Khát vọng nơi cửa sông...

09:01, 22/01/2012

Ở nơi sông Ninh Cơ hòa vào với biển, bên những vựa tôm, đầm cá đầy ăm ắp là những đồng bãi đang xanh ngút ngàn nhờ màu mỡ phù sa bồi đắp. Với sự ưu đãi của thiên nhiên, cuộc sống của người dân vùng cửa sông Ninh đã và đang ngày càng sung túc, đi lên. Những ngày cuối năm, cùng với niềm vui khi Tết đến, Xuân về, nơi cửa sông Ninh đang khát vọng về một Khu Kinh tế đang dần hiện hình trên bản đồ kinh tế quốc gia…!

Cả trăm, nghìn năm được thiên nhiên ưu đãi bồi đắp, vùng cửa sông Ninh Cơ đến nay có hàng chục nghìn ha đất bãi bồi màu mỡ, trải dài trên địa phận của các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Phúc, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nam Điền (Nghĩa Hưng); Hải Ninh, Hải Hòa, Hải Châu, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). Với lợi thế là vùng cửa sông, giáp biển, cuộc sống của người dân nơi đây không ngừng được nâng lên những tầm cao mới. Đến nay, tại 9 xã, thị trấn vùng cửa sông đã có trên 2.500ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng năm 2010 là 16.500 tấn, trong đó xuất khẩu đạt 13 triệu USD. Trên những dải phù sa màu mỡ, diện tích 2.000ha cây vụ đông tăng dần về hiệu quả, đến năm 2010 đạt giá trị canh tác lên tới 70 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 lần so với thời điểm năm 2005. Vùng ven biển này còn tạo điều kiện để người dân phát triển nghề khai thác hải sản với sản lượng đến nay đạt gần 20 nghìn tấn/năm, giúp hàng trăm hộ dân có nghề làm muối ở 350ha đồng muối. Nhưng tiếp nối truyền thống cần cù, chịu khó, không ngừng lao động của thế hệ cha ông từ buổi đến đây khai hoang, mở đất, người dân vùng cửa sông Ninh Cơ hôm nay không chỉ biết trông chờ vào ưu đãi của thiên nhiên, vào tài nguyên sẵn có mà còn biết vươn lên, tìm nghề, mở nghề để nâng cao mức sống. Từ một vài làng nghề nhỏ lẻ, đến nay khu vực này trở thành vùng có tốc độ phát triển CN-TTCN khá mạnh. Thống kê trong 5 năm qua (2006-2010), tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN của vùng cửa sông đạt bình quân 20,05%/năm. Đến năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN của 9 xã, thị trấn đạt trên 56 tỷ đồng. Trong đó, ngành cơ khí và gia công kim loại là nhóm phát triển nhanh nhất. Lợi thế từ cụm cảng biển Hải Thịnh và trên 50km bờ biển đã đẩy tốc độ nghề sửa chữa phương tiện vận tải thủy lên 35,6%/năm. Trên địa bàn hiện nay đã có 2 KCN, 9 CCN đã được phê duyệt và đang triển khai hoạt động… Từ ưu đãi của thiên nhiên cộng với sự cần cù, hăng say lao động mà đời sống của người dân vùng cửa sông đã không ngừng tăng tiến. Đến hết năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tại đây đạt tới 12,5 triệu đồng/năm.

Mô hình Nhà máy nhiệt điện do TAEKWANG VINA đầu tư tại tỉnh Nam Định
Mô hình Nhà máy nhiệt điện do TAEKWANG VINA đầu tư tại tỉnh Nam Định

