Những ngày này, tại các cơ sở sản xuất hải sản khô trên địa bàn tỉnh không khí làm việc tất bật, khẩn trương để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Tân Sửu 2021.
Với bà con làng biển, cá đù, cá mai... là những món ăn đặc sản “hút khách” ngày Tết. Cá được khai thác từ những con thuyền gần bờ; sau khi thu mua, người dân rửa sạch bỏ phần đầu, ruột. Sau đó, tùy vào nhu cầu người mua, cá có thể phơi “một nắng” hoặc 3-4 nắng mới đóng gói. Trong thời tiết giá lạnh của tháng giáp Tết, đến với các cơ sở sản xuất hải sản khô trên địa bàn tỉnh, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các giàn phơi cá bằng tre, nứa được dựng lên hai bên đường với mùi hương đặc trưng của các loại cá biển. Xã Hải Lý (Hải Hậu) có hơn 10 cơ sở chế biến hải sản khô, mỗi năm các cơ sở cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn cá khô. Cơ sở sản xuất hải sản khô của anh Đỗ Chí Công hiện tại có hàng chục nhân công đang làm việc. Người làm sạch cá, người ướp cá để chuẩn bị phơi..., mỗi người một công đoạn. Không khí sản xuất như sôi động hơn khi có nhiều khách hàng từ khắp nơi đến cơ sở đặt hàng để phân phối cho thị trường các tỉnh, thành phố. Do phải tăng sản lượng để kịp cung ứng cho thị trường Tết nên cơ sở sản xuất hải sản khô cần một số lượng lớn lao động thời vụ. Vì vậy, đây cũng là thời điểm để nhiều lao động địa phương kiếm thêm thu nhập. Anh Trần Xuân Chính, xã Hải Lý cho biết: “Mấy ngày này, để chuẩn bị cho vụ khô Tết Tân Sửu 2021, trung bình mỗi lao động gia công cá nguyên liệu để làm cá khô cũng kiếm được từ 200-300 nghìn đồng/ngày”. Chia sẻ bí quyết làm hải sản khô thơm ngon, anh Công cho biết, nguyên liệu chỉ có cá và muối, không cho thêm bất cứ gia vị nào. Tuy nhiên, hải sản khô ngon hay dở tùy vào “tay nghề” của người rửa cá và ướp muối. Cá phải rửa thật sạch, còn người ướp muối phải có kinh nghiệm để cho ra mẻ khô vừa ăn, không quá mặn mà cũng không quá nhạt. Đặc biệt là ở khâu phơi, nếu cá phơi thiếu nắng thì sản phẩm dễ hư và thời gian sử dụng không lâu. Thông thường, cá chỉ cần phơi 3 nắng là đạt yêu cầu. Với nhu cầu lớn của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cơ sở của anh Đỗ Chí Công dự kiến cung cấp từ 400-500kg cá khô.
Cơ sở sản xuất hải sản khô của anh Đỗ Chí Công, xã Hải Lý (Hải Hậu) tất bật chuẩn bị sản phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán. |
Bên cạnh các sản phẩm cá khô, nước mắm truyền thống cũng là sản phẩm không thể thiếu để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Hiện nay, các sản phẩm nước mắm công nghiệp tràn lan trên thị trường song nước mắm truyền thống qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và cái tâm của người làm nghề vẫn được nhiều người lựa chọn để sử dụng, làm quà tặng, biếu bởi hương vị đặc trưng, đượm chất quê. Làng Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) có hơn 40 cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm. Hầu hết các cơ sở tại đây đều tận dụng nguồn cá cơm, cá nục… dồi dào khai thác từ biển. Cá tươi được trộn đều với muối rồi cho vào thùng ủ thành chượp ròng rã suốt 12 tháng để làm nên loại nước mắm đặc trưng. Đối với người dân làm nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm nói chung và đối với người dân làng Ngọc Lâm nói riêng, Tết là thời điểm tiêu thụ hàng mạnh nhất trong năm nên dịp này, nhà nhà lo chuẩn bị hàng bán Tết. Thông thường, thời điểm từ tháng 11 âm lịch cho đến gần Tết Nguyên đán là thời điểm hàng bán được nhiều nhất trong năm; gấp đôi, gấp ba lần ngày thường. Nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng, các cơ sở sản xuất đã linh hoạt đóng gói nhiều loại chai to, nhỏ khác nhau với mẫu mã bắt mắt. Có những cơ sở đã chuẩn bị hơn 2.000 lít nước mắm, hàng trăm kg mắm tôm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân
Để các sản phẩm hải sản khô, nước mắm, mắm tôm... của các địa phương trong tỉnh có chỗ đứng vững trên thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, thời gian qua, các cơ quan chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp các hộ sản xuất hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của mình trong nền kinh tế cạnh tranh; phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chế biến, phổ biến các quy định, quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân; tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân vay vốn để phát triển nghề, tăng thu nhập cho bà con, góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa của dân tộc. Dù phải tăng số lượng hàng để kịp xuất bán vào dịp Tết nhưng các cơ sở sản xuất hải sản khô, nước mắm... trong tỉnh đều tuân thủ quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu của các chủ cơ sở chế biến hải sản để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, góp phần đảm bảo cho nhân dân vui Tết, đón Xuân an toàn./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa