Những năm qua, huyện Trực Ninh đã tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
|
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Trực Ninh làm xét nghiệm tìm hóa chất bảo vệ thực vật trong rau xanh. |
Hệ thống y tế của huyện Trực Ninh gồm: Phòng Y tế, Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế, Trung tâm Dân số - KHHGĐ và 21 trạm y tế xã, thị trấn. Để nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cùng với việc áp dụng khoa học công nghệ trong khám, chẩn đoán, điều trị người bệnh, Bệnh viện Đa khoa huyện tăng cường đầu tư trang bị một số trang thiết bị hiện đại như máy điện quang, máy siêu âm màu 4 chiều, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy xét nghiệm tế bào tự động 18 thông số, máy xét nghiệm nước tiểu tự động 10 thông số, máy nội soi tai mũi họng, máy đo khúc xạ mắt, máy điện tim… Hiện tại bệnh viện đã có 90% danh mục trang thiết bị theo quy định phân tuyến của Bộ Y tế. Ngoài ra đầu tư trang thiết bị tại Phòng khám Trực Thái - cơ sở 2 của bệnh viện cũng được trang bị 1 labo xét nghiệm đầy đủ như tại bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của các trạm y tế xã, thị trấn được từng bước đầu tư. Đến nay toàn huyện đã có 16/21 trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ; nhiều trạm y tế như Phương Định, Trung Đông, Trực Nội, Trực Phú, Trực Hùng, Thị trấn Cát Thành có 2 bác sĩ; 100% trạm y tế có y sĩ, nữ hộ sinh, dược sĩ trung cấp, 96% thôn, xóm có CTV y tế thôn, xóm. Đến nay toàn huyện đã có 12/21 xã, thị trấn đã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Hệ thống trạm y tế tuyến xã trong phong trào xây dựng Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế đã có những bước thay đổi đột phá. Với sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và từ nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều trạm y tế được đầu tư xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Ở Thị trấn Cát Thành, ngoài cơ sở vật chất khang trang gồm 18 phòng chức năng, trạm y tế đã đẩy mạnh xã hội hóa, huy động kinh phí đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân như máy siêu âm, máy chụp X.quang, máy nội soi, máy xét nghiệm máu, nước tiểu… Đến nay 100% số trạm y tế trong huyện đã đảm nhận việc khám chữa bệnh BHYT. Công tác y tế dự phòng và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt nhiều kết quả tích cực. Hằng năm UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động, huy động sức mạnh cộng đồng thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh và bảo vệ môi trường. Các đơn vị y tế, đặc biệt là hệ thống y tế dự phòng từ huyện đến cơ sở đã chủ động làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh như tăng cường giám sát vec tơ, giám sát bệnh nhân và huyết thanh, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch. Vì vậy, trong nhiều năm trên địa bàn huyện không có dịch bệnh xảy ra. Công tác vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện. Tại 391 thôn, xóm của 21 xã, thị trấn đều có tổ thu gom rác thải hằng ngày. 79% số hộ dân trên địa bàn huyện có nhà tiêu hợp vệ sinh, 98% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai đều đặn, đúng lịch; hằng năm huyện duy trì tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 98%...
Để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, thời gian tới huyện Trực Ninh tập trung duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các xã, thị trấn đã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế gắn với xây dựng NTM. Đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các trạm y tế; tiếp tục có chính sách tăng cường bác sĩ về công tác tại các xã. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi để nhân dân tự giác tích cực tham gia vào các phong trào vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện thân thể, phòng chống bệnh dịch, phòng chống các tệ nạn xã hội, hạn chế lối sống và thói quen có hại cho sức khoẻ, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh. Phát triển mạng lưới y tế dự phòng bảo đảm đủ điều kiện và năng lực kiểm soát, phát hiện, khống chế có hiệu quả các loại dịch bệnh trên địa bàn./.
Bài và ảnh:
Minh Thuận