"Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau!"

07:08, 28/08/2019

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020", những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội không ngừng được quan tâm, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Thành phố Nam Định tặng quà cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân Tháng hành động Vì trẻ em năm 2019.
Thành phố Nam Định tặng quà cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân Tháng hành động Vì trẻ em năm 2019.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có 49.669 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng; 3.708 đối tượng được giải quyết chế độ trợ cấp một lần; có 29.526 người có công và con của người có công được hỗ trợ về đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Đến tháng 7-2019, toàn tỉnh có 99,78% đối tượng người có công gia đình có mức sống tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Thực hiện dự án hỗ trợ giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã quan tâm hỗ trợ hộ nghèo tiền điện; các chính sách ưu tiên, hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo về giáo dục, y tế, giải quyết việc làm; chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo. Triển khai thực hiện các dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo”..., toàn tỉnh có 99.303 lượt hộ nghèo, 29.059 lượt hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh; 128.690 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi trong giáo dục đào tạo; 4.286 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn hỗ trợ về nhà ở; 615.847 lượt người nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; 564.845 lượt người cận nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; 255.269 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; 2.776 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở từ Quỹ "Ngày vì người nghèo"; 5.996 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở từ chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 363.175 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện; 58.832 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số mặt đất; 5.724 lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ dạy nghề từ chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; 7.632 lượt người nghèo được tập huấn, hướng dẫn phát triển ngành nghề, phát triển sản xuất; 44 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia thực hiện với 2 mô hình giảm nghèo (mô hình phát triển nuôi ong mật tại huyện Giao Thủy; mô hình phát triển nuôi bò tại huyện Xuân Trường); 3.059 lượt người nghèo được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại cộng đồng. Hàng năm, toàn tỉnh đã thực hiện trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho hàng chục nghìn đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện trợ cấp đột xuất cho hàng trăm hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai hoặc lý do bất khả kháng khác xảy ra trên địa bàn; thực hiện tốt chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội đối với hàng trăm đối tượng bảo trợ xã hội cô đơn, không nơi nương tựa hàng năm. Về thực hiện tốt chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, hàng năm toàn tỉnh có trên 45 nghìn người cao tuổi được trợ giúp xã hội; khoảng 120 nghìn người cao tuổi được chúc thọ, tặng quà, thăm hỏi, động viên, trên 150 nghìn người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe..., toàn tỉnh có hàng trăm nghìn người cao tuổi tham gia các câu lạc bộ liên thế hệ, câu lạc bộ văn hóa, thể thao, văn nghệ; toàn tỉnh thực hiện xác định mức độ khuyết tật cho trên 40 nghìn người khuyết tật, hàng năm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho trên 20 nghìn người khuyết tật; hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe trên 30 nghìn người khuyết tật, cấp dụng cụ phục hồi chức năng cho hàng trăm người khuyết tật trên địa bàn tỉnh...  Các chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội, bằng nguồn ngân sách Nhà nước được triển khai đầy đủ, đảm bảo đúng đối tượng. Đến tháng 7-2019, toàn tỉnh có trên 80 nghìn người là đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng, trên 200 người là đối tượng bảo trợ xã hội được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,13% (năm 2012, theo chuẩn nghèo đơn chiều) xuống còn 2,15% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều).

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 15 trên địa bàn còn gặp khó khăn, hạn chế. Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 0,29% người có công thuộc diện hộ nghèo; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp. Mục tiêu huy động đầu tư xây dựng các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội chưa đạt. Tỷ lệ số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình và cộng đồng, số người tâm thần lang thang được phục hồi chức năng luân phiên tại cơ sở bảo trợ xã hội; số người bị tâm thần, rối nhiễu tâm trí được tư vấn, trị liệu tâm lý. Vẫn còn hộ gia đình chưa được tiếp cận đảm bảo an toàn về nhà ở, chưa được tiếp cận về thông tin… Chất lượng thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội còn hạn chế, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, vẫn còn hộ tái nghèo. Số giường bệnh, số bác sĩ và dược sĩ đại học bình quân trên 10 nghìn dân còn thấp. Việc đảm bảo số lượng và chất lượng nước sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, do bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và một số công trình cấp nước xuống cấp.

Tỉnh ta đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên 90%; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 4%; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 1,5%. Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được đến nhà trẻ đạt 95%; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục (đến lớp) đạt 99,9%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đến năm 2020 đạt 99,9%. Để đạt được các mục tiêu trên, thời gian tới cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Tiếp tục phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng việc làm, kết nối cung cầu lao động. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế để tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất, các chính sách tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chính sách giảm nghèo. Sử dụng đồng bộ các giải pháp, tăng số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, y tế, trợ giúp xã hội đối với các diện đối tượng bảo trợ xã hội, đối phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề vệ sinh môi trường. Đảm bảo mọi người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com