Đôi điều cảm nhận về tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam

05:07, 29/07/2022

Tôi rất may mắn được nhà văn Lê Hoài Nam tặng Tuyển tập Truyện ngắn vừa xuất bản của anh. Đọc những trang đầu tiên tôi đã bị cuốn hút bởi những câu truyện rất hay và cảm động. Câu từ và cảm xúc cứ dâng đầy như dòng sông không bao giờ cạn.

Lê Hoài Nam từng là một chiến sĩ Hải quân, yêu biển, gắn bó với biển nên anh viết về biển và những người lính Hải quân rất tinh tế, sâu sắc và nhân văn. Đọc truyện của anh tôi mới biết “biển cựa mình” nó khủng khiếp như thế nào. Hoa phượng ở thành phố Hải phòng thì nhiều người biết, nhưng “hoa phượng cháy trong mưa” như anh viết thì đó là một hình tượng văn học đầy sức gợi. Nhưng đẹp nhất vẫn là hình tượng người lính mang quân phục màu xanh nước biển có dải yếm. Họ hiện lên trong trang sách thật mạnh mẽ, dũng cảm, rất nhân văn và giàu lòng trắc ẩn. Hình ảnh người thuyền trưởng Dương Thủy Triều gan dạ trong chiến đấu, lãng mạn trong mối tình đơn phương để lại niềm xúc động cho bạn đọc. Đó là câu chuyện chiến sĩ Đạm với những cung bậc cảm xúc trái ngược mà đầy nhân văn với những người “bạn” đặc biệt - lũ chim trên đảo gieo vào lòng bạn đọc nhiều xúc cảm. Ở truyện ngắn “Những phút đầu của mùa xuân” thì tác giả cũng gửi gắm một thông điệp rất nhân văn qua nhân vật đảo trưởng Hợp với cách ứng xử nghiêm khắc với mình nhưng rộng lượng với những lỗi lầm của cô bé Thấm; chính vì lòng vị tha ấy mà sau này Thấm đã trở thành một kỹ sư nông nghiệp giỏi giang, thực hiện những giấc mơ cải tạo cánh đồng mà thời học sinh Hợp từng mơ ước. Ở truyện “Người lính chưa quen biển” thì nhân vật anh lính trí thức Thẩm qua cuộc tình với “Bồ Câu Xanh”, một nữ chiến sĩ quân bưu của đơn vị ta thấy giá trị nhân văn càng lan tỏa. Truyện “Triết luận hoa trà”, tác giả viết về một truyện có thật, xảy ra vào những tháng ngày Lê Hoài Nam giữ cương vị đại đội trưởng huấn luyện hạt nhân văn nghệ của Quân chủng Hải quân.

Sau những truyện ngắn về đề tài biển và người lính Hải quân thật khó quên là những truyện ngắn Lê Hoài Nam viết về chiến trường Quảng Trị những năm tháng khói lửa. Đó là các truyện “Thung lũng sỏi”, “Chuyện rồi sẽ kể”, “Tình yêu vỗ cánh”, “Cuộc gặp muộn mằn”, “Sói con”, “Bên hàng rào kẽm gai”... Trong mỗi trang viết của các tác phẩm này đều chứa đựng rất nhiều khốc liệt, hy sinh mất mát và máu xương của đồng đội. Để vượt lên tất cả chính là tình yêu lớn lao, sâu thẳm, nhân văn của những con người. Đó là tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, tình đồng đội, tình yêu nam nữ trong sáng, nồng nàn.

Ngoài đề tài biển đảo và chiến trường Quảng Trị ra, những truyện ngắn về thời kỳ hậu chiến, khi mà tác giả đã chuyển ngành ra dân sự, phụ trách một Hội Văn nghệ tỉnh, cũng rất cuốn hút bạn đọc. Mỗi câu truyện tác giả gửi gắm một thông điệp khi trữ tình đằm sâu, khi khốc liệt ám ảnh; mỗi nhân vật một gương mặt, một hoàn cảnh, một tính cách. Tác giả đã cho ta có một cái nhìn thấu đáo hơn, thực tế hơn về cuộc sống thời hậu chiến và thời đổi mới. Và truyện ngắn khiến tôi khi đọc phải dừng lại ngẫm nghĩ nhiều chính là “Đốm lửa”. Thầy giáo Lê Trầm, một hiệu trưởng THPT đã nghỉ hưu, thích làm thơ. Thầy Trầm rất có uy tín với các thế hệ học trò nên mỗi khi trường tổ chức sự kiện gì đó đều được mời tham dự. Trong một dịp lễ kỷ niệm ngày thành lập trường, Lê Trầm đã đọc một bài thơ ca ngợi ngôi trường đã đào tạo ra những con người giỏi giang, thành đạt theo quan niệm của ông đó là những người có bằng cấp học vị cao, có chức vụ và địa vị xã hội. Bài thơ được tán thưởng bởi những tràng vỗ tay như sóng dậy sân trường. Nhưng… sau lễ kỷ niệm, có một nữ tiến sĩ trẻ, người cũng được ca ngợi trong bài thơ, đã mời ông đi thăm một cánh đồng cách ngôi trường không xa. Trên đường đi, cô tiến sĩ trẻ mới tiết lộ cho ông biết: trong số những học trò cũ mà ông cho là thành đạt, cao quý, thì không ít người không còn xứng đáng bởi họ chỉ có bằng cấp để khoe mẽ chứ chẳng làm nên một việc gì ích nước lợi nhà. Tại cánh đồng này, Lê Trầm gặp một học sinh cũ, Ngân, không có nhiều bằng cấp, học vị cao, đang cặm cụi làm cái công việc thầm lặng nhưng hữu ích: ươm lại giống lúa tám xoan, lúa nếp cái, lúa nếp thầu dầu… là những giống lúa quý lâu đời của vùng đất này, nhưng bấy lâu nay, vì phải trồng những giống lúa lai có năng suất cao mà mấy giống lúa quý kia gần như đã bị bỏ quên, sắp tuyệt chủng. Khi “mục sở thị” những việc mà Ngân đang làm, Lê Trầm vỡ nhẽ ra nó hữu ích cho đời hơn rất nhiều những người có danh vọng, bằng cấp cao sang mà ông đã trót làm thơ ca ngợi.

