Bình yên cho những chuyến tàu Tết

06:01, 15/01/2021

Những ngày giáp Tết, dòng người tấp nập trên những chuyến tàu ngược xuôi để trở về đoàn tụ bên gia đình, người thân. Đằng sau niềm vui đoàn tụ đó luôn có những người âm thầm, lặng lẽ mang lại sự bình yên, an toàn cho mỗi chuyến tàu. Họ là những nhân viên kiểm tra, sửa chữa đường sắt, là những người gác chắn tàu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp phần đảm bảo an toàn tuyến đường sắt trên địa bàn.

Chị Vũ Thị Thanh Lự, nhân viên trạm gác chắn tàu nằm trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) luôn tận tâm với công việc.
Chị Vũ Thị Thanh Lự, nhân viên trạm gác chắn tàu nằm trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) luôn tận tâm với công việc.

Tuyến đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh với hơn 40km, đi qua địa bàn thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, có 12 gác chắn đường ngang. Mỗi khi có đoàn tàu chạy qua, những nhân viên gác chắn tàu lại nhanh chóng vào vị trí, kéo rào chắn ngăn không cho người và phương tiện lưu thông qua lại. Công việc tưởng đơn giản nhưng nhiều áp lực và khó khăn; họ luôn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu và các phương tiện tham gia giao thông khi đi qua đường sắt. Khoảng 7 giờ 45 phút sáng, chúng tôi có mặt tại trạm gác trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định), đúng lúc có đoàn tàu chuẩn bị đi qua. Khi nhân viên trực tại gác chắn thông báo với đồng nghiệp trong ca trực chuẩn bị có tàu khách đi qua, mọi người nhanh chóng vào vị trí, kéo rào chắn ngăn không cho người và các phương tiện tham gia giao thông qua lại. Công việc tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng chỉ những người trong nghề mới hiểu được hết những vất vả hàng ngày mà họ luôn phải thực hiện. Chị Vũ Thị Thanh Lự, có 18 năm trong nghề chia sẻ: “Mỗi nhân viên tại trạm gác được bố trí làm luân phiên ca ngày và ca đêm, mỗi ca kéo dài 12 tiếng. Thời điểm cuối năm, tàu phải tăng cường chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách về quê ăn tết nên công việc của người gác tàu lại càng vất vả hơn. Những năm trước, mỗi ngày có khoảng 40 chuyến tàu qua lại. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mỗi ngày có khoảng 35 chuyến tàu đi qua. Nhiệm vụ của chúng tôi là kéo gác chắn, ghi chép lịch trình tàu, nên phải trực tại chỗ không được rời vị trí trong ca trực. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể mang lại hậu quả khôn lường”(!). Nhiều năm trong nghề, chị Lự tâm sự, chuyện đón giao thừa tại trạm gác là bình thường. Thời gian đầu, chị thấy rất buồn vì thời khắc thiêng liêng nhất lại không được quây quần bên gia đình, nhưng sau dần quen. Công việc đầy ý nghĩa này đã khiến chị có thêm động lực để gắn bó lâu dài với nghề. Vì sự an toàn của người khác, đôi khi những nhân viên gác chắn phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập. Để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu cũng như người tham gia giao thông đường bộ, các nhân viên gác tàu thường phải đóng chắn sớm hơn giờ báo. Tuy nhiên, do người đi đường không hiểu nên thường mắng nhiếc, nặng lời; có người vẫn cố tình chui qua. Bên cạnh đó, không thể không kể đến những người tuần đường, kiểm tra đường ray mỗi ngày. Anh Trần Hữu Quyến, nhân viên tuần đường cho biết: “Ngày nào tôi cũng đi một lượt dọc tuyến đường mà Tổ quản lý. Từng mối ray đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng. Một chiếc bu lông mối lỏng thôi là liên kết của đường ray đã không được đảm bảo, tàu đi qua rất dễ bị cặm. Vì vậy tôi luôn phải mang sẵn cờ lê bên mình để vặn chặt lại và thường xuyên đi kiểm tra, phát hiện chỗ nào có vấn đề để báo lại cho cấp trên kịp thời xử lý”. Anh Nguyễn Thành Nam, Cung trưởng cung đường Nam Định chia sẻ: Công việc của người tuần đường rất vất vả, làm việc cả ngày nắng cũng như mưa, ngày lễ cũng như ngày thường, họ phải trực tiếp kiểm tra các hạng mục đường sắt mà máy móc không thể thay thế được. Mặc dù thu nhập mỗi tháng của những người gác chắn tàu, những người tuần đường chỉ 4-5 triệu đồng nhưng họ vẫn gắn bó với nghề. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến tàu, những người thợ sửa chữa đường sắt của Cty cổ phần Hà Ninh dù trời nắng nóng hay giá rét vẫn không ngần ngại với nhiệm vụ quản lý, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt, đảm bảo an toàn cho tàu chạy. 

Mỗi ngày trên tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn vang lên âm thanh của tiếng bánh sắt trên đường ray. Mỗi chuyến tàu “đi đến nơi - về đến chốn” an toàn, luôn có giọt mồ hôi nhọc nhằn của những người công nhân thầm lặng./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



Công ty quà tặng doanh nghiệp grand cru

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com