Từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân

09:02, 16/02/2016
Năm 2015, công tác khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở có nhiều khởi sắc. Thời gian người bệnh phải nằm nội trú giảm nên đã hạn chế  tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép; số lượt người khám và điều trị ngoại trú tăng lên. Tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế đã từng bước được cải thiện. Công tác khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đều đạt và vượt kế hoạch giao. Bình quân các tuyến y tế thực hiện khoảng 115% kế hoạch năm.
 
Tại các bệnh viện đã áp dụng Bộ Tiêu chí cải tiến chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành; quan tâm đến điều kiện cơ sở vật chất tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, bảo đảm quyền lợi của người bệnh theo đúng quy định, không phân biệt người có hay không có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh, có chủ trương xã hội hóa y tế để người bệnh được hưởng lợi từ chính sách này. Các bệnh viện đều đã triển khai khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh để đưa ra các giải pháp khắc phục. Cơ cấu nguồn nhân lực của các bệnh viện ổn định; cán bộ, nhân viên y tế được đào tạo và phát triển kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử, giao tiếp. Đa số các bệnh viện đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển bệnh viện; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện để quản lý các cơ sở dữ liệu, thông tin y tế và các hoạt động chuyên môn. Các bệnh viện tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ nên trong năm 2015, một số bệnh viện đã triển khai được các kỹ thuật cao như Bệnh viện Đa khoa tỉnh mổ nội soi, phẫu thuật thần kinh sử dụng kính vi phẫu, các phẫu thuật tuyến giáp… Bên cạnh đó, thông qua việc cải tiến quy trình khám bệnh theo Quyết định 1313/2013/QĐ-BYT của Bộ Y tế, đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện. Tại các bệnh viện tiêu biểu như: Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa các huyện: Hải Hậu, Ý Yên, Vụ Bản… đã có quy định rõ ràng cho từng đối tượng đến khám, nhân viên tiếp đón, phân luồng người bệnh đến từng bàn khám, đảm bảo sự công bằng trong khám bệnh, hướng dẫn người bệnh thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng thuận tiện, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Các đơn vị đều bố trí các phòng xét nghiệm liên hoàn, tách biệt với các khoa lâm sàng và thuận lợi cho người bệnh đến làm các dịch vụ xét nghiệm; có các trang thiết bị đầy đủ phục vụ cho công tác xét nghiệm theo danh mục đã được Sở Y tế phê duyệt… Các bệnh viện đã quan tâm đến hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho bệnh nhân, giải thích cho người bệnh yên tâm điều trị. 100% bệnh viện cũng thực hiện công khai thuốc và vật tư sử dụng hằng ngày để bệnh nhân biết. Hằng tuần các bệnh viện tổ chức sinh hoạt hội đồng người bệnh lấy ý kiến đóng góp và giải đáp kịp thời những thắc mắc, khắc phục những tồn tại trong quá trình phục vụ bệnh nhân.
Xét nghiệm sinh hóa và huyết học tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Xét nghiệm sinh hóa và huyết học tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến xã, năm qua, Sở Y tế chú trọng xây dựng xã đạt Bộ Tiêu chí y tế cơ sở. Các quy định về đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 gồm 10 chuẩn và 87 chỉ tiêu được ngành cụ thể hoá như: mọi nhà, mọi người dân được nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, được hưởng và tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế và các vấn đề khác như: vệ sinh phòng dịch, nước sạch, môi trường… Các trạm y tế đạt chuẩn đều có vườn thuốc nam mẫu, với hơn 40 loại cây thuốc theo quy định. Nhiều ca cấp cứu khó được xử trí ngay tại trạm. Để đảm bảo nhân lực và các chế độ chính sách đối với cán bộ y tế cơ sở, ngành Y tế bố trí, luân chuyển để đảm bảo các trạm y tế có đủ cơ cấu cán bộ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, đào tạo chuyên môn cho cán bộ y tế thôn, tổ dân phố theo tài liệu của Bộ Y tế ban hành và thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với cán bộ y tế cơ sở. Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, UBND các xã, thị trấn đã tập trung kinh phí xây dựng, cải tạo, bảo đảm trạm y tế đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật để triển khai các nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã có 88 xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 (đạt tỷ lệ 38,4%); 178 trạm y tế có bác sĩ, đạt tỷ lệ 77,72%. Hệ thống trạm y tế cấp xã đã thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục chăm sóc sức khỏe ban đầu, cấp cứu, khám, chữa bệnh thông thường, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế gần nhất, qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến xã. Nhiều loại bệnh trước đây tuyến xã thường phải chuyển đi tuyến trên, giờ đã được phát hiện, điều trị tại trạm y tế, giảm thời gian và kinh phí cho người bệnh. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh xuống cơ sở còn một số khó khăn: Nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ còn thiếu, nhất là tại tuyến huyện, tuyến xã; việc đào tạo còn hạn chế do thiếu cán bộ nên việc cử cán bộ đi học rất khó khăn. Trang thiết bị ở một số bệnh viện còn thiếu so với nhu cầu khám, chữa bệnh. Cơ sở hạ tầng một số bệnh viện như: Bệnh viện Mắt tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Nam Định… đang trong quá trình nâng cấp, sửa chữa, xây mới nên khó khăn cho công tác khám bệnh, chữa bệnh. Công tác dinh dưỡng tại các bệnh viện chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ người bệnh. Đa số các bệnh viện chưa có cán bộ được đào tạo về dinh dưỡng, chưa thành lập khoa, tổ dinh dưỡng nên việc cung cấp chế độ ăn cho người bệnh tại các khoa mới chỉ dừng ở công tác tư vấn. Công tác nghiên cứu khoa học phục vụ chuyên môn vẫn còn hạn chế, nhất là ở tuyến huyện. Các bệnh viện thực hiện công tác chỉ đạo tuyến thường xuyên như Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh, Bệnh viện Mắt tỉnh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, nhưng thực hiện Đề án 1816 còn hạn chế do các bệnh viện tuyến tỉnh thiếu nhân lực. Tại các trạm y tế, trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế chưa đồng đều nên việc khám bệnh, chữa bệnh còn hạn chế. Trạm y tế mới chủ yếu thực hiện việc khám bệnh, cấp thuốc và điều trị ngoại trú cho bệnh nhân BHYT là chính, do đó, tâm lý người dân vẫn muốn lên tuyến trên để được khám, chữa bệnh, chăm sóc tốt hơn. Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý y tế và thầy thuốc có cơ cấu hợp lý, đủ về số lượng và chất lượng; rà soát, bổ sung quy hoạch đầu tư hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; phát triển cân đối, hợp lý giữa các tuyến, giữa chuyên khoa và đa khoa, giữa y học hiện đại và y học cổ truyền; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về y tế; xây dựng một số cơ chế thực hiện các dịch vụ y tế theo yêu cầu bảo đảm công khai, minh bạch, thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về BHYT. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phiền hà, khắc phục những tồn tại để đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Tăng cường trách nhiệm quản lý trong công tác khám, chữa bệnh, đặc biệt là khám, chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, có chính sách hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, tăng cường nguồn lực cho các trạm y tế./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com