Nhưng như thế vẫn là chưa đủ đối với tiềm năng, khát vọng của vùng đất này! Đến vùng cửa sông Ninh Cơ vào dịp cuối năm còn thấy niềm vui đón chào năm mới được nhân đôi. Khắp từ thị tứ Đông Bình, Thị trấn Rạng Đông đến những làng, thôn ven chân sóng đang phấn khởi, tưng bừng với niềm tin sẽ có Khu Kinh tế (KKT) Ninh Cơ ra đời để nâng tầm, tạo bước ngoặt lịch sử cho vùng đất giàu tiềm năng này. Thực tế từ các nước trên thế giới, nhất là thực tế từ các KKT đã triển khai trong cả nước đã chứng minh việc triển khai các KKT là chính sách để phát triển trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế nhằm khai thác lợi thế về vị trí địa lý kinh tế, chính trị, các tiềm năng và nguồn lực của dải ven biển. Tại KKT, cùng với việc phát triển các ngành sản xuất, thực hiện giao thương quốc tế và trong nước thì điểm nổi bật là áp dụng mô hình và xây dựng các cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, kinh doanh bình đẳng theo thông lệ quốc tế. Cơ chế mở của KKT sẽ khắc phục những vướng mắc, hạn chế trong chính sách và cơ chế quản lý kinh tế hiện hành khi chưa có điều kiện áp dụng thực hiện rộng khắp trên phạm vi cả nước. Nói cách khác thì KKT với những cơ chế về phi thuế quan, khuyến khích đầu tư, kinh doanh mang tính đặc thù, phù hợp thông lệ quốc tế, không bị rào cản của các chính sách kinh tế quốc gia hiện hành sẽ là cánh cửa thông suốt để phát triển sản xuất, giao thương. Chính vì vậy, vai trò của KKT được xác định là điều kiện để tạo sức bật đột phá cho nền kinh tế. Đối với tỉnh ta, càng cần thiết phải triển khai xây dựng KKT khi Nam Định được xác định vai trò trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Trong khi cả nước có 15 KKT ven biển đã được thành lập và đi vào hoạt động thì vùng Nam đồng bằng sông Hồng được xác định là vùng kinh tế còn kém phát triển lại chưa có KKT nào. Căn cứ vào các yếu tố vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiêu chí về kinh tế - xã hội đều cho thấy vùng ven cửa sông Ninh Cơ hội đủ điều kiện để thành lập KKT. Đây là khu vực có cảng biển nước sâu, kết nối thuận lợi với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia và quốc tế, dễ kiểm soát và giao lưu thuận tiện với trong nước và nước ngoài, có quy mô diện tích đáp ứng yêu cầu phát triển tổng hợp của KKT. Bên cạnh đó, vùng cửa sông Ninh Cơ cũng đáp ứng đủ các tiêu chí về thu hút các dự án, công trình đầu tư với quy mô lớn, có tác động tới sự phát triển của cả vùng đồng bằng sông Hồng như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định công suất 2.400MW, Dự án Tổng kho xăng dầu và các KCN… Không chỉ khai thác được tiềm năng của vùng ven biển Nam Định, KKT Ninh Cơ còn được xác định có vai trò bảo vệ quốc phòng an ninh vùng ven biển, giữ gìn bảo vệ thiên nhiên và khu sinh quyển… Từ thực tế ấy, từ cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương cho phép nghiên cứu thành lập KKT Ninh Cơ tại Công văn số 6683/VPCP-CN. Ngày 24-5-2010, Thủ tướng kết luận cho phép Nam Định triển khai xây dựng KKT Ninh Cơ và đến ngày 25-2-2011, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1134/VPCP-KTTH về việc bổ sung KKT Ninh Cơ vào quy hoạch tổng thể phát triển KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020.

