Định hướng mới trong phát triển CNTT khối cơ quan quản lý Nhà nước

07:12, 15/12/2011

Những năm gần đây, các cấp, các ngành trong tỉnh đã từng bước thực hiện nhiều biện pháp phát triển công nghệ thông tin (CNTT). Đến nay, tỷ lệ máy tính trong các cơ quan Đảng cấp tỉnh đạt 90% tổng số cán bộ, công chức, cấp huyện đạt 50%; trong khối cơ quan hành chính cấp tỉnh đạt 90%, cấp huyện đạt 69%, cấp xã đạt 25%. Năm 2011, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác hệ thống truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến huyện với 12 điểm cầu. Về nguồn nhân lực, tỉnh đã tăng cường tuyển dụng những người có trình độ chuyên ngành, chất lượng cao. Trong đó, chất lượng nhân lực các cơ quan Đảng và Nhà nước tương đối đồng đều ở các cấp, các ngành. 96% CBCC cấp tỉnh, 83% cấp huyện, 35% cấp xã biết sử dụng máy tính và khai thác mạng Internet phục vụ cho công việc. Cán bộ chuyên trách có trình độ đại học, cao đẳng về CNTT, điện tử viễn thông các cơ quan Đảng, huyện uỷ, UBND cấp huyện đạt 100%; các sở, ngành thuộc tỉnh đạt 82%, cơ quan hành chính cấp tỉnh 84%, cấp huyện 61%. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới. Toàn tỉnh hiện có 70 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ CNTT, trong đó 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phần mềm hạ tầng kỹ thuật CNTT. Về ứng dụng CNTT không chỉ tăng về số lượng mà đã được đẩy mạnh trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác chuyên môn. Đặc biệt, số lượng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu chuyên ngành quan trọng trên mạng đã nhanh chóng phát triển và đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả. Tiêu biểu như: Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh (http://www.namdinh.gov.vn/) và 17 trang thông tin điện tử của các sở, huyện đã hoạt động ổn định trên mạng Internet. Trang thông tin điện tử của Tỉnh ủy được triển khai từ năm 2004 và đang tiếp tục nâng cao chất lượng, thường xuyên cập nhật thông tin, cung cấp kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành, các quy phạm pháp luật, thông tin quảng bá về hoạt động văn hóa, sản xuất kinh doanh trong tỉnh. Hệ thống truyền hình trực tuyến hoạt động ổn định, phục vụ tốt công tác chỉ đạo của tỉnh với cơ sở và là một trong những ứng dụng điển hình phục vụ cải cách hành chính. Hệ thống thư điện tử của tỉnh được nâng cấp và triển khai tới 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn và 100% CBCC cấp tỉnh, 44% CBCC cấp huyện sử dụng thư điện tử phục vụ công việc. Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp của các cơ quan Đảng, phần mềm quản lý văn bản hồ sơ công việc của các cơ quan chính quyền đã được triển khai ở 100% cơ quan Đảng; 47% các sở, ngành và 20% huyện, thành phố. Các ngành ứng dụng CNTT trong chuyên môn với nhiều chương trình như: quản lý cán bộ, quản lý tài chính, quản lý dự án đầu tư, quản lý cấp giấy phép lái xe… Các cấp, các ngành đã ứng dụng CNTT vào 1.324 thủ tục hành chính phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, trong đó 1.311 thủ tục mức độ 2 và 13 thủ tục mức độ 3. Các cơ quan Đảng, Nhà nước còn xây dựng nhiều cơ sở dữ liệu quan trọng như: Cơ sở dữ liệu đảng viên, cơ sở dữ liệu văn kiện Đảng, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu đất đai, bản đồ… Năm 2011, đánh giá chung chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT tỉnh ta được Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, Hội Tin học Việt Nam xếp hạng 24/63 tỉnh, thành, trong đó hạ tầng kỹ thuật CNTT tỉnh xếp hạng 14/63; hạ tầng nhân lực được xếp hạng 13/63, chỉ số về hoạt động sản xuất, kinh doanh được xếp hạng thứ 33/63; chỉ số về ứng dụng CNTT được xếp hạng 13/63.

