Đêm trên đảo Sinh Tồn

09:01, 25/01/2012

Từ ngày 16-3 đến 2-4-2011, Đoàn đại biểu của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh ta do đồng chí Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ dẫn đầu đã đi thăm Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Đoàn đã đến 6 đảo (4 đảo nổi, 2 đảo chìm) và nhà giàn Tư Chính thuộc thềm lục địa phía Nam. Phóng viên Báo Nam Định tham gia đoàn đã ghi lại tình cảm sâu đậm giữa đoàn với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông trong đêm 24-3-2011.

Đồng chí Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nói chuyện với các chiến sĩ quê hương Nam Định bên cột mốc chủ quyền tại đảo Trường Sa Ảnh: Tất thắc
Đồng chí Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nói chuyện với các chiến sĩ quê hương Nam Định bên cột mốc chủ quyền tại đảo Trường Sa.  Ảnh: Tất Thắc

Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 24-3-2011, trên boong tàu chúng tôi đã nhìn thấy đảo Sinh Tồn Đông (quần đảo Trường Sa) lúc ẩn, lúc hiện trong hơi nước biển mờ đục. Cách đảo gần một hải lý, tàu thả neo. Hai chiếc xuồng máy đỏ au được hạ thủy để đưa chúng tôi vào thăm đảo. Từ lúc nhìn thấy đảo đến khi xuồng cập mạn cầu tàu cũng mất hàng giờ. Dọc theo cầu tàu vào, cán bộ chiến sỹ của đảo đã tề tựu đông đủ đón chúng tôi thân thiết như đón đồng đội sau những ngày nghỉ phép trở lại đơn vị. Những khuôn mặt dạn dày sương gió lấp lóa nụ cười tươi, những chiếc bắt tay thật chặt… Các anh chân tình đỡ lấy ba lô, túi, cặp… mang hộ chúng tôi trong ríu ran chuyện, đưa chúng tôi vào tận hội trường. Buổi gặp mặt diễn ra chân tình, ấm áp. Đồng chí Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy vui mừng thông báo với cán bộ, chiến sỹ trên đảo những đổi thay, những thành tựu kinh tế - xã hội quân, dân Nam Định đã đạt được trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thay mặt Đảng bộ, quân, dân tỉnh nhà, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cảm ơn cán bộ, chiến sỹ đảo Sinh Tồn Đông nói riêng và cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa đã ngày đêm khắc phục khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Sau khi khái quát tình hình sẵn sàng chiến đấu, đảo trưởng Nguyễn Văn Thọ đã trân trọng trao lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trong phong ba bão táp nhuốm màu thời gian làm kỷ vật cho đoàn, trao trọn tấm lòng kiên trung "một tấc không đi một ly không rời" giữ vững vùng lãnh hải biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Theo lịch trình, đêm 24-3 chúng tôi ở lại với đảo.

Tranh thủ lúc trời chưa tối, đoàn chúng tôi tỏa ra, người theo các chiến sỹ về khu nhà ở để "mục sở thị" sự ngăn nắp, sẵn sàng chiến đấu cao và tâm tình với người lính, người tranh thủ chụp ảnh với cán bộ chiến sỹ của đảo bên cột mốc chủ quyền, bên cây dừa già oằn mình trước bão tố nhưng vẫn vươn lên cao hàng chục mét, bên cây phi lao sần sùi gan góc chứng kiến bao áng hùng ca bảo vệ đảo, bên cây bàng quả vuông lá nuột như nhung xanh non một màu trẻ trung; người ra 2 doi cát nhặt vỏ sò, vỏ ốc, cành san hô, hòn cuội để làm quà kỷ niệm về chuyến đi… Người chiến sỹ quê Nghệ An đưa tôi lang thang khắp đảo chỉ rộng chưa đầy ha, xen những ô vườn rau di động nhỏ xinh, khu chăn nuôi lợn nép mình dưới tán cây, khu để dụng cụ đánh bắt cá… Trời tối thật nhanh vì những cơn mưa sụt sùi kéo đến. Đây đó trong khu nhà ở tiếng đàn, tiếng hát đã vang lên - đội văn nghệ xung kích của đoàn và của đảo đang tập dượt cho buổi biểu diễn giao lưu đêm nay.