Nam Định đã nỗ lực cao nhất để hiện thực hóa một cơ hội mang tính đột phá về phát triển. Đến giữa năm 2011, Đề án phát triển KKT Ninh Cơ đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Đề án, KKT sẽ có diện tích tự nhiên 13.950ha thuộc Thị trấn Rạng Đông, các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Phúc, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nam Điền của huyện Nghĩa Hưng và 3 xã Hải Ninh, Hải Châu, Hải Hòa của huyện Hải Hậu. Không gian KKT gồm Khu Phi thuế quan có diện tích 200ha bố trí riêng biệt. Diện tích còn lại thuộc Khu Thuế quan với Nhà máy Nhiệt điện có diện tích 300ha, các khu, CCN có tổng diện tích 1.000ha, các khu cụm cảng và dịch vụ cảng diện tích 1.380ha, khu du lịch và các cảnh quan du lịch, khu thương mại, khu dân cư… Mục tiêu đặt ra đến năm 2015 tại đây sẽ đạt thu nhập bình quân đầu người trên 31 triệu đồng/năm. Đến năm 2020 KKT Ninh Cơ sẽ đóng góp khoảng 18-20% tổng thu nhập toàn tỉnh, tạo việc làm cho khoảng 60 nghìn lao động, thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần bình quân toàn tỉnh. Định hướng phát triển của KKT sẽ phát triển mạnh các ngành công nghiệp nặng gắn với lợi thế nguồn tài nguyên, nhiên liệu, lao động của tỉnh như sản xuất điện, cơ khí nặng, dệt may, khai thác biển và cảng biển…, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp lớn, các Cty xuyên quốc gia làm đầu tàu lôi kéo sự phát triển của KKT và của nền kinh tế tỉnh. Cùng với các cơ chế đặc thù, phù hợp quốc tế để phát triển thương mại nội địa, thương mại quốc tế, KKT Ninh Cơ còn có lợi thế để phát triển du lịch. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, doanh thu từ du lịch của KKT sẽ đạt 300 tỷ đồng/năm. Trong KKT, phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng cấp Thị trấn Thịnh Long lên thành phố. Nhu cầu nguồn vốn đầu tư đến năm 2020 khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2011-2015 khoảng 5,6 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm trên 1,12 nghìn tỷ đồng…

Những thông tin về một dự án lớn, những động thái của tỉnh để biến tiềm năng trở thành hiện thực phát triển đang làm nức lòng người dân vùng cửa sông. Mỗi ngày, khi thời điểm Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt đề án đến càng gần đều xuất hiện những bước trở mình mạnh mẽ ở vùng đất cửa sông. Phía bên này sông Ninh, nơi bờ bãi từng ngày được bồi đắp dài rộng hơn, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng Trần Văn Công phấn khởi thông báo: “Dự án xây dựng khu du lịch với diện tích 200ha, tổng mức đầu tư 315 tỷ đồng đã chính thức chuyển động. Đến hết năm 2011 đã giải ngân trên 100 tỷ đồng để triển khai nâng cấp đê, kè biển, làm cầu, đường”. Đồng chí Trần Văn Công còn cho biết, không chỉ người dân trong vùng KKT phấn khởi mà nhân dân khắp huyện Nghĩa Hưng đâu đâu cũng râm ran bàn tán, vui mừng khi nghe tin Đề án triển khai KKT Ninh Cơ đã được trình lên Chính phủ. Lãnh đạo và nhân dân Nghĩa Hưng xác định đây là bước ngoặt trọng đại của địa phương nên đều khẳng định sẽ làm hết trách nhiệm của mình khi bước vào thực hiện xây dựng KKT… Ở phía bên kia sông Ninh cũng bắt đầu thể hiện thái độ, hành động đồng lòng của người dân hướng về việc hình thành KKT Ninh Cơ. Ông Phạm Văn Minh ở xóm 1, Phú Lễ, Hải Châu (Hải Hậu) khẳng định: “Xuân sau nhiều tin vui, nhiều phát triển hơn xuân trước! Dải đất mấy trăm năm cha ông lấn biển hôm nay đứng trước cơ hội thay da đổi thịt! Dân trong xóm bảo nhau nếu chính quyền cần gì sẽ làm ngay, làm hết mình để sớm hình thành KKT, để nay mai vùng đất ven biển này ngày càng giàu đẹp, trù phú hơn!”. Đồng lòng với ông Minh, bà Lê Thị Hà ở Tân Hùng, Hải Hòa (Hải Hậu) cho biết, khi xã thông báo dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện triển khai thuộc KKT Ninh Cơ, các hộ đều đồng tình sẽ giúp chính quyền sớm di dời, giao đất để nhà đầu tư sớm có mặt bằng sạch triển khai dự án… Tất cả những người dân được hỏi đều chắc chắn một điều sẽ đồng hành với tỉnh, huyện, xã, với nhà đầu tư để KKT sớm thành hiện thực. Trong sắc Xuân Nhâm Thìn tươi vui, ánh mắt của những người dân vùng cửa sông Ninh đều ánh lên niềm tin vào một ngày mai đầy triển vọng của KKT Ninh Cơ…

Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com