Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH-CN trong các trường đại học

08:01, 05/01/2012

Hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên các trường đại học. Những năm qua, các trường đại học trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; trong đó có nhiều đề tài và sản phẩm được ứng dụng vào đời sống.

Hướng dẫn thí nghiệm điện cho sinh viên tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.
Hướng dẫn thí nghiệm điện cho sinh viên tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định là đơn vị có nhiều đề tài trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Với 7 chuyên ngành đào tạo trình độ đại học và 7 chuyên ngành đào tạo trình độ cao đẳng nghề và đào tạo liên thông, hằng năm nhà trường thu hút hàng nghìn sinh viên, Ban giám hiệu nhà trường luôn coi trọng việc đầu tư phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ. Nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ khoa học phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhà trường chủ động phối hợp với Sở KH và CN để thực hiện tốt các quy định về nghiên cứu, quản lý hoạt động khoa học. Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển, nhà trường thường xuyên đầu tư máy móc, trang thiết bị và kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu; tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, thực hiện giám sát, thẩm định hiệu quả công trình nghiên cứu khoa học cũng như khả năng áp dụng vào thực tiễn của từng đề tài... Nhờ đó số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học không ngừng được nâng lên. Những năm gần đây, nhà trường đã thực hiện trên 80 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, 1 đề tài cấp tỉnh, 14 đề tài cấp bộ và biên soạn 160 giáo trình, tập bài giảng, tài liệu tham khảo phục vụ công tác giảng dạy và học tập trong nhà trường; đồng thời có nhiều đề tài, sáng kiến tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh… Năm 2010, nhà trường đã có 32 đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu, hầu hết đều có tính ứng dụng cao trong thực tiễn; trong đó có một số đề tài đang được triển khai rộng rãi, đem lại hiệu quả tích cực. Tiêu biểu như đề tài: “Nâng cao hiệu quả sử dụng và chất lượng phòng thực hành nghề trong các trường sư phạm kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuẩn một số nghề” do giảng viên Hà Xuân Hùng làm chủ nhiệm; đề tài “Ứng dụng phần mềm LAPVIEW thiết kế các bài giảng mô phỏng để hỗ trợ và nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy tại các cơ sở giáo dục kỹ thuật và dạy nghề”; “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp dạy thực hành theo năng lực thực hiện tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh” đều do Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hùng làm chủ nhiệm… Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của các giảng viên, nhà trường đã có nhiều biện pháp khích lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học để hình thành tư duy khoa học và phát huy tính sáng tạo của các em. Từ việc tham gia nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo, đến nay, nhiều sinh viên đã mạnh dạn đăng ký đề tài cho riêng mình. Năm 2010, đã có 5 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được nghiệm thu, năm 2011 có hơn 10 đề tài đã đăng ký thực hiện… Hoạt động nghiên cứu khoa học đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo của thầy và trò, phục vụ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường và khả năng ứng dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cũng đạt được những kết quả quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Năm 2010, nhà trường đã thực hiện xuất sắc đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường độc hại tới tỷ lệ dị dạng bẩm sinh của người dân ở một số làng nghề cơ khí tỉnh Nam Định”. Trên cơ sở sử dụng phương pháp nghiên cứu, thống kê, cỡ mẫu và địa bàn nghiên cứu phù hợp…, đề tài đã đánh giá được ảnh hưởng của môi trường tại một số làng nghề cơ khí tới tỷ lệ dị dạng bẩm sinh, đồng thời đề xuất giải pháp can thiệp giúp giảm thiểu các trường hợp sinh con dị dạng bẩm sinh trong các gia đình ở các làng nghề này. Với đề tài “Xây dựng mô hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi dựa vào cộng đồng tại một số xã ở huyện Vụ Bản”, Thạc sỹ Trần Văn Long và các cộng sự đã đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng chăm sóc và quản lý sức khỏe người cao tuổi. Những nghiên cứu mang tính ứng dụng và đề xuất phương án chuyển giao nhân rộng mô hình trên thực tế đã góp phần không nhỏ trong việc hoạch định chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được Ban giám hiệu nhà trường xác định là nhiệm vụ quan trọng và luôn gắn liền với thực tiễn. Không chỉ tận dụng tiềm lực KH-CN sẵn có, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp còn là cầu nối liên kết các trường đại học kỹ thuật trên toàn quốc, tập trung nghiên cứu tìm ra các giải pháp hữu ích cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều công trình nghiên cứu có hàm lượng chất xám cao, tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường như các đề tài: “Nghiên cứu xây dựng tuyến đê biển Nam Định”, “Nghiên cứu một số vấn đề về chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi Bắc Nam Hà” của Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội; “Giải pháp xử lý nước thải chi phí thấp cho làng nghề và cụm dân cư nông thôn”; “Xây dựng các công trình thủy vùng cửa sông ven biển Nam Định ứng phó với biến đổi khí hậu”…; và các đề tài về thiết kế, chế tạo dụng cụ cắt gọt kim loại… Đồng chí Phạm Minh Đạo, Trưởng phòng Quản lý Khoa học Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định cho biết: Nhà trường xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phải gắn với nhu cầu của thị trường. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của trường đã được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc kết hợp nghiên cứu khoa học và thực hiện nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng với các doanh nghiệp, địa phương được đẩy mạnh theo phương thức: doanh nghiệp, địa phương đưa ra nhu cầu, nhà trường xây dựng đề tài nghiên cứu và chuyển giao kết quả cho doanh nghiệp hoặc địa phương. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học kỹ thuật trong nước, liên kết với địa phương, doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao kết quả nghiên cứu được để áp dụng vào thực tiễn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com