“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây Nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Không biết tự bao giờ, tục dựng cây Nêu ngày Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta từ ngàn đời xưa mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Theo nghi thức cổ truyền, dựng cây Nêu ngày Tết để tỏ lòng biết ơn ông bà tổ tiên, cầu mong một năm mới may mắn, làm ăn phát đạt, gia đình yên ấm, hạnh phúc, vừa mang ý nghĩa đuổi trừ tà ma, quỷ dữ. Trải qua bao biến thiên lịch sử, tục quý này đã ít nhiều bị mai một. Cuốn theo vòng xoáy của cơ chế thị trường, người dân bận bịu với hàng nghìn công việc khác nhau, ít có thời gian dành cho những sinh hoạt văn hóa tinh thần truyền thống… Với quyết tâm phục dựng lại tục xưa của cha ông để lại, những năm qua, vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân xã Trung Thành (Vụ Bản) cùng nhau dựng những cây Nêu tại khu vực trung tâm xã, tại nơi sinh hoạt cộng đồng các thôn xóm và tại nhà riêng của mỗi gia đình. Tái hiện lại nếp sinh hoạt cộng đồng của người xưa, làm giàu thêm bản sắc văn hóa đặc trưng của miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ trong xã hội hiện đại, tục dựng cây Nêu ở Trung Thành là điểm sáng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Gia đình ông Trần Đức Phòng, xóm Nhì dựng cây nêu đón Tết. |
Là vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, trên địa bàn xã Trung Thành lại diễn ra nhiều hoạt động văn hóa độc đáo thể hiện bản sắc của cư dân nông nghiệp như: Hội chợ Viềng Xuân, trồng cây đầu năm, tục mừng thọ, đấu vật, kéo co… Một vài năm trở lại đây, tục dựng cây Nêu ngày Tết được phục dựng đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Chúng tôi có mặt ở xã Trung Thành vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ở khắp các thôn, xóm đâu đâu cũng thấy cờ hoa, đèn điện trang trí rực rỡ sắc màu. Ngoài việc tất bật trang trí nhà cửa, trồng chậu quất cảnh, cắm lọ hoa đào, các hộ dân trong xã đều tranh thủ chuẩn bị nguyên phụ liệu, cùng giúp nhau dựng cây Nêu đón Tết. Việc dựng cây Nêu ngày Tết ở xã Trung Thành thường được tiến hành sau 23 tháng Chạp - ngày ông Công, ông Táo lên trời. Cây Nêu được chính quyền xã khuyến khích dựng ở mỗi thôn xóm tại nơi sinh hoạt cộng đồng như sân đình, chùa, từ đường các dòng họ… để nhân dân vui Tết, đón Xuân. Các hộ gia đình, tùy điều kiện, hoàn cảnh mà dựng cây Nêu cho phù hợp nhưng không quá cầu kỳ và đảm bảo an toàn cháy nổ cũng như hệ thống điện cho cả khu vực. Theo đó, cây Nêu thường cao từ 7-11m, được làm từ một cây tre già còn nguyên ngọn, gốc, rễ. Phần ngọn Nêu được treo khánh nhà Phật; một dải lụa điều có ghi những lời chúc năm mới theo kiểu câu đối hay nguyện vọng của nhân dân trong vùng; một chiếc đèn lồng và một số thứ khác như giỏ đựng trầu cau, lá dứa, chuông gió… để khi dựng lên, ngọn Nêu vừa đủ nặng để uốn câu; vừa có sắc đỏ vàng của sự giàu có sung túc, vừa lanh lảnh tiếng chuông reo trong gió cho không gian thêm vui nhộn và xua đuổi tà khí. Phần chân Nêu được chôn chặt trong nền đất. Dưới chân cây Nêu được trang trí bằng một vòng tròn vôi trắng in hình những cây cung xếp lại, mũi tên hướng ra tứ phía. Họa tiết này biểu trưng cho sức mạnh cộng đồng, sẵn sàng chống trả các thế lực thù địch. Trong những ngày Tết, địa điểm dựng cây Nêu ở khu dân cư thường được chọn để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như đấu vật, kéo co, đánh cờ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… để nhân dân cùng tham gia vui Xuân, đón Tết.
Việc phục dựng tục dựng cây Nêu ngày Tết không chỉ ở những nơi công cộng mà còn dựng nhiều tại tư gia. Các hộ dân sinh sống hai bên trục đường quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ đã có cách trồng Nêu sáng tạo và thống nhất về kích thước, kiểu dáng, địa điểm dựng Nêu nên đã tạo được nét độc đáo riêng có. Theo đó thay vì trồng cây Nêu dưới nền đất, các hộ dân hai bên đường đã cột treo cây Nêu ở trên lan can tầng một của tất cả những hộ dân hai bên đường. Ngọn Nêu vươn ra phía đường cái tạo thành hình cong parabol hay như chiếc cổng vòm dài tít tắp với đủ các họa tiết trang trí từ đèn nhấp nháy, đèn lồng, dải lụa điều ghi câu đối cầu chúc năm mới an lành, thịnh vượng. Đặc biệt, vào buổi tối, những cây Nêu tạo thành hai hàng cong vút, sâu hun hút, lung linh ánh điện huyền ảo trong màn đêm, làm đẹp thêm diện mạo quê hương, tạo ấn tượng mạnh trong lòng người dân bản địa và du khách bốn phương. Cụ Trần Đình Lạc, năm nay đã gần 80 tuổi ở xóm Nhì cho biết: Tục dựng cây Nêu được phục dựng lại sau bao nhiêu năm vắng bóng, lại đan xen giữa truyền thống và hiện đại khiến cho lớp người cao tuổi chúng tôi mừng lắm. Hình ảnh cây Nêu ngày Tết càng trở nên gần gũi và không thể thiếu đối với người dân trong xóm; ngoài ý nghĩa tâm linh, cây Nêu biểu thị cho sức mạnh đoàn kết, gia đình, dòng tộc, làng xóm. Đó là những ý nghĩa tốt đẹp mà từ xa xưa, ông cha ta đã truyền lại cho thế hệ con cháu hôm nay. Chính vì vậy, xóm sẽ luôn duy trì dựng cây Nêu dịp Tết và coi đây là phong tục đẹp của quê hương. Vậy là truyền thống của cha ông vẫn được tiếp nối và phát triển, không hổ danh là vùng đất truyền thống đúng như nhà thơ Nguyễn Bính đã từng viết trong bài thơ…: “Tết của mẹ tôi”
“Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều
Sân gạch tường vôi người quét lại
Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu”.
…
Nguyễn Bính
Hiện tại, vào mỗi dịp Tết cổ truyền, trên địa bàn xã có gần 500 hộ dân dựng cây Nêu, nhất là hai bên đường Quốc lộ 38B thuộc các xóm Nhì, xóm Phố và trục đường Chợ Lời - Vĩnh Hào. Dưới bóng tỏa của cây Nêu ngày Tết cùng tiếng nhạc chuông reo vui, ai ai cũng thấy náo nức khi cảm nhận Xuân đã đến thật gần./.
Bài và ảnh: Văn Trọng