Nhiều giải pháp kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất và đời sống

10:12, 05/12/2011

Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ III có hơn 60 giải pháp dự thi thuộc 6 lĩnh vực: Cơ khí tự động hóa; nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên môi trường, y dược, giáo dục đào tạo, công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác. Các đề tài, giải pháp đoạt giải đều đáp ứng 3 tiêu chí: tính mới, tính sáng tạo; có khả năng áp dụng rộng rãi; có hiệu quả về kinh tế - xã hội. Ban tổ chức Hội thi dự kiến trao giải cho 22 đề tài, giải pháp ở cả 6 lĩnh vực dự thi đã được triển khai ứng dụng vào sản xuất và thương mại mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong lĩnh vực cơ khí tự động hóa có nhiều giải pháp được ban tổ chức đánh giá cao như: Giải pháp “Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy phay mộng gỗ 5 dao phay” của tác giả  Đinh Xuân Mộc, Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường); giải pháp “Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống điều khiển và giám sát các chuyển động của máy khoan mạch in” của tác giả  Trần Văn Biên, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; “Mô hình máy cẩu thủy lực điều khiển bằng điện” của tác giả Nguyễn Thị Sâm, Trường trung cấp cơ điện Nam Định… Trong đó, giải pháp “Nghiên cứu thiết kế mô hình máy phay CNC ảo dùng cho đào tạo nghề cắt gọt kim loại và chuyên ngành công nghệ chế tạo máy” của giảng viên Trần Xuân Thảnh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đạt ưu điểm về tính sáng tạo và khả năng ứng dụng cao, thích nghi rộng, giúp học viên có thể nghiên cứu thực nghiệm trên các mô hình ảo khi không có điều kiện thực hành tại mô hình thật. Trên thực tế, để trang bị một máy công cụ CNC phục vụ công tác đào tạo, phải đầu tư từ vài trăm triệu đến trên một tỷ đồng, chưa kể chi phí cho việc nhân rộng vị trí lập trình và tìm kiếm các tính năng tối ưu hóa chương trình. Mô hình máy phay CNC ảo dùng cho đào tạo nghề cắt gọt kim loại và chuyên ngành công nghệ chế tạo máy đã mô phỏng quá trình gia công giúp học viên dễ hình dung các quá trình xảy ra trong thực tế, hiểu rõ về cấu trúc, nguyên lý hoạt động của máy và làm quen với các thao tác máy trước khi vận hành trên máy thật hoặc có thể thay thế cho việc thực hành trên máy thật, tiết kiệm năng lượng, thời gian khai thác máy. Ngoài ra, mô hình máy phay CNC ảo còn ứng dụng trong sản xuất, đặc biệt đối với các dây chuyền sản xuất tự động, việc điều khiển quá trình gia công tại từng trạm gia công cũng như của cả dây chuyền được thực hiện tự động, nên việc mô phỏng và kiểm tra sai sót trước khi đưa dây chuyền vào hoạt động giúp tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra, tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu và tăng hiệu quả sử dụng máy. Sản phẩm của đề tài còn có thể sử dụng thay thế phần mềm lập trình phay CNC - Armoni và có thể cài đặt với số trạm lập trình không giới hạn, đáp ứng yêu cầu thực hành của hàng trăm sinh viên mỗi giờ học. Kết quả nghiên cứu có thể áp dụng cho các cơ sở đào tạo nghề cắt gọt kim loại hoặc chuyên ngành công nghệ chế tạo máy trên địa bàn tỉnh cũng như trong toàn quốc.

Thầy giáo Trần Xuân Thảnh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định hướng dẫn sinh viên thực hành mô hình máy phay CNC dùng trong đào tạo nghề cắt gọt kim loại và chế tạo máy.
Thầy giáo Trần Xuân Thảnh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định hướng dẫn sinh viên thực hành mô hình máy phay CNC dùng trong đào tạo nghề cắt gọt kim loại và chế tạo máy.

