[links()]
II - Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, tháng 2 thời tiết vẫn tiếp tục rét đậm và diễn biến khá phức tạp. Các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong các khâu chuẩn bị cho gieo cấy vụ xuân 2012 song vẫn còn rất nhiều công việc phải làm. Ngay từ bây giờ, các địa phương cần huy động tối đa nhân lực và phương tiện để làm đất. Do mất ải nên việc làm đất nhuyễn kỹ cần được tăng cường vì đất dai khó làm nên ưu tiên làm đất bằng máy. Mặt khác, ngoài thau chua, rửa mặn ở những nơi có thuận lợi về nguồn nước, các địa phương hướng dẫn nông dân dùng vôi, lân làm trung hoà chua, mặn, đồng thời tăng cường phân huỷ các chất hữu cơ cũng như thải loại các độc tố trong đất để hạn chế hiện tượng lúa bị nghẹt rễ, bó rễ khi mới cấy. Phấn đấu làm đất kỹ, nhuyễn, nhanh theo hướng ruộng chờ mạ. Cùng với tập trung làm đất, việc lấy nước đủ cho bừa cấy và dự trữ phục vụ việc chăm sóc lúa ngay từ thời gian đầu bảo đảm cây lúa khoẻ ngay sau khi gieo cấy để có sức chống chịu với thời tiết, khí hậu và sâu bệnh. Đặc biệt, từ ngày 30-1 đến 5-2 là thời điểm gieo mạ xuân đại trà của các địa phương, việc gieo mạ nền tuy đã được các địa phương áp dụng trong nhiều năm nhưng cần chọn nơi gieo mạ phải khuất gió bắc và phải thực hiện che phủ ni-lon đúng kỹ thuật để chống rét cho mạ. Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, gieo mạ xong phải che mạ ngay sau 3-4 ngày giữ ấm cho mạ phát triển rồi mới mở che vào ban ngày khi nhiệt độ trên 150C và che lại khi nhiệt độ thấp về đêm. Hiện nay nhiệt độ đang thấp và rét tiếp tục bổ sung, việc che ấm cho mạ là giải pháp tích cực để có đủ mạ khoẻ, cấy đúng trong khung thời vụ tốt nhất. Để nông dân gieo mạ đúng lịch, đúng kỹ thuật, trong 2 ngày trước Tết Nguyên đán, Sở NN và PTNT đã huy động gần 100 đoàn viên, thanh niên đến các xã, thôn của các huyện, thành phố phát tờ rơi, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân phương pháp gieo, chăm sóc và bảo vệ mạ. Trong các ngày 29, 30, 31-1 lực lượng thanh niên xung kích của Sở NN và PTNT tiếp tục đến tận các thôn, xóm trong tỉnh, đặc biệt là các địa phương những năm trước chưa làm tốt việc che phủ, chăm sóc, bảo vệ mạ để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Các huyện, thành phố cũng cần tổ chức các đội xung kích ngay trong giai đoạn tập trung gieo mạ đại trà để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật gieo, chăm sóc và bảo vệ mạ xuân cho các hộ nông dân. Cùng với che phủ, bảo vệ mạ bảo đảm mạ đanh dảnh, khoẻ trước khi cấy, các địa phương cũng cần quan tâm để có đủ mạ dự phòng cấy hết diện tích theo kế hoạch.
Nông dân xã Nghĩa An (Nam Trực) xuống đồng bừa ngả. |
Phương pháp gieo sạ hàng thay cho cấy lúa truyền thống đã được tỉnh và ngành NN và PTNT khuyến khích các địa phương áp dụng trong nhiều năm nay, nhất là trong sản xuất vụ xuân và ở nơi chủ động được nguồn nước. Phương pháp này không những giảm 60-70% công lao động nặng nhọc, rút ngắn thời gian sinh trưởng trên dưới 10 ngày, hiệu quả tăng 10-15% so với cấy truyền thống. Phương pháp gieo sạ hàng đã thành tập quán ở một số địa phương như Tân Thịnh, Nam Mỹ (Nam Trực), Yên Trung, Yên Tân (Ý Yên), Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng), Hải Lộc, Hải Thanh (Hải Hậu)... Nhiều địa phương tổ chức gieo sạ hàng cả vụ xuân và vụ mùa với tỷ lệ chiếm 60-80% diện tích trong vài năm nay đều cho hiệu quả, năng suất vượt trội. Đặc biệt phương pháp gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp đã được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai mô hình trong năm 2011 ở các xã Nam Thành (Nam Trực), Hải Hà (Hải Hậu), Giao Tiến (Giao Thuỷ) với mỗi xã 10-15ha vẫn bảo đảm mật độ 40-45 khóm/m2, năng suất cao hơn sạ hàng 5-6% (tăng hơn so với cấy truyền thống trên 20%). Phương