Từ nhiều năm nay, trên nhiều tuyến phố của thành phố Nam Định chằng chịt các loại dây điện, dây cáp viễn thông giăng mắc, tạo ra các “mạng nhện trên không”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận hành an toàn lưới điện, gây mất mỹ quan đô thị và dễ gây ra tình trạng cháy, nổ.
Các cột đèn chiếu sáng trên đường Đỗ Mạnh Đạo, Khu đô thị Bãi Viên (thành phố Nam Định) bị dây cáp quang, viễn thông gây hư hại. |
Đi dọc các tuyến phố trong nội thành có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cột điện được xây dựng nhiều năm vẫn phải oằn mình “cõng” hàng chục các loại dây cáp quang, cáp truyền hình. Nhiều nơi, những cuộn dây này chồng chéo lên nhau tạo nên các búi to như tổ chim, gây mất mỹ quan đô thị. Không chỉ ở các tuyến phố cổ, ở một số khu đô thị mới cũng xuất hiện các đường dây diện, cáp viễn thông treo lủng lẳng gây mất mỹ quan đô thị. Khu tái định cư Bãi Viên có đường điện chiếu sáng chạy dọc tuyến đường Đỗ Mạnh Đạo. Đáng lẽ tuyến đường sẽ rất đẹp, nhất là buổi tối, tuy nhiên theo một số người dân cho biết, hệ thống điện chiếu sáng chỉ hoạt động được thời gian đầu, sau đó do ảnh hưởng của gió bão, các loại dây cáp viễn thông đã trùng xuống quật vỡ hầu hết các bóng điện, gây hư hỏng cột. Ông Đào Đăng Doanh ở số nhà 26 đường Đỗ Mạnh Đạo cho biết: “Hiện tại, toàn tuyến đường điện chiếu sáng dọc đường không có một bóng nào vẹn nguyên. Chỗ thì bóng vỡ, chỗ treo đèn hỏng. Nhân dân rất bức xúc khi một khu đô thị khang trang, hiện đại lại có những hình ảnh gây nhức mắt”.
Các loại dây giăng mắc trên các cột điện ở đường Nguyễn Trãi (thành phố Nam Định). |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên hệ thống cột điện do Công ty Điện lực Nam Định quản lý hiện có trên 10 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp viễn thông có các đường dây cáp, thiết bị thông tin, viễn thông, truyền hình, hệ thống chiếu sáng “đi nhờ” như Viễn thông Nam Định, Chi nhánh Viettel Nam Định, Công ty cổ phần VTV Cab Nam Định, Chi nhánh FPT Nam Định, Công ty TNHH Truyền hình Cab SCTV... sử dụng nhiều vị trí cột điện để treo, lắp thiết bị. Theo cán bộ làm trong ngành viễn thông cho biết, thực tế trên tuyến đường dây cáp quang, viễn thông chăng cheo trên các cột điện có tới 50% không còn sử dụng. Bởi theo nguyên tắc khi khách hàng không sử dụng dịch vụ nữa, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải thu hồi đường dây về nhưng có ít doanh nghiệp thực hiện điều này đã tạo ra một khối lượng lớn “rác trên không” và gây thêm khó khăn cho công tác chỉnh trang đô thị. Theo phản ánh của cử tri thành phố Nam Định với HĐND các cấp trong năm 2020: “... có những đường dây điện thoại cố định từ nhiều năm trước nhưng các đơn vị viễn thông không tổ chức tháo dỡ kể cả khi cột truyền tải điện đã thay đổi làm mất mỹ quan nông thôn, thành phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây chập cháy”. Đồng chí Nguyễn Trường Anh, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Nam Định cho biết: Trên cơ sở Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 3-4-2018 của UBND tỉnh phê duyệt quản lý, phân cấp sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trong đô thị trên địa bàn tỉnh, UBND thành phố Nam Định đã triển khai tới các nhà mạng tổ chức hội nghị thống nhất trong quản lý, ban hành văn bản yêu cầu nhà mạng tháo dỡ dây cáp không đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, công tác quản lý cáp thông tin trên cột điện vẫn còn một số bất cập. Một vài doanh nghiệp viễn thông cố tình kéo treo cáp không xin phép, thậm chí là trên các tuyến đường đã được ngầm hóa, chỉnh trang cáp (tại các khu đô thị mới). Đặc biệt, nạn “kéo cáp chui” thường được thực hiện vào các ngày nghỉ, buổi tối, thậm chí trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, không đảm bảo an toàn, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát của các đơn vị, phường, xã. Với việc giăng mắc của hệ thống dây điện, cáp viễn thông đã để lại những hệ lụy rất lớn, trong đó ảnh hưởng đến an toàn khi tham gia giao thông của người dân và khiến nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đã có không ít vụ cháy nổ liên quan đến chập, cháy các loại dây, nhất là vào thời điểm mùa hè nền nhiệt độ cao, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên. Vào hồi 18h35 phút ngày 18-6-2020 tại khu vực đường Lê Hồng Phong đã xảy ra vụ chập điện khu vực cột điện gây mất điện sinh hoạt của người dân ở khu vực trong một thời gian gây bức xúc trong nhân dân. Còn theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ tháng 7-2017 đến tháng 7-2020, đã xảy ra 159 vụ cháy nổ dây dẫn, thiết bị trên cột điện, chiếm 58% sự cố cháy nổ trên địa bàn toàn tỉnh. Sự chập cháy không chỉ gây thiệt hại về cơ sở vật chất, đe dọa an toàn của người dân mà gây mất liên lạc, mất tín hiệu truyền thông của khách hàng, giảm uy tín của doanh nghiệp.