Trong nhóm truyện “thế sự” này còn có những truyện “Lan hoàng vũ”, “Cây hoa lạ ở góc vườn”, “Đồng quê gió thổi”, “Mãnh lực phố phường”… mang những  ý tưởng rất đáng suy ngẫm và chiêm nghiệm.

Phần hai của Tuyển tập khiến tôi thực sự ngạc nhiên bởi kiến thức rất uyên thâm về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới; kiến thức về đạo Thiên Chúa giáo của nhà văn Lê Hoài Nam. Các nhân vật như Vua Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn nhị thập bát tú trong truyện “Chuyến du xuân của Hoàng đế”, Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, Vua Gia Long, Công chúa Lê Thị Ngọc Bình trong truyện “Những giọt lệ đỏ thắm”, nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ trong truyện “Vĩ nhân thời ốc đảo”, ba anh em Chúa Nguyễn và nàng Tống Thị trong truyện “Vương phủ đàng trong”, hai danh sĩ Đoàn Thị Điểm - Đặng Trần Côn trong truyện “Lung lay bóng nguyệt”… thì đây đó cũng đã có tác phẩm viết về họ. Nhưng dưới ngòi bút của nhà văn Lê Hoài Nam, những nhân vật ấy có những diện mạo, tính cách riêng theo sáng tạo của riêng tác giả. Lại có một số nhân vật còn rất mới lạ với bạn đọc như hai cặp cha - con danh tướng thời Hậu Trần: Đặng Tất - Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân - Nguyễn Cảnh Dị cùng tiểu thư Đặng Thúy Hạnh trong “Chuyện tình thời vong quốc”, quan Tả thị lang Vũ Kiệt trong “Quan Tả thị lang hồi triều”, Chúa Trịnh Tráng và người sáng tạo chữ quốc ngữ Alecxandre de Rhodes trong “Chúa thượng đàng ngoài”, quan tham Trương Phúc Loan trong “Dạ khúc quạ kêu”, Bùi Viện trong “Trời Tây xa lắc”… có thể giúp học sinh thêm yêu môn học Lịch sử.

Nhà văn Lê Hoài Nam không theo đạo Thiên Chúa, nhưng thị trấn Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định, nơi anh sinh ra và lớn lên là vùng quê có số đông đồng bào theo đạo này. Thuở còn cắp sách đến trường, hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tràn đến quê hương anh đánh phá rất ác liệt, lớp học của anh sơ tán vào học trong ngôi nhà nguyện của nhà thờ xứ Liễu Đề, những kiến thức về đạo Thiên Chúa ngấm vào anh từ đây. Sau này anh còn nghiên cứu kinh Cựu Ước - Tân Ước và rất nhiều sách Kinh Thánh để rồi anh sáng tác một loạt tác phẩm văn học như tiểu thuyết “Hạc hồng” và những truyện ngắn in trong Tuyển tập mà ta đang nói đến: “Giáng sinh”, “Phục sinh”, “Môn đệ thứ mười hai”, “Ngươi giữ chìa khóa nước trời”, “Đêm Thánh”, “Bữa tiệc ly”… Nhờ những tác phẩm này mà bạn đọc “ngoại đạo” sẽ cảm nhận được khá đầy đặn các nhân vật: Thánh Giuse, Chúa Giêsu, Thánh Phêrô, Đức mẹ Maria, danh họa Leonardo da Vinci, Cha Joseph Mohr và thầy giáo Franz Gruber - đồng tác giả của bản Thánh ca “Đêm thánh vô cùng” bất hủ trong truyện “Đêm Thánh”, gã môn đệ Giuđa phản Chúa, quan Tổng trấn Philato cùng rất nhiều nhân vật phản diện khác. Mỗi nhân vật một diện mạo, một cá tính, một kiểu hành động. Mỗi truyện gợi ra một ý tưởng, một bài học soi vào cuộc sống hôm nay, làm nguồn dưỡng khí cho tâm hồn con người hiện đại để họ trở nên hoàn thiện và nâng cao tính “Người” hơn./.

Hà Nội, tháng 7 năm 2022
Nguyễn Thị Thanh Lâm


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com