thức gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp giảm được sâu bệnh, kể cả bệnh khô vằn, bạc lá, rầy nâu... Do ánh sáng chiếu thẳng từ ngọn đến gốc cây lúa đã tăng quang hợp, tăng sức chống chịu, nhất là chống đổ tốt. Trong vụ xuân 2012, toàn tỉnh phấn đấu diện tích gieo sạ hàng đạt từ 30% tổng diện tích cấy lúa xuân trở lên, huyện Trực Ninh đã đăng ký 60% diện tích trở lên. Đây cũng là một gợi ý cho những địa phương còn chậm đưa tiến bộ kỹ thuật mới này vào trong sản xuất nông nghiệp xem xét, phấn đấu. Theo lịch hướng dẫn của Sở NN và PTNT, thời gian gieo sạ hàng tốt nhất từ ngày mùng 10 đến 15-2, các địa phương, nhất là các xã kết hợp với ngành NN và PTNT vận động và tổ chức mở rộng diện tích gieo sạ hàng, ưu tiên cho gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp. Đặc biệt 630ha của 13 xã: Minh Tân (Vụ Bản), Mỹ Hà (Mỹ Lộc), Yên Trung (Ý Yên), Tân Thịnh, Nam Mỹ, Nam Thắng (Nam Trực), Việt Hùng (Trực Ninh), Xuân Kiên (Xuân Trường), Giao Tiến (Giao Thuỷ), Nghĩa Phú, Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), Hải Toàn, Hải Lộc (Hải Hậu) đã đăng ký tham gia xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn do Bộ NN và PTNT chọn tỉnh ta là 1 trong 4 tỉnh, thành phố phía Bắc làm thí điểm (Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Thành phố Hà Nội) trong năm 2012 cũng nên áp dụng phương pháp gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp - một tiến bộ mới hiện nay trong cấy lúa.
Giá giống lúa lai năm nay khá cao, gấp 3-6 lần so với lúa thuần, nhưng để bảo đảm cả năng suất cũng như hiệu quả kinh tế và phù hợp với thổ nhưỡng, các địa phương vùng ven biển, vùng chua trũng vẫn phải chỉ đạo quyết liệt để nông dân cấy giống lúa lai vì có khả năng chống chịu tốt về thời tiết, khí hậu, khô hạn, chua mặn, sâu bệnh và cho năng suất cao mà Sở NN và PTNT đã đưa vào cơ cấu như TX111, D.ưu 527, D.ưu 725, Nhị ưu 838, Syn6... Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, vụ xuân năm 2012, ngoài chú ý để đạt năng suất cao thì các địa phương quan tâm đến giá trị và hiệu quả trong gieo cấy. Mặt khác, truyền thống của nông dân tỉnh ta là cấy giống Bắc thơm số 7 có chất lượng gạo, cơm ngon, dễ tiêu thụ và giá thường cao hơn gấp rưỡi so với lúa tẻ thường, đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các giống lúa khác. Trong cả vụ xuân và vụ mùa, giống lúa Bắc Thơm số 7 bao giờ cũng chiếm tỷ lệ 40-60% diện tích, thậm chí có xã tỷ lệ cấy giống lúa này đạt tới 70-80% diện tích. Song nhược điểm của giống lúa này là sức chống chịu sâu bệnh thời tiết kém nhất là bệnh bạc lá, rầy cuối vụ hay bị đổ ngã. Để bảo đảm an toàn cho giống lúa Bắc Thơm số 7, nên chăng ngành NN và PTNT cần chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân các địa phương có canh tác giống lúa này. Mặc dù các địa phương trong tỉnh chưa xây dựng thương hiệu cho giống Bắc Thơm số 7 nhưng từ lâu thị trường các tỉnh, thành phố phía Bắc và bắc miền Trung đã rất ưa chuộng gạo Bắc Thơm số 7 của tỉnh ta. Đây cũng chính là nguyên nhân giống lúa Bắc Thơm số 7 luôn chiếm tỷ lệ gieo cấy cao nhất so với các giống lúa khác ở tỉnh ta trong gần chục năm nay.
Để giành vụ lúa xuân năm 2012 thắng lợi toàn diện còn nhiều việc cần phải làm như khâu canh tác, bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch hại... Trong tháng 2-2012, các địa phương và ngành NN và PTNT tập trung cho khâu lo đủ nước cả cho cấy và chăm bón sau này; làm đất kỹ, nhuyễn; gieo mạ đúng lịch, che chắn, bảo vệ mạ thật tốt để cấy gọn trong tháng 2; mở rộng diện tích gieo sạ hàng, nhất là gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp; triển khai, hướng dẫn đồng bộ các biện pháp thâm canh, tăng năng suất... chính là khâu đầu tiên làm tiền đề để giành vụ lúa xuân bội thu./.
Bài và ảnh: Tất Thắc