Bảo tồn, chống xâm hại di tích - Kết quả và vấn đề đặt ra

08:07, 29/07/2019

Thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Tỉnh ủy về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”, đến nay, công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh đã phát huy giá trị trong công tác giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng của quê hương trong các tầng lớp nhân dân, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn di tích

Ngày 25-1-2019, tại Khu di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định), UBND tỉnh tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần. Dự án được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích đất 92,5ha, gồm 3 phân khu chính: Khu công viên văn hóa Trần (25,6ha); khu Trung tâm lễ hội (23,6ha) và khu đệm, khu dịch vụ, hệ thống đường giao thông kết nối đến các phân khu, giao thông nội bộ... Tổng mức đầu tư của Dự án hơn 734 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương (Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa) và ngân sách địa phương… Dự án được đầu tư xây dựng hướng đến các mục đích từng bước hoàn thiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần góp phần gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của quần thể Khu di tích, qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam. Đồng thời, hình thành điểm du lịch phục vụ du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa thời Trần; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân…

Rước kiệu Ngọc Lộ trong Lễ Khai ấn Đền Trần năm 2019.
Rước kiệu Ngọc Lộ trong Lễ Khai ấn Đền Trần năm 2019.

Toàn tỉnh hiện có 365 di tích được Nhà nước xếp hạng; có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích cấp quốc gia, 282 di tích cấp tỉnh, 965 di tích lịch sử văn hóa đã được đưa vào danh mục kiểm kê; có nhiều hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia, như: Bộ chân đèn và lư hương gốm men (thời Mạc, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh); Tượng Phật A Di Đà (thời Lý, hiện lưu giữ tại Chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên); Lan can thành bậc (niên đại: đầu thế kỷ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định); 246 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, công tác quản lý di tích, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh đã được các ngành chức năng, các địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đối với 365 di tích đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng, các địa phương đều thành lập Ban Quản lý di tích; đồng thời ban hành quy chế quản lý di tích và tổ chức lễ hội; tăng cường kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích nhằm phát hiện, xử lý dứt điểm, kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện những hành vi khác trái pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục. Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, ngày 24-10-2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2335/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực Phủ Dầy. Theo đó, Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực Phủ Dầy tỷ lệ 1/2.000 do Công ty Cổ phần Kiến trúc, Đầu tư và Thương mại Việt Nam (VARIC - Hà Nội) lập, thời hạn quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khu vực quy hoạch chủ yếu trong địa phận hành chính xã Kim Thái, một phần các xã Minh Tân, Tam Thanh với quy mô là 498,4ha. Toàn bộ khu vực quy hoạch chia làm 5 phân khu (khu trung tâm, khu bắc, khu nam, khu đông, khu tây), được định hướng phát triển trên nguyên tắc kế thừa bản sắc không gian định cư truyền thống, tổ chức các cửa ngõ đón khách du lịch, thiết lập hệ thống bến bãi có sức dung nạp lớn và tính linh hoạt cao. Quy hoạch phân khu còn định hướng rõ cấu trúc giao thông đường bộ, phát triển không gian thương mại dịch vụ, xác lập không gian bảo vệ di tích, ổn định cư trú và nâng cao chất lượng sống, tổ chức không gian du lịch của khu vực Phủ Dầy.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, công tác xã hội hóa tu bổ chống xuống cấp và phát huy giá trị di tích đã thu hút được sự đóng góp nhiều tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động của nhân dân, góp phần duy tu, bảo tồn các di tích khang trang sạch đẹp hơn. Thời gian qua, huyện Giao Thủy đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tổng kiểm kê, khảo sát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích lịch sử trên địa bàn, quản lý và bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng; đồng thời tổ chức tập huấn Luật Di sản văn hóa, công tác tổ chức và quản lý lễ hội cho lãnh đạo, cán bộ chuyên môn và ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa các xã, thị trấn. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích, huy động hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ủng hộ của nhân đân, tín đồ, chức sắc tôn giáo, doanh nghiệp, nhà hảo tâm kịp thời tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các di tích bị xuống cấp. Tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương; khôi phục hội thi bơi chải cấp huyện hàng năm; sưu tầm, phục hồi các trò chơi văn hóa - thể thao dân gian tại các lễ hội lớn như: Hội làng Hoành Nha (Giao Tiến), hội làng Diêm Điền (Bình Hòa), hội làng Hà Cát (Hồng Thuận), hội làng Kiên Hành (Giao Hải), hội làng Hoành Đông (Thị trấn Ngô Đồng)… Để nâng cao hiệu quả công tác tu bổ chống xuống cấp di tích được Nhà nước xếp hạng, từ năm 2015 UBND huyện Xuân Trường chỉ đạo Phòng Văn hóa phối hợp với cơ quan chức năng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành công tác khảo sát kiểm kê di tích, nhằm đánh giá đúng thực trạng các di tích lịch sử - văn hoá, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tu bổ đối với từng di tích một cách khoa học. Trong đó đã tiến hành tu bổ, tôn tạo nhiều di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân. Tháng 2-2019 UBND huyện Xuân Trường tổ chức Lễ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp một số hạng mục Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh. Dự án với tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác. Dự án gồm các hạng mục: Trùng tu, nâng cấp, tôn tạo các hạng mục trong khuôn viên Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh và cải tạo, nâng cấp đường dong 7, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng. Tu bổ, tôn tạo các hạng mục khu Công viên Tượng đài và khu Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Trường Chinh tại Thị trấn Xuân Trường. Xây dựng khu tưởng niệm Tổng Bí thư Trường Chinh tại Trường Chính trị Trường Chinh.

