Thôn Rạch (Bàn Thạch), xã Hồng Quang (Nam Trực) là vùng đất cổ. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, đến nay, người dân trong thôn vẫn gìn giữ được các giá trị bản sắc văn hóa làng quê truyền thống với cảnh quan đẹp gần gũi, những công trình kiến trúc dân gian độc đáo, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc…
Tích trò “Đi cấy” do các nghệ nhân Đoàn múa rối nước Thành Nam biểu diễn, phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất của người dân nông thôn luôn hấp dẫn trẻ em. |
Từ xưa đến nay, người dân thôn Rạch luôn chú trọng giữ gìn thuần phong mỹ tục thông qua việc thực hiện hương ước cộng đồng; bảo vệ những giá trị luân thường đạo lý, đề cao phẩm hạnh con người theo quan niệm đạo đức truyền thống trong gia đình, dòng họ và xã hội. Trong phong tục tập quán cộng đồng, người dân thôn Rạch còn lưu giữ được nhiều nét đẹp như: Gia đình nào có việc hiếu, việc hỷ, người dân sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau cả về vật chất lẫn tinh thần, thực hiện quy ước nếp sống văn hoá, văn minh trên nền tàng kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hoá truyền thống. Trong lối sống, nếp nghĩ, người dân luôn tôn trọng, đề cao mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, sống hòa đồng, chăm lo vun vén cho các thế hệ con cháu, coi trọng người có đạo đức, nhân cách, tri thức. Thôn Rạch có hệ thống di sản văn hóa phong phú với cụm di tích đình, chùa, miếu đã được UBND tỉnh xếp hạng; trong đó, chùa thờ Phật; đình, miếu thờ các vị: Đương cảnh Thành hoàng Linh ứng Đại vương, Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng và Cao Sơn Đại Vương. Theo hồ sơ, lý lịch di tích thì Đương cảnh Thành hoàng Linh ứng Đại vương, tức Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi là dũng tướng dưới triều Mạc, còn Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng là danh tướng của vương triều Lý, Cao Sơn Đại vương là vị tướng thời Vua Hùng thứ 18. Ngoài ra, di tích còn thờ Đương cảnh Thành hoàng Lê Kiên chi thần và các vị Tây phương Sơn Kế chi thần, Đương cảnh Thành hoàng Đạo Nguyên chi thần. Tất cả những nhân vật thờ tự tại di tích đều là những công thần, trung quân, ái quốc, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm qua các thời kỳ lịch sử. Đình, chùa, miếu thôn Rạch được xây dựng với quy mô bề thế, bảo lưu được phong cách kiến trúc, chạm khắc cổ truyền thống. Tại di tích hiện còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị như: hệ thống sắc phong, ngai, bài vị, kiệu long đình, khánh đá và nhiều di vật khác có giá trị từ các thời vua: Tự Đức, Duy Tân, Khải Định. Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hoá, nơi đây còn bảo tồn được nhiều sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống. Hàng năm, tại các di tích diễn ra nhiều lễ hội gắn với ngày giỗ (kỵ) tưởng nhớ, tri ân các vị thần được thờ tự tại di tích và các sự kiện quan trọng của làng, xã. Tiêu biểu là lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm - ngày kỵ Đương cảnh Thành hoàng Linh ứng Đại vương. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài các nghi thức dâng hương, tế lễ, rước kiệu còn có nhiều sinh hoạt văn hoá, trò chơi dân gian như: chọi gà, đánh đu, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao... Đặc sắc nhất của lễ hội thôn Rạch là biểu diễn múa rối nước tại thủy đình. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ra đời từ thế kỷ XVIII để phục vụ đời sống văn hoá, sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương. Thôn Rạch là một trong 3 nơi có phường rối nước ra đời sớm nhất miền Bắc, vào khoảng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755). Trải qua bao thăng trầm, múa rối nước thôn Rạch được hai dòng họ Phan, Đặng truyền giữ và phát triển, trở thành “đặc sản” nghệ thuật của quê hương, được nhiều người ưa thích bởi tính đại chúng nhưng mang bản sắc riêng, thể hiện khả năng tìm tòi, sáng tạo của người dân. Hiện nay, phường rối làng Rạch có gần 1.000 con rối với hơn 40 tích trò khác nhau gồm các tích trò từ xa xưa truyền lại và do các nghệ nhân trong thôn nghiên cứu, dàn dựng để phù hợp thị hiếu khán giả, tăng thêm phần đặc sắc, hấp dẫn người xem, như các tích: “Khởi nghĩa Hai Bà Trưng”, “Trần Hưng Đạo 3 lần đánh tan quân Nguyên”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Đánh đồn bốt” (thời kỳ kháng chiến chống Pháp), “Bắn máy bay”, “Bắt giặc lái” (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ)... Mỗi tích trò đều được các nghệ nhân “thổi hồn sống động”; từ tái hiện các sự kiện; dấu mốc lịch sử và những chiến thắng oai hùng của dân tộc đến phản ánh sinh hoạt thường ngày của người nông dân như: gieo cấy, tát nước, bắt cá, dệt vải, xay thóc, giã gạo, câu ếch với nhân vật sân khấu dân gian đặc trưng là chú Tễu… hoặc các hoạt động văn hóa như: múa công, múa rồng, múa sư tử, chơi đu, đấu vật, đua thuyền, chọi trâu, tế thần… Trước kia, phường rối thôn Rạch thường diễn các tích trò ở ao làng để phục vụ các lễ hội lớn của làng. Buồng trò (sân khấu) được dựng bằng tre, nứa; mành che bằng vải xanh thêu 4 chữ “Quốc Trung Hữu Thánh” (trung với nước, cung phụng thánh). Năm 1987, thôn xây dựng được thủy đình múa rối nước rộng 2.080m2 khu vực gần ao Đình để thuận tiện cho việc biểu diễn. Bên cạnh thủy đình là nhà trưng bày, bảo quản các con rối để giới thiệu, phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách tham quan. Ngoài xây dựng thủy đình cố định, các nghệ nhân thôn Rạch còn thiết kế thủy đình di động để thuận tiện cho việc biểu diễn ở các địa phương. Phường rối nước thôn Rạch từng đón đoàn nghệ nhân Nhà hát Múa rối nước Việt Nam về tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tổ chức hoạt động, biểu diễn.
