Nam Trực chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

07:08, 28/08/2019

Nam Trực là vùng đồng màu và là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống; những hệ lụy phát sinh từ ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất chưa được xử lý triệt để… tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, cúm A(H5N1, H7N9), tay - chân - miệng, sốt rét, thủy đậu. Trước tình hình đó, huyện Nam Trực đã chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đoàn viên thanh niên xã Nam Toàn dọn vệ sinh môi trường. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Đoàn viên thanh niên xã Nam Toàn dọn vệ sinh môi trường.
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Ngay từ đầu năm 2019, UBND huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch; xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nhằm khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát. Huyện đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh với nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên Đài phát thanh huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn; phát tờ rơi, tờ gấp khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh. Vào chiều thứ sáu hàng tuần, tại các cơ quan, đơn vị, trường học, các khu dân cư trong toàn huyện đều tổ chức dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm. Các gia đình đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ khi không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng để phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ để phòng, chống bệnh tay - chân - miệng; thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Đối với việc phòng, chống bệnh sởi, các gia đình chủ động đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng (từ 9-24 tháng tuổi) chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc-xin sởi theo kế hoạch. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Bên cạnh đó, thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, ngoài việc tiêm vắc-xin phòng bệnh để tạo miễn dịch cho trẻ em, Trung tâm Y tế huyện khuyến cáo các hộ dân dùng hóa chất xua muỗi, màn chống muỗi, nhốt gia súc và làm chuồng gia súc cách xa nhà ở…

Cùng với công tác tuyên truyền, Trung tâm Y tế huyện thường xuyên củng cố đảm bảo về số lượng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế tham gia hệ thống giám sát dịch từ huyện đến cơ sở; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hoá chất cho công tác xử lý ổ dịch; phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế thôn, tổ dân phố, trường học trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời trường hợp có dấu hiệu bị bệnh để xử lý kịp thời. Cùng với việc huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với ngành Thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, để chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh dịch lây từ động vật sang người; dịch bệnh truyền qua thực phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, thu thập, quản lý, thống kê số liệu dịch bệnh, tiêm chủng và các hoạt động phòng, chống dịch, phục vụ công tác dự báo, cảnh báo nhanh, đầy đủ, kịp thời. Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế thực hiện tốt công tác thu dung, chẩn đoán, phân tuyến điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tập huấn phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống sốc, chống kháng thuốc; tổ chức các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh dịch tại cộng đồng và tăng cường nhân lực cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Đội ngũ cộng tác viên y tế cơ sở thường xuyên được tập huấn kiến thức về giám sát, phát hiện các ca bệnh dịch; thường xuyên cập nhật các quy định, quy trình về giám sát, xử lý dịch, phác đồ điều trị các bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhập. Các xã, thị trấn duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường để chủ động phòng, chống dịch bệnh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết; tổ chức các chiến dịch thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy, phòng chống dịch sốt xuất huyết và vi-rút Zika trước, trong mùa dịch. Tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh lây truyền qua đường thực phẩm và thực hiện tốt công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Tích cực thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng đảm bảo các đối tượng được tiêm đủ mũi, đúng thời gian. Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, hoá chất, thuốc, vắc-xin phòng bệnh; bố trí đủ giường bệnh, dịch truyền, thuốc sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh nhân hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch.

Với những biện pháp đồng bộ, từ năm 2018 đến nay tình hình dịch bệnh ở huyện Nam Trực được kiểm soát, không có dịch bệnh xảy ra. Trên địa bàn không xuất hiện sốt xuất huyết, cúm A(H5N1, H7N9) và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm./.

Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com