Nghề bán sách cũ

05:07, 26/07/2019

Trong thời đại “công nghệ số” cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, sách điện tử... những tưởng thói quen mua sách, đọc sách của nhiều người sẽ dần biến mất. Vậy nhưng nếu dành thời gian đi một vòng quanh thành phố cũng không khó để tìm ra một vài tiệm sách cũ nằm khiêm nhường bên những cửa hàng hiện đại, rực rỡ sắc màu. Ở đó, người bán sách và người đọc gặp nhau qua những trang sách đã ngả màu thời gian... Tuy vậy, nghề bán, cho thuê sách cũ hiện đã mai một đi nhiều, hầu hết người làm nghề đều phải kết hợp buôn bán với các mặt hàng khác để duy trì cuộc sống.

Cửa hàng sách cũ của gia đình chị Đoàn Thị Thủy, phường Trần Đăng Ninh (Thành phố Nam Định).
Cửa hàng sách cũ của gia đình chị Đoàn Thị Thủy, phường Trần Đăng Ninh (Thành phố Nam Định).

Chúng tôi tìm đến một tiệm sách cũ của gia đình chị Đoàn Thị Thủy, nằm trên đường Tràng Thi, phường Trần Đăng Ninh (Thành phố Nam Định). Trước đây, chị Thủy vốn là cán bộ công tác trong ngành Quân đội ở Sài Gòn. Năm 2002, do điều kiện sức khỏe, chị xin nghỉ về quê mở cửa hàng bán văn phòng phẩm kết hợp bán và cho thuê sách, truyện. “Bản thân tôi vốn là một người thích đọc sách, mở cửa hàng sách cũng là để thỏa mãn nhu cầu đọc mỗi ngày của tôi”, chị Thủy chia sẻ về lý do đến với nghề. Thời điểm đó, để có nguồn sách, chị nhập của một đại lý trên đường Lê Hồng Phong. Đôi khi chị cũng tìm mua gom sách cũ từ những người bán ve chai, đồng nát, những người muốn thanh lý tủ sách gia đình. Các loại sách mà chị bán, cho thuê rất đa dạng bao gồm: sách Văn học, Triết học, Lịch sử, Nghệ thuật, Từ điển, sách giáo khoa, truyện tranh… Đối với mỗi loại, chị đều xếp đặt cẩn thận, khoa học, chia theo từng mảng, ghi biển cho từng giá sách khác nhau. Theo chị Thủy, những năm 2007, 2008 là thời kỳ “thịnh vượng” nhất của nghề bán sách cũ. Khi đó cửa hàng nhà chị có đến hàng vạn đầu sách, số lượng sách không được tính bằng cuốn mà bằng… tạ, tấn. Những năm này, cửa hàng lúc nào cũng tấp nập khách ra vào hỏi mua, thuê sách để đọc. “Mặc dù giờ mở cửa là 7 giờ 30 sáng và đóng cửa là 21 giờ 30 nhưng thường khách đều đến sớm và ra về muộn hơn giờ quy định. Khách hàng vào nhiều đến nỗi tôi phải phân chia công việc để quản lý với sự hỗ trợ của người thân trong gia đình. Toàn bộ tầng 2 của nhà khi đó như một “thư viện” thu nhỏ, rất nhiều khách sau khi mua hoặc thuê không chờ được mang sách về mà ngồi đọc ngay tại cửa hàng”, chị Thủy kể. Tình trạng khách “giành” nhau những đầu sách hiếm là không thiếu. Có những đầu sách, chị được khách hỏi mua, thuê nhiều lần. Không chỉ có khách mua, thuê sách ở thành phố, chị còn có lượng khách khá ổn định tại các huyện lân cận như Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc. Chị vẫn còn nhớ một vị khách đặc biệt là một em học sinh ở Ý Yên thường xuyên lên cửa hàng của chị mua và thuê sách đọc. Có những hôm sau giờ học chiều, em vội vã đạp xe lên mua sách rồi về ngay. Vào đại học, thỉnh thoảng nghỉ hè em vẫn ghé lại hiệu sách của chị hỏi mua những cuốn tiểu thuyết văn học cũ kỹ. Từ năm 2009, thị trường sách cũ bão hòa rồi chậm hẳn. Thời điểm hiện tại, hầu như chị Thủy còn rất ít khách. Khách đến thuê sách đã ít, khách đến tìm mua sách cũ thậm chí còn ít hơn. Hiện tiệm sách của chị chỉ còn khoảng chục khách thân thiết. Và mặc dù số sách cũ đang được chị thanh lý với giá “rất bèo” nhưng vẫn không có nhiều khách mặn mà. Với số tiểu thuyết Văn học còn lại, chị Thủy rao bán giảm giá 60-70%, các loại sách khoa học cũng có giá giảm tương tự. Đối với thể loại truyện tranh, một vài bộ “hot” chị giảm 50%, những bộ truyện có ít người đọc hơn, chị bán với giá 2.000-3.000 đồng/cuốn. Gặp khách hàng mua số lượng lớn, chị thậm chí giảm hẳn 80-90% so với giá bìa. “Năm 2014, do quá “ế ẩm” và cũng muốn thanh lý hết số sách cũ, tôi đã bán 3 tấn sách với giá 5 triệu đồng”, chị Thủy cho biết thêm.

