Mùa khoai tây

06:01, 22/01/2021

Những ngày cuối đông rét ngọt cũng là lúc mùa thu hoạch khoai tây bắt đầu. Trên những cánh đồng màu rộng lớn, bà con nông dân đang nhanh chóng thu hoạch khoai tây. Không đợi mặt trời lên cho bớt sương giá, từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Tân, thôn Thị Nội, xã Yên Lương (Ý Yên) đã mang theo nào cuốc, liềm, bao tải… ra đồng thu hoạch khoai tây. Năm nay thời tiết không hẳn thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây khoai tây, vì thế năng suất củ trên ruộng của bà có giảm đôi chút so với mọi năm, tuy nhiên bù lại giá cả tương đối ổn định.

Bà con nông dân huyện Ý Yên thu hoạch khoai tây vụ đông.
Bà con nông dân huyện Ý Yên thu hoạch khoai tây vụ đông.

Ngoài 50 tuổi, bà Nguyễn Thị Tân đã có vài chục năm gắn bó với đồng ruộng, cây lúa, củ khoai. Đối với bà, cây khoai tây cũng thân thuộc, gần gũi như cây lúa. “Tôi biết đến khoai tây từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, hồi trước khoai tây chưa được trồng nhiều như bây giờ, năng suất, chất lượng củ cũng không được như hiện tại do phương pháp, kỹ thuật gieo trồng, chăm bón đều kém hơn” - Bà Tân cho biết. Với các đặc điểm dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, ít sâu bệnh…, theo bà, khoai tây gần như là cây dễ trồng nhất trong các loại cây lương thực. Tháng 10 dương lịch, khi trời đất vào Thu mát mẻ cũng là thời điểm bà Tân bận rộn chuẩn bị đất cát để xuống giống vụ đông cho cây khoai tây. Bà tỉ mẩn nhặt cỏ, xáo xới lại đất, bón khử khuẩn, vôi bột và tiến hành lên luống cho ruộng khoai. Bà đánh các luống đơn với mặt luống rộng từ 50-60cm, cao 25-30cm. Lý do đánh luống cao được bà Tân giải thích là tránh cho khoai bị ngập úng và để củ phát triển tốt. Khoai tây là giống cây ưa lạnh và nước nên trong quá trình làm đất, bà đặc biệt lưu ý đến việc cấp ẩm cho đất. Do đó, nếu quan sát thấy đất trên luống quá khô, 2 lần/ngày bà sẽ tranh thủ tưới thêm nước. Làm đất, lên luống xong xuôi, bà Tân bắt đầu xuống giống. Trước đó, bà chọn những củ khoai tròn, chắc, đều màu, không bị trầy xước, không có mầm bệnh để làm củ giống. Như nhiều hộ trồng khoai tây khác trong xã, bà Tân hiện chọn giống khoai Solara có nguồn gốc từ Đức để trồng. Đây là giống khoai tây có nhiều ưu điểm như năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh, có khả năng kháng bệnh tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Với trên 1 sào khoai, bà cần từ 70-90kg khoai giống, tùy theo kích cỡ củ. Nếu củ nhỏ bà để nguyên củ để ươm mầm, với những củ to hơn, bà bổ đôi củ. Để ươm củ giống, bà Tân chuẩn bị dao sắc, nước vôi trong hoặc nước xà phòng đặc và một ít xi măng bột. Bà  nhúng dao vào nước vôi trong hoặc nước xà phòng đặc trước mỗi lần bổ củ rồi tùy theo cỡ củ to nhỏ mà tiến hành bổ đôi hoặc ba sao cho mỗi miếng có từ 2-3 mầm. Bổ xong, bà chấm ngay phần cắt vào bột xi măng khô và gạt nhẹ để bột xi măng chỉ bám một lớp mỏng (bám nhiều sẽ hút nước làm củ giống dễ khô, héo). Chọn đầu hè khô thoáng, bà rắc vôi