống còn 30% (năm 2020) nhưng giá trị thu nhập tăng lên rõ rệt. UBND thị trấn chỉ đạo Ban nông nghiệp, các HTX, đôn đốc các khu phố tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện sản xuất vụ đông bằng các giống cây chủ lực như: cà chua, bí xanh, bí đỏ, ngô và rau màu các loại trên đất vườn, đất bãi. Riêng vụ đông năm 2020, tổng diện tích gieo trồng của thị trấn đạt 108ha; giá trị thu được trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 173 triệu đồng. Trong đó, diện tích trồng cà chua 69ha, bí xanh, bí đỏ 15ha, rau màu các loại 21ha đạt năng suất, sản lượng cao. Ông Trần Thế Phiệt, khu phố 8 cho biết, năm nay nhà ông trồng hơn 7 sào cà chua, năng suất bình quân đạt gần 2 tấn/sào. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng bí xanh, dưa chuột và rau màu, hiệu quả thu nhập trên 150 triệu đồng/ha.

Khu trung tâm thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) được đầu tư xây dựng khang trang, xanh - sạch - đẹp.
Khu trung tâm thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) được đầu tư xây dựng khang trang, xanh - sạch - đẹp.

Không vui sao được khi từ một địa phương có xuất phát điểm thấp nhưng đến nay, người dân Quỹ Nhất đã mạnh dạn đổi mới, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và đầu tư, phát triển những mô hình kinh tế mới. Điển hình như gia đình anh Vũ Văn Khá, chị Phạm Thị Hoa ở khu phố 8 là một trong những người đầu tiên áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Khá tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư bảo vệ thực vật Đại học Nông Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh). Năm 2012 anh trở về quê hương làm việc tại Ban Nông nghiệp thị trấn Quỹ Nhất. Năm 2015, anh Khá đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng trồng rau sạch công nghệ cao, sản xuất các loại rau, quả an toàn. Cây trồng được anh lựa chọn là giống dưa lê Hàn Quốc và dưa leo Baby Hà Lan. Anh Khá cho biết, dưa lê Hàn Quốc là loại dưa mới tại thị trường Nam Định, được người tiêu dùng ưa chuộng. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, mùi thơm đượm, vị ngọt mát, dưa lê Hàn Quốc của gia đình anh luôn “cháy hàng” mỗi khi vào mùa thu hoạch. Hiện diện tích canh tác của gia đình anh có 1.000m2, cho thu hoạch 3 vụ/năm. Mỗi vụ thu được 1,5 tấn quả, với giá ổn định 45 nghìn đồng/kg, bình quân doanh thu gần 200 triệu đồng/năm. Ngoài mô hình trồng dưa lê, anh còn phát triển nuôi ếch Thái Lan, bình quân mỗi ngày xuất bán 2 tạ ếch thương phẩm cho các đầu mối với giá từ 40-45 nghìn đồng/kg. Từ mô hình của anh Khá đã gợi mở hướng đi mới để UBND thị trấn xem xét nhân rộng, tiến tới hình thành khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. UBND thị trấn Quỹ Nhất sẽ tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng mô hình sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. 

Lựa chọn hướng đi khác, anh Nguyễn Văn Thỉnh, khu phố 8 lại tập trung phát triển nuôi cá chạch sụn. Cùng với việc tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, anh Thỉnh đã đầu tư liên kết hình thành các vùng chuyên canh nuôi cá chạch chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tháng 10-2020, sản phẩm “cá chạch kho” của gia đình anh đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Để đạt được điều đó, anh Thỉnh đã đầu tư sản xuất “tròn khâu” từ con giống, nuôi trồng đến chế biến sản phẩm đưa tận tay người tiêu dùng. Hiện anh Thỉnh đang nuôi cá chạch sụn trên diện tích hơn 3,3ha. Sau khi thu hoạch, anh chế biến thành sản phẩm cá chạch kho. Một niêu cá chạch kho gồm 900 gram cá tươi, gia vị (muối, đường, ớt, tiêu, bột ngọt, hành tỏi, gừng, riềng), với giá bán 150 nghìn đồng. Hiện sản phẩm của anh đã xuất bán đi thị trường các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… doanh thu khoảng trên 3 tỷ đồng/năm. 

Tạo đà phát triển bền vững

Ngoài các tuyến tỉnh lộ 490C, 488C, với tuyến xe buýt chạy qua địa bàn thị trấn Quỹ Nhất có 2,5km đường dong, 1,5km đường ra đồng được nhựa hóa, bê tông hóa và các công trình khác trị giá trên 35 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Giao thông phát triển, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được tạo điều kiện thuận lợi. Năm 2020 thị trấn đã thu hút 3 doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho hơn 500 lao động địa phương và lân cận với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn hơn 20 công ty, doanh nghiệp tư nhân về dịch vụ, thương mại, chế biến và xuất khẩu, vận tải đường bộ tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Đồng chí Võ Văn Điệp, HUV, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn phấn khởi cho biết: “Với thế và lực mới, thị trấn Quỹ Nhất đã lựa chọn 3 khâu đột phá: Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng khu dân cư tập trung; hoàn chỉnh kiên cố hóa kênh mương trong Đề án thủy lợi, đưa điểm công nghiệp đi vào hoạt động. Tập trung công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý. Nâng cao chất lượng và tạo chuyển biến trong hoạt động của hệ thống chính trị địa phương, nhất là nâng cao năng lực hoạt động của chính quyền địa phương”. Thị trấn sẽ là điểm kết nối để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đi đôi với phát triển công nghiệp, làng nghề. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển bền vững các tiêu chí, giữ vững danh hiệu đơn vị đạt chuẩn NTM; phấn đấu hoàn thành NTM nâng cao vào cuối năm 2022 và NTM kiểu mẫu trước năm 2024. Lộ trình đã được hoạch định, thị trấn đang tăng cường công tác lãnh đạo nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho các mô hình sản xuất hàng hóa lớn phát triển, phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 105 triệu đồng/năm. Duy trì, phát triển các làng nghề hiện có về chế biến lâm sản, mây tre dan, từng bước tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề, mở rộng thị trường cho các loại hàng hóa chế biến tại địa phương. Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư bao tiêu các loại sản phẩm thủ công như tre đan, chiếu cói, móc sợi… để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%, hộ cận nghèo còn dưới 10%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân duy trì từ 95% trở lên./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com