Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị đồng bộ

08:02, 19/02/2016

Trong những năm qua, hệ thống đô thị tỉnh ta đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, số lượng cũng như chất lượng. Hệ thống đô thị đã tạo ra một diện mạo không gian đô thị văn minh và hiện đại, cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho người dân.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 1 đô thị loại I là Thành phố Nam Định và 1 đô thị loại IV là Thị trấn Thịnh Long và 14 thị trấn đô thị loại V. Theo Sở Xây dựng, hệ thống các đô thị được quy hoạch đồng bộ làm cơ sở định hướng đầu tư góp phần đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa. Các đồ án quy hoạch, từ quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết xây dựng các công trình đã định hướng rõ các khu chức năng của đô thị, đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng công trình, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị. Trong đó có thể kể đến các quy hoạch như Quy hoạch vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; quy hoạch phân khu các phường, xã tại Thành phố Nam Định; quy hoạch hai bên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, quy hoạch các khu đô thị tại trung tâm các huyện, quy hoạch mạng lưới hạ tầng viễn thông tỉnh, quy hoạch mạng lưới xăng dầu tỉnh, quy hoạch các đô thị thị trấn như Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông… Trong đó, Thành phố Nam Định tiếp tục giữ vững là trọng điểm đầu tư với định hướng theo mô hình tổ chức đô thị “đa cực”; mở rộng đô thị hóa ra vùng ven và các huyện ngoại thành, hình thành các khu đô thị mới, hỗ trợ phát triển các đô thị đối trọng, vệ tinh trong vùng góp phần giảm mật độ dân số đang tập trung cao ở nội thành, nhằm đáp ứng, nâng cao chất lượng sống, thuận tiện trong sinh hoạt và làm việc của người dân. Xây dựng các đô thị mới với các chỉ tiêu, tiêu chí quy hoạch tiên tiến theo hướng văn minh, hiện đại như dành nhiều quỹ đất cho xây dựng công trình dịch vụ phúc lợi công cộng, hạ tầng đô thị, khoảng trống cây xanh… Trong năm 2015, đã có hơn 40 dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố. Mạng lưới giao thông và các công trình phụ trợ phục vụ dân sinh trong thành phố tiếp tục được nâng cấp, mở rộng hoàn thiện công viên Tức Mặc, hạ tầng các khu tái định cư; kè hồ Hàng Nan, hồ An Trạch… Các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố như cầu Tân Phong, đường nối Quốc lộ (QL) 21, QL 10 và cầu Tân Phong; đường nối QL 10 đến đầm Bét, đầm Đọ và đường Nguyễn Công Trứ được triển khai tạo thành hệ thống giao thông kết nối của khu vực trung tâm của thành phố. Theo Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thành phố, các dự án được triển khai đều gắn bó mật thiết với nhu cầu và nguyện vọng của người dân tại các khu dân cư. Các đô thị khác như Thị trấn Thịnh Long, Thị trấn Quất Lâm đang tích cực triển khai đầu tư trên cơ sở hạ tầng theo hướng hoàn thiện tiêu chí đô thị. Thị trấn Quất Lâm đang triển khai xây dựng Quy hoạch xây dựng chung đô thị Quất Lâm đến năm 2030 với mục tiêu trở thành đô thị loại IV vào cuối năm 2020. Các định hướng tổng thể về phát triển cấp nước đô thị và KCN được cập nhật, chỉ đạo thực hiện xuyên suốt. Trong năm 2015, Sở Xây dựng cũng đã hoàn thiện “Quy định về phân cấp quản lý, hạn mức đất và chế độ quản lý việc quy hoạch, xây dựng nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Nam Định” đã được UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở để thực hiện việc quản lý, xây dựng nghĩa trang bảo đảm đáp ứng yêu cầu xã hội hài hòa với văn minh đô thị. Sở Xây dựng đã phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia điều chỉnh, bổ sung và quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng đến năm 2030. Với các biện pháp đồng bộ, chất lượng đời sống đô thị không ngừng được tăng lên. Tỷ lệ KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 66,67%; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom ở Thành phố Nam Định đạt 90%; khu vực thị trấn (đô thị loại IV, V) đạt 80%. Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý hợp vệ sinh ở Thành phố Nam Định 100%; khu vực thị trấn (đô thị loại IV, V) 80%. Các thị trấn trung tâm huyện đã xây dựng các khu đô thị mới có hạ tầng đồng bộ các hạng mục từ đường giao thông, hệ thống thoát nước, đến điện sinh hoạt, điện chiếu sáng, cây xanh... theo chuẩn đô thị loại III.

Tuyến đường 52m kết nối giữa QL10 với trung tâm Thành phố Nam Định.
Tuyến đường 52m kết nối giữa QL10 với trung tâm Thành phố Nam Định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Một số đồ án quy hoạch còn thiếu, sự phối hợp giữa chính quyền cơ sở các thị trấn và các sở, ngành chuyên môn trong công tác lập và quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ; việc công khai quy hoạch và triển khai mốc quy hoạch ra thực địa chưa đạt yêu cầu; cán bộ làm công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đô thị còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ... Còn không ít tồn tại, thiếu đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị với hạ tầng bên ngoài các khu đô thị nên thiếu sự liên thông và kết nối giao thông, thoát nước, xử lý nước thải... Các khu đô thị mới phát triển không có sự gắn kết với nhau trong một quy hoạch tổng thể chung của đô thị, thiếu các công trình hạ tầng xã hội cơ bản: chợ, trường học, công trình giao thông tĩnh... Chất lượng công trình hạ tầng nhiều khu đô thị còn thấp, nhất là khu tái định cư, thậm chí cả những khu đô thị cao cấp. Tốc độ xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở vẫn còn chậm.

Để khắc phục những hạn chế và tồn tại trên, thời gian tới, theo Sở Xây dựng, khi cần quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị mới phải được xem xét trong quy hoạch xây dựng chung, trong đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật là khung cơ bản phải thống nhất, đồng bộ và liên hoàn. Đảm bảo đáp ứng yêu cầu hiện tại, đồng thời thuận tiện cho việc kết nối hệ thống hạ tầng tổng thể trong tương lai. Nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng, đề cao thiết kế đô thị nhằm khai thác, phát huy những giá trị, đặc điểm riêng mang tính địa phương của mỗi khu vực gắn liền với rà soát, kiểm tra về quy hoạch và thực hiện xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Các công trình hạ tầng xã hội cơ bản phải được xây dựng song song với việc xây dựng các khu nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật bám sát theo nhu cầu thực tế của người dân, hướng đến quyền lợi người dân là chủ thể của các đô thị. Kiểm tra lại cao độ nền, các đầu mối, các kết nối giao thông, hệ thống các đường dây, đường ống (cấp, thoát nước, cấp điện...) để có các giải pháp khắc phục kịp thời, hạn chế đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả. Xây dựng các trạm xử lý nước thải, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe buýt... đáp ứng nhu cầu đô thị trong tương lai. Các nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung về xây dựng công trình hạ tầng cơ sở như đã đề ra trong quy hoạch chi tiết, theo một lộ trình bắt buộc, cần có tổng kết, đánh giá việc xây dựng các khu đô thị mới, qua đó đề xuất sửa đổi những cơ chế, chính sách, các quy định không còn phù hợp (về đất đai, vốn, tiêu chuẩn, quy chuẩn). Tiếp tục ưu đãi các nhà đầu tư trong xây dựng và phát triển đô thị mới./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com