Vừa nhá nhem tối, hệ thống điện mặt trời trên đảo đã tự động bừng sáng. Lê Hải, phóng viên Đài PT-TH tỉnh khoe với tôi đã xin được quả bàng vuông ở đảo Nam Yết hôm qua. Giọng nằng nặng không phân biệt dấu hỏi và dẫu ngã người chiến sỹ đi cùng tôi từ lúc còn chưa tối khoe: "Cứ đến nữa (nửa) đêm hoa bàng quã (quả) vuông mới nở đẹp lắm, hơn cã (cả) hoa quỳnh. Đêm nay các anh thức đễ (để) quay phim, chụp ãnh (ảnh) đặc sãn (sản) cũa (của) đão (đảo) mang về đất liền cho mọi người cùng xem…". Chúng tôi nhanh chóng lại gần cây bàng quả vuông trước khu nhà ở tìm những nụ hoa bàng vuông sẽ nở đêm nay. Thấy chúng tôi loay hoay nơi gốc cây, dùng đèn "pin" của điện thoại soi tìm, anh Nguyễn Tất Dụ, phó đảo trưởng, tham mưu trưởng của đảo vào lấy cho chúng tôi chiếc đèn pin rồi kéo chúng tôi lên lan can tầng 2: "Phải lên đây và dùng loại này chứ dùng đèn điện thoại sao nhìn được trong tán lá dày…". Trong ánh đèn pin dọi, cả chục nụ bàng quả vuông đã to bằng quả trứng gà so, nơi tiếp giáp của những cánh hoa đã lé trắng. Tôi tranh thủ chụp vài kiểu trước rồi nhanh chóng sang hội trường đang xập xình tiếng nhạc và rộn rã tiếng nói, cười. Tất cả cán bộ, chiến sỹ đã đông đủ. Diễn viên Bùi Thị Thanh Hằng, NSƯT Đoàn Cải lương Nam Định đang say sưa hát bài "Giận mà thương" nền nã. Cử chỉ, ánh mắt toát lên vẻ đoan trang làm cả hội trường im phắc lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Bài hát vừa dứt, những nụ bàng quả vuông chưa kịp nở được các chiến sỹ ngập ngừng trao tặng làm Thanh Hằng nghẹn ngào… Bài tiếp bài, diễn viên, chiến sỹ đơn ca, song ca…, lúc đầu mọi người còn e lệ, lẩm nhẩm hát theo. Đến bài "Cung đàn mùa xuân" thì cả hội trường hát, cả hội trường vỗ tay theo nhịp rồi vỡ òa khi các chiến sỹ "nhập cuộc" với những động tác võ thuật khỏe khoắn thay cho múa phụ họa ở các bài "Hãy hát lên", "Bài ca lính đảo"… át cả tiếng gió biển gào, mưa như xối nước, sóng gầm và tiếng sấm của giông vần vũ. Ấn tượng nhất đêm nay Đại đức Thích Thành Phúc vẫn bộ áo nâu sồng của người tu hành đã cầm "míc" cùng Trần Thu Hằng song ca bài "Gửi em ở cuối sông Hồng" tặng cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Giọng ấm, mượt quyện trong bài tình ca đôi chỗ chưa khớp nhạc nhưng có lẽ chỉ có tình cảm với những chiến sỹ nơi biên cương mới được thưởng thức tiết mục có một không hai này… Tôi hiểu được vì sao Nam Định có phong trào "cởi áo cà sa tòng quân cứu nước" của các nhà tu hành trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự xuất hiện của đại đức trong bài tình ca tặng các chiến sỹ trên đảo làm "nóng" lên không khí của hội trường của đêm giao lưu văn nghệ, kéo mọi người nhập cuộc vui đến hết mình. Phóng viên Dương Thanh Bình, Đài PT-TH tỉnh mọi ngày chỉ chăm chú đến công việc, đêm nay say sưa hát tặng những chiến sỹ với bài "Biển nỗi nhớ và em". Chị phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam choàng vội chiếc khăn choàng thay cho hóa trang thánh thót bài tình ca "Biển hát chiều nay". Diễn viên hát, chiến sỹ hát, cả hội trường hát thật vui…

Bên ngoài, trời mưa nặng hạt. Dưới sân, bóng chiến sỹ trong chiếc áo mưa lùng thùng đang lúi húi hứng nước mưa, dùng ống dẫn dòng nước quý vào các bể ngầm dự trữ. Ai đã từng ở đảo xa bờ, nhất là các đảo không có giếng nước lợ ở Trường Sa, chứng kiến ròng rã suốt 6 tháng mùa khô không một trận mưa, dưới cái nắng, nóng như nung… mới thấy nước ngọt quý giá đến nhường nào (!).

Gió, mưa, chớp bể… càng tôn thêm vẻ đẹp, vẻ kiêu hãnh của cây, của hoa bàng quả vuông. Tôi say sưa ngắm, chụp khi các cánh hoa từ từ mở ra. Trong những cánh cứng dày ấy là gần trăm cọng ngần trắng, trong suốt như pha lê có thể nhìn thấu qua được như cánh hoa quỳnh ở đất liền. Những cọng pha lê ấy lại chuyển từ màu trong suốt đến phớt hồng từ đài đến nhụy và nốt nhụy vàng tươi nơi đầu cọng thật đẹp. Đang mê mải ngắm, tôi giật mình quay lại khi bàn tay của phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng đảo đặt nhẹ lên vai tôi và hai chúng tôi cùng ngắm hoa trong im lặng. Trong hội trường buổi giao lưu văn nghệ đã kết thúc từ lúc nào. Mưa ngớt, gió đã nhẹ hơn. Hai chúng tôi tản bộ quanh đảo. Anh kể cho tôi nghe về những chiến công, những gương vượt khó, về tinh thần quả cảm, về tình yêu, tình đoàn kết của cán bộ, chiến sỹ trên đảo; về việc di chuyển vườn rau theo mùa; về tổ chức chăn nuôi lợn, vịt… để cải thiện cuộc sống. Đến những vọng gác, thăm những chiến sỹ ẩn mình trong những vật che khuất mắt dõi theo từng động tĩnh ngoài biển khơi. Với vị trí chiến lược của đảo, trong năm qua sự cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ của đảo đã phát hiện 2 lượt máy bay, 1.257 tàu thuyền nước ngoài nhòm ngó hòn đảo này; chuyện 3 cán bộ, chiến sỹ được kết nạp vào đội ngũ của Đảng trong năm qua…

Phía đông những rẻ quạt màu hồng đã quét lên nền trời vẫn còn sẫm màu. Tôi bịn rịn chia tay bởi đoàn đã được lệnh lên tàu tiếp tục cuộc hành trình./.

Tuấn Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com