Phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên

03:08, 30/08/2019

Thanh, thiếu niên là lực lượng đông đảo trong xã hội, là tương lai của đất nước. Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung, trong thanh, thiếu niên nói riêng, tuy nhiên tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có khoảng 2.300 vụ phạm tội với hơn 3.600 tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày có gần 13 vụ phạm tội với 20 tội phạm ở độ tuổi chưa thành niên. Nếu như trước đây, tội phạm chưa thành niên hầu hết là nam giới, thì trong nửa đầu năm nay, có 100 tội phạm là nữ giới. Xu hướng gia tăng các vụ phạm tội trong lứa tuổi chưa thành niên đang là hồi chuông rất đáng báo động đòi hỏi có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Học sinh tham gia buổi tuyên truyền, đối thoại phòng ngừa vi phạm pháp luật, an toàn giao thông trong học đường.
Học sinh tham gia buổi tuyên truyền, đối thoại phòng ngừa vi phạm pháp luật, an toàn giao thông trong học đường.

Theo các chuyên gia giáo dục, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật như một số nguyên nhân từ mặt trái của quá trình hội nhập, mở cửa, các em thường xuyên tiếp xúc với internet, mạng xã hội mà ở đó đầy rẫy những hình ảnh phản cảm, các trò chơi bạo lực… Bên canh đó, có một nguyên nhân căn bản dẫn đến thực trạng trên là do các em thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục của gia đình. Phần lớn các trường hợp trẻ vị thành niên phạm tội thường là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: bố mẹ ly hôn, thiếu tình thương yêu của gia đình hoặc các gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn, cha mẹ lo làm ăn, thiếu sự chăm sóc quản lý. Nhiều trường hợp cha mẹ lại quá nuông chiều con, đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ nhưng chỉ quan tâm đến việc chu cấp về vật chất mà không quan tâm đến tâm tư tình cảm của trẻ. Vì vậy, khi gặp những tình huống khó khăn, các em có thể làm bất cứ điều gì mà không suy nghĩ đến hậu quả của nó. Trong khi đó, môi trường học đường ở nhiều nơi chưa được vun trồng, bồi đắp những giá trị lành mạnh cũng khiến việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật như hiện nay cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, trước hết là cấp ủy Đảng, chính quyền, và các ngành, đoàn thể ở cơ sở. Trong đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; tình hình vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức tránh xa các tệ nạn xã hội; xây dựng và triển khai một số mô hình điểm về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phối hợp quản lý, giáo dục, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn khu dân cư. Qua tổng kết công tác phòng, chống tội phạm hàng năm, những địa phương nào có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thì nơi đó công tác phòng, chống tội phạm trong thanh, thiếu niên sẽ đạt hiệu quả cao. Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, định hướng cho các em lý tưởng sống tốt đẹp, cung cấp những kỹ năng sống cần thiết để các em tự bảo vệ bản thân, nhận biết và tránh xa môi trường dễ phát sinh tệ nạn xã hội, tiêu cực, không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Các bậc cha mẹ thường xuyên phối hợp với nhà trường để quản lý thời gian học hành, sinh hoạt của các con, dành thời gian quan tâm, nắm bắt tâm tư, tình cảm, chia sẻ với con bởi đây là giai đoạn trẻ dễ mắc những sai lầm không đáng có. 

Với sự quan tâm sâu sát của gia đình cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh, thiếu niên sẽ được ngăn chặn góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong xã hội và xây dựng thế hệ tương lai tốt đẹp./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com