Giải pháp nâng cao chất lượng KHCN cấp huyện

07:01, 16/01/2012

Năm 2011, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) cấp huyện đã triển khai hỗ trợ gần 20 đề tài, dự án và 55 sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào cuộc sống với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Nhiều đề tài, dự án KHCN do các huyện triển khai đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiêu biểu như các dự án: “Xây dựng quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen hại lúa” của Phòng NN và PTNT huyện Nam Trực; “Mô hình sản xuất nhân tạo giống và nuôi thương phẩm ngao” và “Ứng dụng tiến bộ KHKT xây dựng mô hình ương giống và nuôi thương phẩm cá song chấm nâu” tại huyện Giao Thuỷ… Các huyện, thành phố đã từng bước thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về KHCN trên địa bàn, đặc biệt trong các lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, quản lý tiêu chuẩn, đo lường chất lượng; tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… Các địa phương đã kiện toàn hội đồng khoa học cấp cơ sở, bố trí cán bộ trực tiếp tham mưu theo dõi hoạt động KHCN. Ở các địa phương có cán bộ KHCN chuyên trách, việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ được quan tâm đã giúp cán bộ hiểu và chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch và triển khai công tác quản lý cũng như các dự án, hoạt động KHCN ở địa phương. Huyện Giao Thuỷ là một trong những đơn vị làm tốt công tác quản lý KHCN cấp cơ sở. Hội đồng khoa học của huyện được thành lập do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, thành viên hội đồng là cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể trong huyện và giao trực tiếp cho một cán bộ Phòng Công thương huyện đảm nhận công việc. Kinh nghiệm của huyện Giao Thuỷ là phát huy khả năng của các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực để định hướng lựa chọn đề tài nghiên cứu và thực hiện dự án, đồng thời liên hệ chặt chẽ với Sở KH và CN trong việc quản lý tiến độ công việc và tháo gỡ khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện. Nhờ cách làm hiệu quả này, huyện Giao Thuỷ đã thực hiện được nhiều đề tài, dự án và đang triển khai những dự án lớn. Tiêu biểu là các dự án “Ứng dụng công nghệ chăn nuôi lợn siêu nạc theo phương thức công nghiệp, tạo giống lợn bố, mẹ phục vụ phát triển chăn nuôi tại Nam Định”; “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình sản xuất muối sạch tại xã Bạch Long”…

Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN).
Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN).

Tuy nhiên, hoạt động KHCN cấp huyện hiện vẫn còn bất cập, chưa phát huy được thế mạnh do nguồn nhân lực KHCN chưa được chú trọng. Hiện tại, theo cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý hoạt động KHCN ở địa phương, mỗi huyện, thành phố chỉ có 1 cán bộ chuyên trách về lĩnh vực KHCN thuộc Phòng Công thương hoặc Phòng Kinh tế.

Để nâng cao chất lượng hoạt động, quản lý KHCN cấp huyện, Sở KH và CN đã xây dựng cơ chế phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý các đề tài, dự án triển khai trên địa bàn; phân bổ kinh phí dành cho cấp huyện, gắn với việc tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các đề tài, dự án và có chính sách ưu đãi khuyến khích những cá nhân, tổ chức tích cực ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Gắn việc tổ chức tập huấn, cấp phát tài liệu chuyên ngành cho cán bộ phụ trách KHCN cấp huyện với việc trao đổi, thảo luận theo chuyên đề để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Tăng cường khai thác hiệu quả nguồn thông tin và nhân rộng mô hình thông tin KHCN phục vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tùy thuộc vào đặc điểm của từng địa bàn. Đẩy mạnh liên kết giữa các sở, ngành, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn và các địa phương trong việc nghiên cứu và triển khai các dự án KHCN. Bên cạnh các giải pháp của Sở KH và CN, các địa phương cần có sự phối hợp trong việc bố trí nhân lực, thực hiện các chính sách, phụ cấp thích hợp và tạo điều kiện cho cán bộ phụ trách KHCN nắm bắt thông tin, nâng cao khả năng chỉ đạo và định hướng KHCN trên địa bàn. Đặc biệt cán bộ trực tiếp phụ trách KHCN cấp huyện ngoài yêu cầu về trình độ học vấn, có khả năng tổng hợp thông tin và kinh nghiệm trong công tác quản lý còn phải dày công tìm hiểu lợi thế và nhu cầu của địa phương ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội để chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN.

Kết quả của hoạt động KHCN cấp huyện được đưa vào ứng dụng trong sản xuất và đời sống là cơ sở để đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và của tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com