Hải Hậu đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

09:02, 08/02/2012

Những năm qua, huyện Hải Hậu tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức tuyên truyền, tập huấn và tăng cường chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới; xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy hải sản.

Ứng dụng quy trình nuôi thuỷ sản trên nền bạt tại xã Hải Đông (Hải Hậu).
Ứng dụng quy trình nuôi thuỷ sản trên nền bạt tại xã Hải Đông (Hải Hậu).

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, việc xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất được tiến hành từ nguồn kinh phí của Nhà nước; vốn của doanh nghiệp và bằng sự đóng góp của nhân dân và ngân sách địa phương. Năm 2011, toàn huyện đã có 261 mô hình ứng dụng vào sản xuất, trong đó có 100 mô hình trồng trọt, 64 mô hình chăn nuôi, 41 mô hình nuôi thủy sản, 11 mô hình khuyến diêm… Tiêu biểu là các mô hình: nhân giống và sản xuất hạt cải dầu thương phẩm; trình diễn máy gặt đập liên hợp ở các xã Hải Thanh, Hải Quang; trình diễn các loại cây màu, phân bón, thuốc trừ sâu ở các xã Hải Tây, Hải Lộc, Hải Xuân, Hải Hòa…; khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống ở các xã Hải Châu, Hải Trung, Hải Phú, Hải Lộc, Hải An và nuôi con giống đặc sản. Mô hình nuôi cá diêu hồng ở xã Hải Châu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên diện tích đất trũng, ở xóm 10, xã đã vận động các hộ dân tham gia chuyển đổi sang nuôi cá diêu hồng theo quy trình bán công nghiệp. Đây là giống cá có khả năng chịu được thời tiết nóng, lạnh, ít bị bệnh, lớn nhanh hơn các loại cá truyền thống từ 2-3 lần, được thị trường ưa chuộng. Năm đầu thực hiện dự án, có 10 hộ tham gia chuyển đổi với diện tích 3ha. Do tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi như tát cạn ao để vệ sinh và phơi đáy ao trong vòng 6-7 ngày và dùng vôi để khử trùng, cải tạo đáy và bờ ao với liều lượng 10kg/100m2 ao… nên ngay năm đầu tiên đã cho hiệu quả cao gấp 2 lần so với cấy lúa. Sau vụ đầu thành công, nhiều hộ xã viên đã tích cực làm theo, đến nay, đã có 81 hộ nuôi cá với diện tích trên 30ha,  chiếm 98% diện tích đất cấy lúa năng suất thấp của xóm. Thu nhập từ nuôi thuỷ sản của xóm 10 chiếm trên 80% tổng thu nhập từ nghề nuôi thuỷ sản của xã.

Mô hình áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu ở xã Hải Tây đã đem lại hiệu quả cao, đặc biệt phù hợp với điều kiện canh tác hiện nay do thời gian chuyển vụ gấp. Lợi thế của phương pháp này là lúa phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, khỏe, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 5-6 ngày, năng suất cao. Đến nay, không chỉ xã Hải Tây mà nhiều xã trong huyện như Hải Phong, Hải Châu, Hải Nam, Hải Tân đã áp dụng phương pháp này. Để nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, huyện Hải Hậu đã liên kết với các Viện Khoa học, Trung tâm ứng dụng công nghệ của Bộ KH và CN, Bộ NN và PTNT và các doanh nghiệp, Cty sản xuất thức ăn, con giống, vật tư nông nghiệp... để tư vấn kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều mô hình phục hồi giống cây trồng đặc sản của địa phương được triển khai thực hiện như phục tráng gạo tám xoan Hải Hậu, cải dầu, cam đường, mía voi; đưa các giống cây trồng mới như thanh long, đinh lăng và cây nguyên liệu dược phẩm... vào trồng nhằm cải tạo vườn tạp, tận dụng diện tích đất bờ vùng bờ thửa và tạo cảnh quan sinh thái cho làng quê… Vụ lúa xuân 2012, với sự chuyển giao kỹ thuật của Viện Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN và PTNT), huyện đã thử nghiệm công nghệ gắn laze vào máy cày bừa để san phẳng mặt ruộng trên diện tích lớn. Đây là công nghệ mới với nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí, ngày công lao động trong khâu làm đất, bơm tưới nước, kiểm soát cỏ dại, thuận tiện cho sử dụng máy cấy, dụng cụ sạ hàng, tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, với lợi thế mặt ruộng phẳng dễ hứng và thấm nước ở mức tốt nhất, khắc phục được tình trạng lãng phí và không kiểm soát được nguồn nước của phương pháp cấy truyền thống.

Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Hải Hậu luôn ổn định, khắc phục kịp thời, có hiệu quả tác động xấu của thời tiết, dịch bệnh. Năm 2011, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha canh tác của huyện Hải Hậu đạt 85,5 triệu đồng; sản lượng thủy sản đạt 22.926 tấn, tổng giá trị đạt 216,4 tỷ đồng, tăng 3,6% so kế hoạch và tăng 6,8% so với năm 2010./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com