Tuần trước, mấy người trong hội đồng môn chúng tôi về viếng đám tang bố của một người bạn ở quê. Đến nơi, đã là 9 giờ sáng mà vẫn chưa “được giờ” làm lễ phát tang. Trong lúc chờ viếng, chúng tôi được ông trưởng thôn, là trưởng ban lễ tang và cũng là người cùng họ hàng với nhà đám mời qua nhà người con thứ ngay cạnh nhà tổ chức tang lễ.
Vừa bước vào cổng, chúng tôi giật mình trước những hình ảnh tương phản với không khí tang tóc bao trùm ở nhà đám. Trên chiếc sân rộng, mấy bác trung niên tay dao, tay thớt chạy lăng xăng quanh mấy chiếc nia, chiếc nào cũng ngồn ngộn các loại thực phẩm đã được pha chế để chuẩn bị nấu nướng. Ở góc sân, bên cạnh chiếc lò than “dã chiến” với ngổn ngang xoong chảo là các bà, các cô vừa nhặt rau, thái măng, vừa rôm rả chuyện trò… Nhìn cảnh ấy, anh bạn tôi với bản tính bộc trực, bằng giọng răng rít lên nghiệt ngã: "Người quá cố còn nằm đó, chưa kịp phát tang mà họ đã vội mổ lợn ăn uống".
Nghe vậy, cô bạn gái cùng đi vội lấy tay bịt miệng anh: “Ông ngoa ngoắt vừa vừa chứ. Có thôi ngay đi không. Tập tục ở quê, ông biết gì mà phán chác?”.
Mặc dù không nghe rõ những điều người bạn tôi nói nhưng thấy thái độ bất thường của khách về những điều “tai nghe mắt thấy” ở đây, ông trưởng thôn cũng cảm thấy ngượng nên thanh minh: “Các bác thông cảm. Cũng là vì sợ muộn nên mấy ông hậu cần tranh thủ làm sớm” (!).
Trong câu chuyện đứt quãng, không đầu không cuối với ông trưởng thôn và người nhà đám, chúng tôi được biết: Các đám tang ở đây cũng được tổ chức theo quy ước nếp sống văn hóa. Thường thì việc tang lễ trong thôn chỉ diễn ra trong vòng 24 giờ; đội kèn trống cũng phải ngừng hoạt động trước 10 giờ đêm… Có điều việc tổ chức ăn uống trong đám tang đã trở thành tập tục, chưa thể xóa bỏ được. Khi gia đình có người mất, ngoài ban tang lễ của thôn, ban hậu cần cũng được tang chủ thành lập, mang tính tự phát để lo cơm nước cho con cháu xa gần trong họ tộc về chịu tang…
Đành rằng, với người dân quê, việc lo cơm nước cho con cháu trong họ trong thời gian tang lễ và việc cúng 3 ngày để mời họ hàng làng xóm có “công” đi đưa tang đã trở thành tập tục, nhưng cách thức tổ chức thế nào để tránh sự phản cảm vẫn là điều cần phải nói. Hơn nữa, dân gian có câu: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” là thể hiện sự đoàn kết, gắn bó máu thịt, chia sẻ buồn vui với nhau giữa những người dân trong cùng cộng đồng dân cư. Truyền thống của những người dân quê là khi một người nằm xuống, không chỉ anh em, họ hàng mà cả làng xóm đều xót thương. Bởi vậy, việc tổ chức ăn uống tập thể trong đám tang, dù bao biện thế nào, cũng là sự vô cảm!
Đức Linh