“Định vị” tài nguyên nước Việt Nam

08:02, 06/02/2012

Trước nguy cơ nguồn nước dễ bị ô nhiễm, việc xác định được trữ lượng nước và hoạch định kế hoạch khai thác và sử dụng hợp lý góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững, làm cho hoạt động của con người thân thiện với môi trường là vấn đề vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nhân viên Nhà máy nước Nam Dương (Nam Trực) kiểm tra máy trước khi vận hành.  Ảnh: PV
Nhân viên Nhà máy nước Nam Dương (Nam Trực) kiểm tra máy trước khi vận hành. Ảnh: Internet

Thử “vẽ bản đồ” tài nguyên nước

Nguồn nước từ sông suối, nguồn nước ngầm của nước ta đã và đang được điều tra một cách chi tiết nhằm vẽ nên bức tranh tổng thể.

Theo các công bố gần đây nhất, dựa trên các tài liệu đo đạc và chỉnh biên của các trạm thủy văn, tổng lượng dòng chảy trung bình hằng năm của toàn bộ sông suối trên lãnh thổ Việt Nam đạt khoảng 835km3, gồm 522km3 từ ngoài chảy vào và 313km3 sinh ra trong nội địa. Khoảng 826km3 chảy trực tiếp ra biển và 9km3 chảy sang Trung Quốc. Dòng chảy mặt phân bố không đều trên lãnh thổ.
Bức tranh về tài nguyên nước có sự phân bố không đồng đều, cân đối giữa các vùng so với nhu cầu phát triển kinh tế.

Ở vùng núi phía Bắc, có khí hậu khô hanh và ẩm, tài nguyên nước phong phú song bị chia cắt do địa hình đồi núi nên nhu cầu nước cho phát triển công nghiệp còn hạn chế.

Vùng đồng bằng Bắc Bộ có diện tích 17,4 nghìn km2 với số dân đông nhất cả nước, diện tích trồng lúa chiếm tới 43% diện tích tương đương 751 nghìn ha, song nguồn nước địa phương không lớn. Để tiến hành canh tác trên diện tích 751.000ha, riêng mùa khô cần tới 9,6 tỷ m3 nước chủ yếu là nước ngầm trong sông. Song nước ngầm trong sông địa phương chỉ có 3 tỷ m3, còn lại 6,6 tỷ m3 phải lấy từ nước ngầm ngoại lai.

Riêng vùng kinh tế Nam Trung Bộ có thuận lợi về tài nguyên nước. Tuy nhiên, khó khăn lại ở vùng có nhiều đồng bằng nhỏ ngăn bởi các dãy núi đâm ngang. Với địa hình đặc thù ấy, nên khi thời tiết nắng nóng là xảy ra hạn hán, còn mùa mưa là lụt lội. Theo các chuyên gia, với đặc thù này, vùng nên xây dựng các hồ chứa nhỏ để điều tiết.

Nâng chất lượng nguồn nước

Đảm bảo đủ nước phải đi đôi với đảm bảo chất lượng nước là bài toán luôn đặt ra của ngành quản lý tài nguyên nước. Xét về tổng thể, chất lượng nguồn nước mặt còn tốt song nguy cơ ô nhiễm không ít.
Theo các chuyên gia về tài nguyên nước, lượng cát bùn vào mùa lũ chiếm tới 80-90% tổng lượng cát bùn năm. Nhiều vùng nước bị nhiễm mặn, đặc biệt vào mùa kiệt, và chua phèn, điển hình ở đồng bằng sông Cửu Long. Điều đáng ngại là, hiện nay, sự phát triển của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, chế biến đi kèm quá trình đô thị hóa đã hủy hoại môi trường, gây ô nhiễm một số đoạn sông và nguy cơ ô nhiễm cao một số sông ngòi đi qua các thành phố lớn và các khu công nghiệp.

Việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước đang là nhu cầu cần thiết. Chương trình này cần hướng vào việc hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước; xây dựng và triển khai quy hoạch phân bổ tài nguyên nước trên lưu vực các sông chính, hồ chứa thủy điện; Bảo vệ tài nguyên nước và bảo vệ, duy trì các loài thủy sinh đặc hữu; kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước trên phạm vi cả nước và các vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước và các hoạt động khai thác, sử dụng nước; Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tài nguyên nước quốc gia…

“Định vị” rõ về bức tranh tài nguyên nước, có được các nghiên cứu khoa học xác đáng, hoạch định bài bản các chính sách cần thiết mới có thể sử dụng hiệu quả, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên này./.

Theo: monre.gov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com