Những vấn đề đặt ra

Thành phố Nam Định hiện có 6 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Trong đó, có 1 di tích gắn liền với thời kỳ tiền khởi nghĩa là Nhà số 7 phố Bến Ngự thuộc phường Phan Đình Phùng - nơi thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở tỉnh Nam Định (ngôi nhà do ông nội của Tam nguyên Vỵ Xuyên Trần Bích San xây dựng năm 1849); 5 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gồm: Cửa hàng cắt tóc dưới hầm, Cửa hàng ăn uống dưới hầm, Khu chỉ huy của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định, Khu di tích phố Hàng Thao, Hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước (được công nhận tháng 4-1979 theo Quyết định 54-VHTT/QĐ). Di tích Hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (còn gọi là A4) hiện nằm tại số nhà 57 phố Quang Trung, được xây dựng vào tháng 9-1966. Trong kháng chiến chống Mỹ, từ căn hầm này, Thành ủy Nam Định đã chỉ đạo mọi hoạt động sản xuất, chiến đấu ở địa phương. Khu di tích phố Hàng Thao là nơi ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ. Vào sáng ngày 14-4-1966, giặc Mỹ ném bom xuống phố Hàng Thao, giết hại 77 người, làm 135 người bị thương, 240 nhà sập đổ, hư hại. Tội ác tày trời của giặc Mỹ đã khắc sâu trong lòng mọi người dân Thành phố Nam Định. Phần còn lại của khu di tích hiện nay là một mảnh tường đứng của ngôi nhà bị bom Mỹ đánh sập. Đây được coi như một tấm bia chung của những người đã bị bom Mỹ sát hại sáng ngày 14-4-1966, đồng thời cũng là biểu tượng của một tấm bia căm thù ghi sâu tội ác của đế quốc Mỹ. Khu chỉ huy của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định thời kỳ chống Mỹ cứu nước là một “chứng nhân” khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân Thành Nam, có giá trị lịch sử, giáo dục to lớn.

Thực tế, các di tích cách mạng kháng chiến đã được Nhà nước xếp hạng, hiện nay hầu hết đã bị xuống cấp. Nguyên nhân công tác quản lý và bảo tồn gặp nhiều khó khăn do các di tích này nằm xen lẫn trong các khu dân cư và do nhiều đơn vị sở hữu, quản lý: Khu di tích chỉ huy sở Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định nằm lẫn trong các hộ dân cư phường Cửa Bắc, Nhà số 7 phố Bến Ngự trước đây có diện tích 890m2, nay bị thu hẹp. Cửa hàng ăn uống dưới hầm hiện chỉ còn một mô đất có diện tích khoảng 50m2... Mặt khác, theo quy định của Luật Di sản văn hóa, đối với các di tích cấp quốc gia, muốn tiến hành nâng cấp, tu sửa, tôn tạo phải được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến đạt hiệu quả, Thành phố Nam Định đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di tích; trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị. Trong quá trình trùng tu phải giữ được nguyên trạng di tích, đảm bảo tính lịch sử, mỹ thuật. Tăng cường sự giám sát, quản lý của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư để giữ nguyên trạng di tích, làm tốt việc sưu tầm, bảo quản các tài liệu, hiện vật; xử lý các vi phạm chiếm dụng di tích. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích cho cộng đồng dân cư ở các phường, xã trên địa bàn thành phố nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm đất đai, xâm phạm di tích./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com