Đường Lê Hồng Phong vốn từng được mệnh danh là “phố sách cũ” của người dân Thành Nam. Đã có thời, có hàng chục hiệu sách nằm san sát nhau tại dãy phố này. Từ sáng đến tối, lúc nào cũng thấy các cửa hàng sách tấp nập người ra vào. Buôn bán sách, cho thuê sách đã trở thành “kế sinh nhai” của nhiều gia đình, thế hệ. Nhưng, đó chỉ là câu chuyện của gần 20 năm về trước, khi sách cũ còn được ưa chuộng. “Gia đình tôi làm nghề bán sách cũ tính ra cũng đã trên 18 năm. Bố mẹ chồng rồi vợ chồng tôi đều gắn bó với nghề. Thời “hoàng kim” dọc con phố này lúc nào cũng nhộn nhịp người đến tìm mua sách, thuê sách. Nhiều khách ở dưới huyện cũng tìm đến mua. Ấy vậy mà bây giờ ế ẩm quá, thi thoảng lắm mới có người vào hỏi mua một hai cuốn”, một chủ hiệu sách cũ trên đường Lê Hồng Phong chia sẻ. Lý do nghề bán sách “ế ẩm” được chính những người bán lý giải: các cửa hàng sách cũ chủ yếu bán báo, truyện và sách giáo khoa đã qua sử dụng. Truyện và báo thì giờ đầy rẫy trên mạng. Sách giáo khoa thì thay đổi liên tục, học sinh tiểu học thường làm trực tiếp vào sách nên không tái sử dụng được. Hơn nữa, với mức sống ngày càng cao của xã hội, hầu như gia đình nào cũng sắm sách vở mới cho con nên sách cũ ngày càng mất dần chỗ đứng. Ngoài ra, do giới trẻ bây giờ ít dành thời gian và thói quen đọc sách hơn trước. Ngoài thời gian học ở trường, học sinh còn phải đi học thêm, thời gian làm bài trên lớp không có, lấy đâu ra thời gian đọc sách hay đọc truyện… Để tiếp tục mưu sinh với nghề, nhiều chủ cửa hàng sách cũ phải tìm cách buôn bán thêm. Chị Thủy bây giờ vừa bán sách vừa bán đồ tạp hóa. Khi rảnh rỗi, chị lên mạng giới thiệu những cuốn sách cũ còn tồn kho. Nhờ đăng lên mạng, chị cũng bán được một lượng kha khá sách còn tồn đọng.

Ngày nay sự ra đời và bùng nổ của các thiết bị kết nối internet như điện thoại, máy tính hay sách điện tử khiến độc giả không phải đi đâu xa, chỉ cần ở nhà “nhấp chuột” là có thể dễ dàng tìm kiếm các loại sách mình cần. Vì vậy, nhu cầu mua sách cũ đang bị giảm đi đáng kể. Người mua sách thưa vắng càng làm cho nghề bán sách cũ khó khăn. Tuy nhiên, một vài chủ cửa hàng sách cũ vẫn luôn gắn bó với nghề bằng niềm đam mê, yêu thích, trân trọng đối với sách, với tri thức. Mỗi ngày tranh thủ lúc không có khách, chị Thủy lại lôi những cuốn sách văn học yêu thích ra đọc, phủi bụi rồi lau chùi cẩn thận. Có những cuốn chị đọc đi đọc lại vài lần, nhớ đến nỗi thuộc cả lời văn. Đặc biệt trong “gia tài” sách của cửa hàng, chị còn giữ được một số bộ sách hiếm như “Chiến thắng trò chơi cuộc sống” của tác giả Adam Khoo. “Ông cố vấn, hồ sơ một điệp viên” của tác giả Hữu Mai… Nhiều vị khách đến cửa hàng sẵn sàng trả giá cao cho các cuốn sách này nhưng nhất định chị không bán. Bởi với chị “bán rồi sẽ không bao giờ mua lại được. Với tôi, sách cũ nhưng tri thức thì không bao giờ cũ, mỗi lần đọc, tôi lại phát hiện ra những điều mới mẻ, thú vị trong sách. Cái “được” nhất của bao năm làm nghề bán sách cũ có thể là ở đó. Dù ít khách nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì cửa hàng như một nơi để tôi và cả gia đình có không gian đọc, thưởng thức và suy ngẫm”, chị Thủy quả quyết./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com