Không có vị trí địa lý thuận lợi, giao thông còn nhiều khó khăn nhưng chục năm qua, xã Yên Trị (Ý Yên) đã bứt phá trở thành một trung tâm sản xuất ngành may công nghiệp lớn trong tỉnh. Xuất phát từ các hộ sản xuất, tổ hợp nhỏ, chủ yếu làm gia công đến nay nhiều doanh nghiệp của xã Yên Trị đã có cơ ngơi bề thế, quy mô, năng lực sản xuất lớn, với các sản phẩm trang phục, hàng bảo hộ lao động, áo mưa… có uy tín ở thị trường trong nước và quốc tế.
Sản xuất trang phục tại Doanh nghiệp tư nhân Phương Lan, xã Yên Trị (Ý Yên). |
Để thúc đẩy sản xuất CN-TTCN phát triển, xã Yên Trị đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi như: tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, thủ tục vay vốn… quy hoạch gọn vùng đất công ích xã quản lý; tận dụng diện tích thùng đào, thùng đấu tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuê lâu dài để đầu tư xây dựng, mở rộng diện tích nhà xưởng, phát triển sản xuất. Xã hiện có 4 Cty, 3 doanh nghiệp tư nhân với các ngành nghề chủ yếu như: may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, dán ép ni-lông… thu hút trên 2.000 lao động địa phương và gần 1.500 lao động từ các xã lân cận, thậm chí cả lao động từ Ninh Bình, Thanh Hóa… Từ định hướng đúng với những chính sách ưu đãi trong phát triển ngành nghề, nhiều tổ hợp sản xuất của xã đã mạnh dạn đăng ký thuê đất, đầu tư kinh phí xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị hiện đại, thành lập doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, kinh doanh như: Cty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh, Doanh nghiệp tư nhân Phương Lan, Cty TNHH Thương mại và Sản xuất Vĩnh Tiến… chuyên sản xuất các sản phẩm may công nghiệp. Từ một tổ hợp chuyên gia công sản phẩm quân nhu cho các Cty May 10, May 20 (Bộ Quốc phòng), đến nay Doanh nghiệp tư nhân Phương Lan đã phát triển thành một doanh nghiệp may công nghiệp lớn. Được UBND xã tạo điều kiện cho thuê mặt bằng rộng 8.400m2, Cty đã đầu tư xây dựng 2 xưởng may với 500 máy may công nghiệp; 2 xưởng cắt, 2 xưởng hoàn thiện… để sản xuất các sản phẩm: áo sơ-mi, quần âu, bảo hộ lao động, đồng phục, mũ nón thời trang, áo đi mưa, găng tay… phục vụ thị trường nội địa và một phần xuất khẩu sang các nước thuộc EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Với trên 1.200 máy móc chuyên dụng và 20 chuyền may bình quân mỗi tháng doanh nghiệp Phương Lan sản xuất được trên 40 nghìn sản phẩm các loại, tạo việc làm cho 700 lao động với thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh hiện tại đã có vốn điều lệ trên 50 tỷ đồng, khu vực nhà xưởng rộng trên 9.300m2, gồm 3 phân xưởng may với tổng số gần 600 máy may công nghiệp, thu hút trên 800 lao động thường xuyên. Ngoài thị trường nội địa, các sản phẩm của Cty đã được xuất khẩu sang thị trường các nước Ba Lan, Anh… Phát triển từ một tổ hợp sản xuất nhỏ, sau 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cty TNHH Thương mại và Sản xuất Vĩnh Tiến đã “vươn mình” trở thành một doanh nghiệp hàng đầu về sản phẩm trang phục. Ngoài sản phẩm truyền thống là các loại áo mưa, Vĩnh Tiến đang sở hữu thương hiệu trang phục thời trang Vitimex gồm đa dạng các loại sản phẩm: quần âu, áo sơ mi, giắc-két… với lượng công nhân trên 1.000 người; mức thu nhập từ 4-8 triệu đồng/người/tháng…
“Doanh nghiệp làng” muốn vươn ra “biển lớn” thị trường toàn quốc và quốc tế cần rất nhiều yếu tố, đặc biệt là tiềm lực tài chính, cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị doanh nghiệp. Sự nhanh nhạy của các nhà kinh doanh ở Yên Trị đã nắm bắt được các cơ hội quan trọng để phát triển. Đầu tiên là chủ trương khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN của tỉnh, huyện; quyết tâm chính trị của Đảng ủy, UBND xã thể hiện ở quy hoạch diện tích mặt bằng để phát triển sản xuất CN-TTCN và những cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Các chương trình đào tạo nghề miễn phí từ nguồn khuyến công, Đề án 1956… Bên cạnh đó là sự chuẩn bị, tầm nhìn, nỗ lực của các tổ hợp sản xuất và doanh nghiệp của xã. Sau gần 20 năm các hộ, tổ hợp sản xuất ở Yên Trị đã có những bước phát triển vượt bậc. Với phương châm phát triển “rết nhiều chân” sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề vẫn chú trọng phát triển dòng sản phẩm chủ lực để định vị thương hiệu trong thị trường. Ví dụ như: sản phẩm chủ lực của Cty Vĩnh Oanh là các loại quần áo bảo hộ lao động nhưng có các sản phẩm phụ là: trang phục, áo mưa; Cty Vĩnh Tiến ngoài sản phẩm chủ lực là các loại trang phục còn sản xuất áo mưa, găng tay bảo hộ lao động… Đặc biệt, các doanh nghiệp ở xã Yên Trị đã quan tâm đầu tư xây dựng và vận hành theo những phương thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến như: ISO; chứng chỉ kiểm định chất lượng sản phẩm (TUV)… Chú trọng đến cả thị trường nội địa (trong tỉnh, trong nước) và thị trường quốc tế. Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống đại lý, văn phòng đại diện trong nước và nước ngoài…
Với những biện pháp đồng bộ trên, nhiều doanh nghiệp xã Yên Trị đã thành công, vươn lên trở thành những Cty hàng đầu trong ngành công nghiệp dệt may của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thành Trung