Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

09:02, 19/02/2016
Qua 5 năm thực hiện “Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” giai đoạn 2011-2015, ngành Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, vận động, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh. 
 
Theo số liệu của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh giảm dần từ 121 bé trai/100 bé gái (năm 2010) xuống còn 115 bé trai/100 bé gái năm 2015. Để đạt được kết quả trên, từ năm 2011 đến nay, cả 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã triển khai thực hiện “Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Trong đó, tăng cường cung cấp thông tin, truyền thông giáo dục về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân; trước hết là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. Thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh. Từ năm 2011 đến nay, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị cung cấp thông tin cho lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh với hơn 300 đại biểu tham dự và 119 hội nghị cung cấp thông tin cho lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã với 8.375 lượt người tham gia. Tổ chức 20 lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh cho cộng tác viên dân số; cán bộ dân số và cán bộ tư pháp xã với 2.390 lượt người tham gia tập huấn. Tuyên truyền về giới và giới tính khi sinh trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã với 11.365 buổi phát tin và 6.029 tin, bài. Tổ chức cung cấp thông tin về giới tính khi sinh cho 9.643 cặp đăng ký kết hôn. Tổ chức 1.118 buổi tuyên truyền, phổ biến các văn bản nghiêm cấm chọn lựa giới tính khi sinh, thu hút 118.495 lượt người tham gia. Toàn tỉnh có 2.472 CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế gia đình duy trì sinh hoạt hằng tháng. Năm 2015, mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai thử nghiệm trên địa bàn 5 xã của huyện Ý Yên, gồm: Yên Khánh, Yên Phú, Yên Xá, Yên Phương, Yên Phong. Bên cạnh đó, hằng năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với Thanh tra Sở Y tế, Thanh tra Sở TT và TT tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai, các đơn vị sản xuất, kinh doanh sách, báo, văn hóa phẩm... thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai mô hình “Gia đình Công giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” trên địa bàn hai xã có đông đồng bào theo đạo Thiên Chúa là Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) và Trực Mỹ (Trực Ninh). Sau khi thực hiện mô hình, tỷ số giới tính khi sinh của xã Trực Mỹ giảm từ 126 bé trai/100 bé gái (năm 2012) xuống còn 116 bé trai/100 bé gái (năm 2014); xã Nghĩa Lạc giảm từ 117 bé trai/100 bé gái (năm 2012) xuống 106 bé trai/100 bé gái (năm 2014).
 
Cộng tác viên dân số xã Yên Khánh (Ý Yên) trao đổi kinh nghiệm công tác truyền thông.
Cộng tác viên dân số xã Yên Khánh (Ý Yên) trao đổi kinh nghiệm công tác truyền thông.
Bên cạnh kết quả đạt được, so với toàn quốc, tỷ số mất cân bằng giới tính ở tỉnh ta vẫn còn ở mức cao và diễn biến phức tạp. Một số huyện có tỷ số mất cân băng giới tính cao là: Giao Thủy (119 bé trai/100 bé gái); Mỹ Lộc (117 bé trai/100 bé gái); Nam Trực (116 bé trai/100 bé gái); Thành phố Nam Định (116 bé trai/100 bé gái); Trực Ninh (114 bé trai/100 bé gái) và Xuân Trường (113 bé trai/100 bé gái). Đồng chí Vũ Tài Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Điều 40, khoản 7, mục b của Luật Bình đẳng giới đã quy định: “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế”. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp tại các địa phương trong tỉnh. Tâm lý ưa thích con trai, đặc biệt là quan niệm “Trọng nam khinh nữ”, có con trai để “nối dõi tông đường”, “có người thờ cúng tổ tiên”... vẫn còn ngự trị trong tư tưởng một bộ phận người dân. Sự thúc ép của cha mẹ, sự khích bác của bạn bè đã khiến nhiều cặp vợ chồng tìm mọi cách để sinh con trai. Trong nghiên cứu “Thực trạng tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Nam Định năm 2011” cho thấy có 43,4% ý kiến cho rằng có áp lực phải sinh con trai và áp lực về sinh con gái chỉ là 14,9% trong lần sinh gần đây nhất. Quan niệm có con trai để nối dõi tông đường có nguy cơ chẩn đoán giới tính trước sinh cao gấp 1,76 lần so với những người không có quan niệm trên. Bên cạch đó, việc thực hiện bình đẳng trong cơ hội học tập, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội của phụ nữ vẫn còn những bất cập; hệ thống an sinh xã hội cho người già vẫn chưa phát triển, nhất là ở vùng nông thôn làm cho những cặp vợ chồng mong muốn có con trai để nương tựa khi về già cũng là nguyên nhân tác động làm mất cân bằng giới tính khi sinh... Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ đem tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, tác động xấu đến vấn đề an sinh xã hội trong tương lai. Dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể dẫn tới phá vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không có khả năng kết hôn. Ngoài ra, không cải thiện vị thế của người phụ nữ, thậm chí làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: Nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao. Tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ sẽ gia tăng. Một số gia đình không có con trai đã xảy ra nhiều mâu thuẫn dẫn đến bạo lực gia đình và phần lớn phụ nữ và trẻ em là nạn nhân. 
 
Để tiếp tục giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, ngày 6-1-2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 02 về thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏa sinh sản tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đến năm 2020, toàn tỉnh giảm tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn 110 bé trai/100 bé gái. Trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác Dân số - KHHGĐ; xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, gia đình chỉ sinh 1 hoặc 2 con gái; quan tâm an sinh xã hội cho người cao tuổi; tăng cường bình đẳng giới; nâng cao quyền phụ nữ, khả năng kiểm soát của nữ giới đối với việc sinh sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để những cơ sở vi phạm về việc thông tin giới tính và lựa chọn giới tính. Tuyên truyền, vận động người dân để thay đổi tư duy, nhận thức và hành động gây ra mất cân bằng giới tính khi sinh./.
 
Bài và ảnh: Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com