Đồng chí Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho biết: Thôn Rạch cũng nổi tiếng với nghề sơn mài và tạc tượng cho đình, đền, chùa. Đây cũng là một trong những lý do khiến múa rối nước thôn Rạch duy trì, phát triển bởi các nghệ nhân có thể tự làm ra những con rối bằng đôi bàn tay tài hoa của mình. Hiện thôn Rạch còn có một xưởng chế tác rối nước để phục vụ cho việc biểu diễn múa rối của thôn, cung cấp con rối cho Nhà hát Múa rối nước Việt Nam và một số phường rối nước khu vực phía Bắc như: Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng. Phường rối nước thôn Rạch thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách tại Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các dịp lễ hội, phục vụ học sinh các trường học trong và ngoài tỉnh theo chương trình “Đưa nghệ thuật múa rối nước vào học đường”. Nghệ nhân Phan Văn Mẽ, trưởng đoàn rối nước dân gian Thành Nam cho biết: Đa số các nghệ nhân và diễn viên trong đoàn làm nghề nông nhưng mỗi khi có dịp biểu diễn thì họ sẵn sàng bỏ tất cả để nhảy xuống nước “giật dây làm trò”. Múa rối nước ở thôn Rạch đã gắn liền với cuộc sống thường ngày của người dân. Các nghệ nhân múa rối với đam mê, tâm huyết vẫn luôn gìn giữ, kế thừa, trao truyền nghệ thuật múa rối nước cho các thế hệ sau. Điều đó lý giải có những tích trò, những ca từ hát rối đã từ vài trăm năm nhưng đến nay vẫn được các nghệ nhân lưu giữ nguyên vẹn. Vào những lúc nông nhàn, những thành viên của đoàn thường trao đổi kinh nghiệm, lên ý tưởng sáng tác những trò diễn mới phản ánh cuộc sống nông thôn thời kỳ đổi mới, xây dựng đời sống văn hóa... Thế mạnh của đoàn là các nghệ nhân vừa tự viết kịch bản, dàn dựng chương trình, tổ chức biểu diễn, vừa tạo hình con rối. Nét độc đáo của con rối thôn Rạch là được làm từ gỗ sung, quét sơn ta. Để làm được một con rối hoàn chỉnh, người chế tác phải thực hiện 8 công đoạn: tạo hình, sấy, hom, mài, sơn lót, sơn cầm, thếp bạc, phủ màu. Mỗi bước sơn cách nhau từ 3-5 ngày. Cuối cùng là gọt rũa, đánh bóng và trang trí màu sắc. Tùy từng tính cách nhân vật, mỗi con rối được tạc, quét sơn với những đường nét cách điệu riêng. Trước đây với sân khấu lớn, người nghệ sĩ phải ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ để điều khiển con rối, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Giờ đây, với sự cách điệu về sân khấu và thiết kế con rối, người nghệ sĩ có thể ngồi trên sàn và điều khiển nhiều con rối cùng lúc.
Trải qua thời gian với những thăng trầm lịch sử, thôn Rạch hôm nay đang dần đổi thay, phát triển không ngừng nhưng vẫn không mất đi bản sắc làng quê thuần nhất. Những giá trị văn hóa truyền thống vẫn được các thế hệ người dân lưu giữ, bảo tồn vẹn nguyên giá trị. Nghệ thuật múa rối nước thôn Rạch đã trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có giai đoạn tưởng chừng như mai một, song với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và lòng nhiệt tình, yêu nghề của các nghệ nhân, nghệ thuật rối nước gắn với lễ hội truyền thống thôn Rạch vẫn ngày càng phát huy giá trị trong cuộc sống hôm nay./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng