Nhằm tăng dần tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất công nghiệp, năm 2010, Sở KH và CN, Cty TNHH Thái Việt đã xây dựng và triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ chăn nuôi lợn siêu nạc theo phương thức công nghiệp tạo giống bố mẹ phục vụ phát triển chăn nuôi lợn”.
Chăm sóc lợn sữa tại Cty TNHH Thái Việt. |
Trên cơ sở công nghệ chăn nuôi công nghiệp khép kín của Thái Lan do Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội chuyển giao, đầu tư đồng bộ theo bốn yếu tố cần thiết cho phát triển chăn nuôi lợn gồm: con giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh, Cty TNHH Thái Việt đã xây dựng trang trại trên diện tích 15ha tại xã Giao Thịnh (Giao Thuỷ). Trang trại gồm 3 hạng mục chính là khu chuồng trại nuôi lợn nái, lợn đực, lợn giống và lợn thương phẩm rộng 8.000m2; trong đó có nhà làm mát, sưởi ấm lợn con và hệ thống máng ăn, máng uống tự động phục vụ cho sinh sản và phát triển của đàn lợn. Bên cạnh đó là các công trình phụ trợ như hệ thống đường giao thông nội trại, hệ thống xử lý nước thải, nhà cách ly, nhà thú y, cổng sát trùng và hệ thống vườn, ao sinh thái…, đảm bảo không gian thoáng mát, sạch sẽ, an toàn dịch bệnh cho vật nuôi với kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng. Toàn bộ hoạt động phục vụ sản xuất của nhân viên kỹ thuật, người điều hành, khách hàng được bố trí theo nguyên tắc một chiều để tránh những tác động có hại cho lợn. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Cty đã tuyển chọn nguồn giống để tạo đàn lợn bố mẹ từ những giống có năng suất, chất lượng cao, có tính di truyền tốt và khả năng thích nghi cao như Yorkshire, Landrace, Duroc. Đồng thời áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, lai tạo, phối giống, chế độ ăn uống và đảm bảo an toàn dịch bệnh được thực hiện theo công nghệ khép kín từ khâu chăm sóc, lấy tinh, phối giống và cai sữa cho đàn lợn giống… Anh Lại Văn Nhân, Giám đốc Cty TNHH Thái Việt cho biết: Cty đã tuyển chọn 29 nhân viên kỹ thuật có trình độ đảm nhận việc chăn nuôi đàn lợn theo phương pháp công nghiệp và phòng dịch theo 12 quy trình bắt buộc. Trong đó tập trung vào kỹ thuật nuôi lợn đực giống, lợn nái chờ phối giống, lợn chửa và nuôi con… Sau một năm áp dụng quy trình công nghệ mới, lợn giống sau lai tạo đã phát triển tốt với tốc độ tăng trọng trong giai đoạn nuôi thịt từ 20-90kg đạt từ 600-700 gam/ngày, tỷ lệ thịt nạc của lợn xuất chuồng đạt từ 57 đến 63%. Hiện tại, 900 con lợn nái sinh sản và 35 con lợn đực giống thế hệ ông bà, bố mẹ đã sinh sản trung bình hàng nghìn con lợn sữa mỗi tháng. Lợn giống sau khi nuôi từ 18-30 ngày tuổi đạt trọng lượng trung bình từ 6-10kg/con, được xuất bán cho các trang trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Tháng 1-2012, Cty tiếp tục xây dựng thêm chuồng trại để nuôi lợn thương phẩm với số lượng từ 3.000-5.000 con, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh việc đầu tư chọn lọc giống bố mẹ, tạo ra đàn giống lai chất lượng cao, Cty còn chú trọng hoàn thiện các quy trình kỹ thuật nuôi mới, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện chăn nuôi của nông dân trong tỉnh, đồng thời trực tiếp chuyển giao công nghệ chăn nuôi công nghiệp và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, thức ăn và thuốc thú y… cho các hộ dân, khắc phục tư duy tự cấp, tự túc, không chú trọng yếu tố dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh đã tồn tại từ lâu trong chăn nuôi truyền thống.
Dự án đã thành công trong việc chọn tạo đàn giống bố mẹ chất lượng cao, có ít nhất 2-3 máu ngoại trở lên, đã tạo ra đàn con lai thương phẩm có sức sống cao, tiêu tốn ít thức ăn trên 1kg tăng trọng, thay thế giống lợn cũ năng suất thấp, tỷ lệ mỡ cao ở địa phương, đồng thời chủ động nguồn giống phục vụ cho phát triển chăn nuôi của tỉnh, từng bước hình thành vùng con giống trọng điểm. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc ứng dụng nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp sẽ hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn; giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường thông qua việc xử lý chất thải và tận dụng phế thải chăn nuôi phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Hương Tú