Giải pháp “Cải tiến quy trình nuôi tôm sú thâm canh bền vững bằng phương pháp nuôi chuyển giai đoạn” thuộc lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp của TS. Đỗ Văn Tiến, giám đốc Trung tâm Giống hải sản Nam Định đạt các tiêu chí như: Hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm môi trường nuôi bền vững, không gây ô nhiễm đáy ao, rút ngắn thời gian nuôi, tăng hiệu quả sử dụng mặt nước trong NTTS và hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình thâm canh. Giải pháp chuyển giai đoạn được thực hiện thả giống cả 3 ao và đảm bảo chế độ quản lý, chăm sóc, sử dụng chế phẩm trong thời gian đầu với tỷ lệ như nhau. Sau 45 ngày tiến hành thu ao số 2, số 3; tôm đạt trọng lượng 2,5 g/con (400 con/kg) để tranh thủ giá tôm vụ sớm với giá cao. Sau đó, tiến hành cải tạo ao số 2, số 3 và chọn thời điểm tôm ao 1 chuẩn bị lột xác để tiến hành chuyển sang các ao 2, 3 (nuôi giai đoạn 2, tôm nuôi giai đoạn 1 khoảng 50-55 ngày). Tỷ lệ tôm sống đạt 80%, trọng lượng trung bình của tôm to hơn, đạt 25 g/con, năng suất đạt 6,2 tấn/ha, cao hơn so với quy trình nuôi khép kín 1,2 tấn/ha. Ngoài ra, còn hạn chế rủi ro, rút ngắn thời gian nuôi, giảm thời gian lao động, có thời gian nuôi các đối tượng khác vào vụ đông. Giải pháp này đã được Trung tâm Giống hải sản áp dụng vào thực tế nghiên cứu và sản xuất ở đơn vị và được nhiều hộ nuôi tôm của xã Bạch Long (Giao Thủy) áp dụng thành công. Hội thi còn có các giải pháp như: “Xây dựng và tổ chức thực thi Đề án cộng đồng quản lý rừng ngập mặn khu vực xã Giao An thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thuỷ” của tác giả Nguyễn Viết Cách (Vườn quốc gia Xuân Thuỷ); giải pháp “Nuôi cá trắm đen đạt năng suất 10 tấn/ha sử dụng nguồn dắt biển làm thức ăn” của tác giả Vũ Thị Bích Ân (Trung tâm Giống thủy đặc sản Nam Định); giải pháp “Chế tạo dụng cụ uống nước di động để cho lợn con theo mẹ và lợn cai sữa uống thuốc và các chất bổ sung qua đường nước nhằm làm giảm công lao động, hạn chế stress cho lợn con, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế” của tác giả Nguyễn Trọng Tấn (Trung tâm Giống gia súc gia cầm tỉnh Nam Định)…

Trong lĩnh vực y dược học, có 4 giải pháp ứng dụng trong thực tế điều trị bệnh và quản lý hành chính. Trong đó, giải pháp dùng phương pháp chọc hút nang thận dưới hướng dẫn của siêu âm của tác giả Ngô Tâm Oanh và Phạm Thị Thoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh áp dụng vào thực tế thay cho cách điều trị phẫu thuật cắt bán phần thận có nang. Dựa trên tính ưu việt của kỹ thuật siêu âm, nhóm bác sỹ khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã áp dụng kỹ thuật chọc hút nang thận qua da phối hợp với bơm cồn tuyệt đối làm xơ hóa vỏ nang theo hướng dẫn của siêu âm, đem lại hiệu quả cao với tỷ lệ thành công 100%, bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường và xuất viện sau 3 ngày. Đến nay, giải pháp này được áp dụng với hầu hết những bệnh nhân được chỉ định chọc hút nang thận tại bệnh viện. Giải pháp không chỉ giảm đau đớn cho bệnh nhân, hạn chế thấp nhất biến chứng, rút ngắn thời gian nằm viện, tiết kiệm chi phí cho gia đình bệnh nhân và xã hội mà còn mở ra hướng điều trị mới, hiệu quả cho tất cả bệnh viện tuyến huyện có thực hiện kỹ thuật siêu âm, giảm áp lực quá tải cho bệnh viện tuyến trên. 

Với các giải pháp sáng tạo đã làm nên thành công của Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ III, đồng thời, tạo ra phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, ứng dụng cải tiến kỹ thuật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Hương Tú



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com