Chuyện "Ăn cỗ lấy phần" thời nay

08:01, 11/01/2019

Vượt qua chặng đường gần 60 cây số bằng xe máy, tôi về ăn cỗ cưới con một người họ hàng ở vùng quê biển. Tiếng lành “Người quê biển ăn to, nói lớn” quả không sai (!). Trên chiếc sân rộng của gia chủ, mấy chục mâm cỗ đã kín thực khách; trên mâm ngồn ngộn những món ăn được chế biến từ thịt, cá như: giò nạc, giò xào, gà luộc, cá chim nướng, tôm hấp, các món xào, nộm và trứng vịt lộn. Tôi đến muộn nên được ghép vào mâm của mấy bà tuổi trung niên. Người quê biển cũng giỏi giao tiếp: Dù chưa quen nhưng tôi vẫn có cảm giác thân thiện khi họ cởi mở, đon đả mời chào, tiếp thức ăn… Chừng hơn nửa tiếng sau, khi chuyện đã vãn cũng là lúc khách ở các mâm bên lục tục đúng dậy ra về, tay người nào cũng cầm túi thức ăn. Nhìn lại, thấy mâm mình vẫn còn đầy, tôi giật mình chợt hiểu ở đây người dân có lệ “ăn cỗ lấy phần” nên tế nhị xin phép ra ngoài.

Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet

Trong bữa cơm chiều ở nhà, tôi đem những điều “tai nghe, mắt thấy” trong đám cưới kể lại với các thành viên trong gia đình. Cô cháu gái đang là sinh viên ở cùng gia đình tôi sành sỏi: “Bác ít về quê nên không hiểu, chứ chuyện “ăn cỗ lấy phần” ở quê, cháu bị “va” nhiều rồi. Một lần cháu về ăn cỗ và được ghép cùng mấy bà trong làng. Căng thẳng lắm bác ạ! Ngồi vào mâm, họ ý tứ nhìn nhau rồi một bà đứng dậy, bê đĩa xôi đặt lên đĩa giò, tay kia cầm đĩa nộm chồng lên đĩa thịt gà. Sau đó, bà xoay mâm cho đĩa bò xào quay về phía cháu, giọng ân cần: “Ăn đi cháu, ăn nhiều vào (!)”. Cháu hiểu ý của các bà là chỉ được ăn món xào, món canh, còn món “khô” để chia phần  nên đành ăn vội vàng cho xong…”.

Những gì đã chứng kiến và những điều cô cháu gái nói về chuyện “Ăn cỗ lấy phần” bỗng gieo vào trong tôi cảm giác xót xa (!). Trước kia, việc “ăn cỗ lấy phần” là một tập tục đẹp, xuất phát từ tình cảm yêu thương và thói quen dành dụm của những người bà, người mẹ dành cho cháu, con ở nhà. Ngày ấy, cuộc sống của người dân quê còn khó khăn, thường thì bữa no, bữa đói, chỉ khi có cỗ mới được ăn ngon. Thế nhưng khi đi ăn cỗ, các bà, các mẹ không thể vô tư ăn uống no nê mà còn nghĩ đến những đứa cháu, đứa con ở nhà… Lúc lấy phần, những người mẹ có đông con, con nhỏ thường được các bà cùng mâm bớt phần của mình để dúi thêm miếng thịt, miếng cá… Hành động nhỏ bé của những người bà, người mẹ thấm đẫm tình người, thể hiện sự hy sinh, chia sẻ trong cộng đồng. Ngày nay, cuộc sống của người dân ngày càng no đủ, tục “ăn cỗ lấy phần” tưởng giảm đi nhưng thật buồn khi ngày càng phát triển. Điều đáng nói là từ một tập tục đẹp, việc “ăn cỗ lấy phần” đã bị biến tướng, trở nên xấu xí trong mắt nhiều người. Bởi lẽ, khi làm cỗ, gia chủ phải tính toán vừa làm những món để ăn tại chỗ, vừa phải làm những món cho khách lấy phần. Mặt khác, cái khổ của người đi ăn cỗ là luôn trong trạng thái căng thẳng khi phải nhìn nhau, phải “đối phó” với người lạ ngồi cùng mâm để nghĩ đến chuyện lấy phần đem về…

Rõ ràng chuyện “ăn cỗ lấy phần” thời nay đã trở thành thói quen xấu trong văn hóa ăn uống của người dân ở nhiều địa phương. Trong thời điểm giao thời giữa cái cũ và cái mới; đặc biệt khi đời sống của người dân đã được nâng cao, ngày càng hướng tới văn minh, hiện đại thì những thói quen xấu như “ăn cỗ lấy phần” thời nay cần phải được người dân đồng tình loại bỏ./.

Đức Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com