Phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ tại điểm Bưu điện văn hóa xã

08:08, 27/08/2019

Hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh được thành lập từ năm 1998 với mục đích ban đầu là thiết lập điểm cung cấp các dịch vụ Bưu chính - Viễn thông (chủ yếu là dịch vụ công ích) và đưa các thiết chế về văn hóa, trước hết là văn hóa đọc cho người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên từ khi viễn thông di động phát triển, hoạt động của Bưu điện văn hóa xã gặp khó khăn, buộc phải đổi mới hoạt động để thích ứng với tình hình mới. Với phương châm Bưu điện văn hóa xã là cánh tay nối dài để triển khai các dịch vụ, các dự án của Nhà nước về an sinh xã hội tại các vùng nông thôn, từ năm 2014, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã có Chỉ thị 03/CT-BĐVN về đổi mới hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ các dịch vụ công ích, dịch vụ hành chính công, phát triển các sản phẩm dịch vụ gia tăng phục vụ dân sinh như nhóm dịch vụ tài chính bưu chính, chuyển tiền, dịch vụ ngân hàng, tín dụng, tiết kiệm bưu diện, cung cấp các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, bán lẻ hàng tiêu dùng, sách, báo, tạp chí, văn phòng phẩm...

Nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã Nghĩa An (Nam Trực) thực hiện dịch vụ chuyển phát hàng hóa cho khách hàng.
Nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã Nghĩa An (Nam Trực) thực hiện dịch vụ chuyển phát hàng hóa cho khách hàng.

Từ năm 2015 đến nay, Bưu điện tỉnh thường xuyên mở lớp tập huấn nghiệp vụ kinh doanh cho đội ngũ giao dịch viên các xã, thị trấn; nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho các điểm Bưu điện văn hóa xã như: Máy tính, kệ trưng bày, kết nối internet; ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý nghiệp vụ EMS, bưu kiện, ghi số; phần mềm PayPost (Chuyển tiền, thu hộ, chi hộ)… Đến nay, 100% nhân viên các điểm Bưu điện văn hóa xã đã được đào tạo các kỹ năng, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới công việc. Bưu điện tỉnh từng bước chuyển đổi 189 điểm Bưu điện văn hóa xã sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ; hầu hết các điểm sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh đều phát huy hiệu quả, doanh thu phát sinh hàng tháng tăng, thu nhập của giao dịch viên tăng. Năm 2018, tổng doanh thu tại các điểm Bưu điện văn hóa xã đạt 72 tỷ đồng, tăng trưởng 116% so với doanh thu năm 2017. 6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu tại các điểm Bưu điện văn hóa xã đạt trên 50 tỷ đồng. Đến Bưu điện văn hóa xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng), chúng tôi gặp đông đảo người dân đến đọc sách báo, truy cập Internet, nghe tư vấn về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và mua hàng tiêu dùng, chuyển, nhận tiền, photocopy... Chị Trần Thị Loan, xóm 1 xã Nghĩa Minh cho biết: Từ khi Bưu điện văn hóa xã mở thêm dịch vụ cung cấp các mặt hàng tiêu dùng, người dân chúng tôi rất phấn khởi, qua tìm hiểu, so sánh tôi thấy các sản phẩm bày bán tại đây đều từ các thương hiệu có uy tín, đảm bảo chất lượng, giá thành phù hợp. Khi có băn khoăn về một số chính sách an sinh như bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện, chúng tôi đến hỏi và được tư vấn luôn mà không phải đi xa đến tận cơ quan Bảo hiểm, rất tiện lợi. Với hệ thống mạng lưới 197 điểm ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, các điểm Bưu điện văn hóa xã hoạt động hiệu quả đang phát huy tối đa công năng trong truyền thông quảng bá hình ảnh thương hiệu, dịch vụ Bưu điện gắn với công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của một số điểm Bưu điện văn hóa xã trên địa bàn gặp không ít khó khăn do ở xa khu dân cư hoặc nằm ngay trong khuôn viên UBND xã hạn chế trong việc triển khai kinh doanh đa dịch vụ cũng như phân phối các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bán lẻ. Các dịch vụ tại điểm Bưu điện văn hóa xã còn đơn điệu, chưa có sức cạnh tranh cao, kích thích nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tư liệu sách báo ở điểm Bưu điện văn hóa xã ít được bổ sung cập nhật nên không thu hút người đọc.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động tại các điểm Bưu điện văn hóa xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thời gian tới, Bưu điện tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đảm bảo khang trang, thuận tiện cho hoạt động dịch vụ và người dân đến giao dịch; đồng thời, thực hiện điều chỉnh thời gian mở cửa phục vụ bán hàng lên tối thiểu 8 giờ/ngày; đẩy nhanh việc đưa các sản phẩm, dịch vụ của Bưu điện xuống cung cấp ngay tại Bưu điện văn hóa xã; trong đó, ưu tiên các dịch vụ chuyển phát và dịch vụ hành chính công như: Tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính... Phấn đấu thực hiện mô hình giao dịch hành chính một cửa tại điểm Bưu điện văn hóa xã, nhân viên bưu điện trực tiếp tham gia hỗ trợ công chức xã tiếp nhận, kiểm đếm hồ sơ và thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt trong lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử, bưu điện văn hóa xã sẽ tham gia sâu rộng hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử; phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ hành chính công, đưa các dịch vụ công đến gần người dân hơn và là cơ sở trọng yếu hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, góp phần đẩy nhanh việc đào tạo công dân điện tử./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com