Ứng dụng CNTT tại Báo Nam Định, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền.
Ứng dụng CNTT tại Báo Nam Định, góp phần nâng cao chất lượng
công tác tuyên truyền.

Tỉnh ta phấn đấu đến năm 2015, trở thành một trong những tỉnh mạnh trên cả nước trong phát triển và ứng dụng CNTT, 100% cơ quan Đảng, các sở, ngành thuộc tỉnh, huyện ủy, UBND cấp huyện, xã có mạng cục bộ kết nối vào mạng diện rộng của tỉnh, bảo đảm yêu cầu về công nghệ và ứng dụng. 100% CBCC cấp tỉnh, 80% CBCC cấp huyện và 50% CBCC cấp xã được trang bị máy tính cá nhân. Có 1 trung tâm tích hợp dữ liệu chung của tỉnh đạt chuẩn trung tâm dữ liệu cấp quốc gia. Về phát triển nguồn nhân lực, phấn đấu đến năm 2015, 100% CBCC cấp tỉnh, huyện, 80% CBCC cấp xã biết sử dụng máy tính, khai thác Internet phục vụ cho công việc. 100% các cơ quan Đảng, các sở, ngành thuộc tỉnh, huyện ủy, UBND cấp huyện có cán bộ chuyên trách về CNTT và có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Về ứng dụng CNTT, 100% CBCC cấp tỉnh, huyện và 50% cấp xã thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc. 100% các sở, ngành thuộc tỉnh, UBND cấp huyện có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 với 10 nhóm dịch vụ công cơ bản như: Đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy phép đầu tư, cấp, đổi giấy phép lái xe… Về phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực CNTT, 100% doanh nghiệp lớn, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thương mại điện tử. Phấn đấu đưa tòa tháp thông tin 9 tầng tại CCN An Xá (TP Nam Định) trở thành khu CNTT tập trung của tỉnh, bước đầu gia nhập thị trường sản xuất, gia công phần mềm trong nước và thế giới. Để đạt được mục tiêu này, từ nay đến năm 2015 tỉnh sẽ đầu tư trên 100 tỷ đồng, tập trung nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT cho các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp. Trong đó, mỗi hệ thống mạng nội bộ khối các cơ quan cấp huyện, thành phố đạt 1 đến 2 máy chủ và một số trạm thay thế; bổ sung các thiết bị hoàn chỉnh hệ thống như thiết bị tường lửa chuyên dụng, thiết bị mạng không dây kết nối nội bộ… Đầu tư nâng cấp Trung tâm Dữ liệu thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, Trung tâm tích hợp số liệu tỉnh, xây mới hệ thống dự phòng thuộc các cơ quan nhà nước. Tại hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến nội tỉnh xây dựng mới 2 phòng họp chuyên dụng cấp tỉnh và 20 điểm cầu cấp xã. Về hạ tầng nhân lực, bố trí thêm cán bộ có trình độ chuyên môn về CNTT, cấp tỉnh mỗi đơn vị 1 kỹ sư CNTT, cấp huyện 1 kỹ sư CNTT cho Văn phòng UBND huyện và 1 kỹ sư CNTT cho Phòng Văn hóa và Thông tin; tổ chức đào tạo 100 cán bộ lãnh đạo theo chương trình CIO, 200 lượt cán bộ chuyên trách về CNTT theo chương trình chuyên sâu… Về ứng dụng CNTT, nâng cấp, bổ sung các phần  mềm hệ thống cổng thông tin điện tử tỉnh, phần mềm thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp. Trong phát triển sản xuất, kinh doanh CNTT, quan tâm, tạo điều kiện về đào tạo nhân lực, thông tin khoa học kỹ thuật cho các doanh nghiệp…

Bài và ảnh: Thúy Vy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com