Công nhân Công ty Điện lực Nam Định triển khai lắp đặt tuyến đường điện trên phố Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định). |
Để khắc phục tình trạng cáp viễn thông giăng mắc chằng chịt, ngăn ngừa sự cố, tai nạn sẽ xảy đến với người dân, thời gian qua, UBND thành phố Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp không kịp thời thu hồi phần dây thừa tại các tuyến phố thực hiện chỉnh trang. Các đơn vị viễn thông khi thực hiện cải tạo, bó gọn dây dẫn cần thông tin đến phường, tổ dân phố để nắm bắt và cùng quản lý. Lực lượng chức năng phường, xã và tổ dân phố giám sát, phát hiện những trường hợp tắc trách, cẩu thả trong và sau thi công gây mất an toàn để báo đơn vị chức năng thành phố xử lý kịp thời. Hiện nay, thành phố cũng đang tập trung triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả lưới điện trung hạ áp khu vực thành phố Nam Định”. Với tổng mức đầu tư 100,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức. Dự án sẽ xây dựng mới các trạm biến áp phân phối; lắp đặt các thiết bị công nghệ hiện đại, điều khiển xa và đóng cắt tự động; xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện hạ thế... trên địa bàn 25 phường, xã. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà mạng cùng Công ty Điện lực Nam Định phối hợp chỉnh trang dây điện, cáp viễn thông quy củ, đảm bảo mỹ quan, an toàn. Bên cạnh triển khai các dự án, thành phố cùng các ngành chức năng sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp thực hiện đúng các quy định tại Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 3-4-2018 của UBND tỉnh về ban hành quy định quản lý, phân cấp sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Theo đó, các doanh nghiệp sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trong đô thị để treo cáp viễn thông trên các cột điện khi chưa đủ điều kiện để hạ ngầm phải xây dựng các giải pháp, các quy định làm cơ sở để quản lý. Cáp viễn thông chỉ được phép lắp đặt chung trên hệ thống cột điện hiện có tại các khu vực mà chưa đủ điều kiện thực hiện hạ ngầm hoặc không thể xây dựng cột treo cáp viễn thông riêng biệt; chỉ được treo trên cột điện khi cột được thiết kế an toàn và đảm bảo tải trọng cho phép; phải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành, mỹ quan đô thị, phù hợp với quy hoạch và các quy định của cơ quan quản lý ở địa phương. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm tháo dỡ cáp viễn thông của mình nếu cáp có nguy cơ gây mất an toàn cho cộng đồng, mỹ quan đô thị, yêu cầu về quản lý. Hàng năm, các đơn vị viễn thông xây dựng kế hoạch, quy trình chỉnh trang làm gọn cáp viễn thông treo trên cột điện ở các tuyến đường. Các cáp viễn thông khi treo lên cột điện bắt buộc phải ký hiệu nhận diện cáp để nhận diện và báo hiệu, đồng thời có giải pháp xử lý sự cố hệ thống cáp viễn thông, kế hoạch duy tu, bảo dưỡng cột điện, đảm bảo kỹ thuật an toàn kỹ thuật. Thành phố Nam Định cũng tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật theo thẩm quyền, qua đó đưa cảnh quan thành phố văn minh, bảo đảm mỹ quan, xứng đáng là đô thị loại I, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh: Đức Thiện