bột khử trùng lên nền gạch, rải một lớp rơm ẩm dày từ 2-3cm rồi mới cẩn thận xếp củ giống lên trên. Xong đâu đấy, bà tiếp tục phủ rơm ẩm lên trên mặt củ. Nếu trời rét, bà Tân lấy chăn mỏng hoặc bao tải nhẹ phủ lên trên rơm giữ ấm cho củ giống. “Kinh nghiệm ủ củ giống khoai tây của tôi cho thấy, tuyệt đối không nên xếp chồng các củ giống lên nhau mà phải rải đều để tránh tình trạng thối củ giống cũng như giúp mầm cây mọc tốt hơn” - Bà Tân nói. Chờ cho những mầm cây nhú ra khỏi củ, bà đưa khoai tây ra ruộng trồng, tránh để mầm mọc quá dài khi trồng dễ bị gãy. Sau khi cây bắt đầu nhú đều trên mặt đất (5-7 ngày sau khi trồng), bà Tân dùng phân đạm u rê hòa với nước tưới cho cây. Cho đến khi thu hoạch bà còn phải bón phân cho khoai tây từ 3-4 lần. Bà cũng thường xuyên tưới nước cho cây, đặc biệt trong giai đoạn phình củ. Là giống cây ngắn ngày dễ trồng, ít sâu bệnh nên quá trình trồng, chăm sóc khoai tây, bà Tân chú ý đến việc “phòng bệnh” cho cây hơn “chữa bệnh”. Ngay từ khi cây nhú mầm, bà đã phun các loại thuốc phòng bệnh lỡ cổ rễ, sâu xám, nhện đỏ, bọ trĩ… Chăm sóc đúng quy trình, đảm bảo yếu tố kỹ thuật, hàng năm trên 1 sào khoai tây của bà Tân thường cho năng suất nhỉnh hơn so với nhiều gia đình khác. Vào vụ đông, năng suất khoai tây của bà Tân đạt từ 5-5,5 tạ/sào. “Tuy nhiên trồng khoai tây vụ đông và vụ xuân cho năng suất khác hẳn nhau. Khoai tây ưa lạnh nên thích hợp với điều kiện sinh trưởng trong mùa đông. Vào mùa xuân cây thường hay bị chết rộp do nóng, do đó năng suất giảm đi khá nhiều. Theo tính toán của bà Tân, năng suất trên mỗi sào khoai tây vụ xuân thường giảm từ 1,2-1,5 tạ/sào”. Với giá bán hiện tại dao động trong khoảng 13-15 nghìn đồng/kg đối với loại củ đẹp, 7-10 nghìn đồng/kg với loại củ thường, 3-5.000 đồng/kg với loại củ xấu, trung bình bà Tân thu được từ 4,5-6,5 triệu đồng/sào khoai tây, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Nhận thấy giá trị kinh tế của cây khoai tây nên nhiều hộ gia đình ở Yên Lương đã tập trung canh tác. Hiện tại trong xã hầu như nhà nào cũng trồng khoai tây, nhà trồng nhiều có thể lên đến vài sào. Khoai tây sau khi thu hoạch, bà con nông dân có thể trực tiếp bán ra thị trường hoặc nhập bán cho HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Lương. Vì thế, người trồng khoai tây ở đây cũng không phải lo lắng nhiều về đầu ra cho sản phẩm, giá cả. Không chỉ ở Yên Lương, cây khoai tây còn là cây trồng chủ lực trong vụ đông trên địa bàn huyện Ý Yên và các huyện Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Nam Trực. 

Thời điểm hiện tại, trên những cánh đồng rộng lớn ở nhiều địa phương trong tỉnh, bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch khoai tây; ngô, đậu… xới xáo lại đất chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Từ những ruộng khoai tây này, củ khoai tây theo chân thương lái đến với nhiều vùng miền đất nước, được chế biến ra những thành phẩm có giá trị kinh tế, thương mại cao hơn./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com