Tháng 7 tri ân!

07:07, 26/07/2019

Những ngày này, các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" chăm sóc người có công đã trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Đây là nét văn hoá cao đẹp, giàu truyền thống nhân văn trong đời sống của dân tộc từ xa xưa đến nay.

Đoàn đại biểu của tỉnh thắp hương các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.
Đoàn đại biểu của tỉnh thắp hương các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.

"Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"

Hướng tới Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), Đoàn đại biểu của tỉnh đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang). Đây là nơi an nghỉ của hơn 1.700 liệt sĩ thuộc 32 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có 44 liệt sĩ là người con quê hương Nam Định. Trong niềm xúc động, mỗi chúng tôi như càng thấu cảm những vần thơ trong tác phẩm "Hai ngàn tay súng chốt trên đồi này" của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã khắc họa phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc: "Các anh nằm lại Vị Xuyên/ Hai ngàn liệt sĩ ở trên đồi này/ Nén hương đầu gió khói lay/ Khói hương chia khắp bia này mộ kia/ Âm dương hai ngả cách chia/ Hai ngàn tay súng đi về tận đâu/ Mẹ ơi! Đất nước thương đau/ Chúng con nằm lại núi sâu rừng già/ Hai ngàn trái tim xót xa/ Hai ngàn câu hát tình ca tắt rồi/ Hai ngàn nỗi nhớ mồ côi/ Hai ngàn ngọn lửa quên đời trong đêm/ Các anh nằm lại Vị Xuyên/ Hai ngàn tay súng chốt trên đồi này/ Các anh vẫn mãi còn đây/ Đội hình đánh giặc bao ngày không quên/ Thưa mẹ, sớm nay bình yên/ Hai ngàn gương mặt hồn nhiên hiện về".

Vượt qua những cung đường chênh vênh, Đoàn đại biểu của tỉnh đến Đài hương điểm cao 468; từ Nhà tưởng niệm có thể nhìn thấy các điểm cao 1509, 772, 685... thuộc xã biên giới Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên... Nơi đây đã diễn ra các trận chiến đấu vô cùng ác liệt. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc của quân và dân ta kéo dài 10 năm (1979-1989), với nhiều sư đoàn tham gia như: Sư đoàn 313, Sư đoàn 316, Sư đoàn 356, Sư đoàn 322, 314... các Trung đoàn, lữ đoàn độc lập... Tại điểm cao 772, 685, 1509 bộ đội ta đã tiến công, phòng ngự đánh hàng trăm trận, tiêu diệt rất nhiều sinh lực, vũ khí, trang thiết bị của quân xâm lược.

Thắp nén hương trên Đài hương 468, đồng chí Đặng Xuân Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy là người từng tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên xúc động kể: “Vị Xuyên là một trong những Mặt trận ác liệt nhất trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Cũng ở Mặt trận này đã tạo nên những địa danh huyền thoại như “thác âm phủ”, “suối gọi hồn”, “cửa tử Vị Xuyên”… Nhưng chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên vẫn kiên cường bám trụ, nhiều đồng chí bị thương nhưng kiên quyết không rời trận địa, xin được băng bó để tiếp tục chiến đấu, viết lên thành chiến hào lời nguyền quyết tâm đấu tranh đến cùng bảo vệ biên giới Tổ quốc với câu nói nổi tiếng của Anh hùng Nguyễn Viết Ninh "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử"… Mỗi lần về đây chúng tôi rất xúc động. Rất nhiều anh em đồng đội còn nằm ở đây!".

Trong chuyến dâng hương tại Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên, Đoàn đại biểu của tỉnh được cung cấp thông tin về những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trên mặt trận Vị Xuyên. Cuộc chiến bảo vệ biên giới ở tỉnh Hà Giang (trước đây là tỉnh Hà Tuyên) thực tế đã diễn ra trong 10 năm liền (1979-1989). Năm 1979, trận chiến đầu tiên diễn ra ở các điểm cao vùng Lao Chải, Xín Chải và Mèo Vạc. Đến năm 1984, trận chiến ác liệt diễn ra ở điểm cao của huyện Vị Xuyên. Từ ngày 2 đến 27-4-1984, quân địch liên tục bắn pháo sang đất Việt Nam. Có ngày, chúng bắn từ 10 nghìn đến 12 nghìn viên đạn pháo vào các trận địa phòng ngự phía trước của ta. Từ ngày 28 đến 29-4-1984, chúng bắt đầu tiến công chính diện mặt trận Vị Xuyên tại các điểm cao 1509, 772, 685, 400 và điểm cao 233, 266 tại cửa khẩu Thanh Thủy và chiếm các điểm cao này. Bộ đội ta từ những phút đầu tiên đã nổ súng đánh chặn địch quyết liệt. Ngày 12-7-1984, các đơn vị chủ lực của bộ đội ta phản kích quyết liệt nhằm chiếm lại các điểm cao nói trên, nhưng do địa hình phức tạp, nên ta đã hy sinh gần 1.000 chiến sĩ. Từ tháng 10-1984 đến tháng 3-1985, bộ đội ta đã giành lại được nhiều trận địa chốt quan trọng tạo thế xen kẽ giữa ta và địch. Các trận đánh ác liệt nhất ở Vị Xuyên diễn ra trong các năm 1984 và 1985; nhiều đơn vị đã được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 153, Sư đoàn 356), Trung đoàn 567 của Sư đoàn 322 và nhiều cá nhân Anh hùng như: Lê Trần Mã, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356; Anh hùng liệt sĩ Hoàng Hữu Chuyên, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316... Trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới, có nhiều địa danh nổi tiếng của Vị Xuyên, Hà Giang đã đi vào lịch sử như: Đồi Đài, Cô Ích, Hang Lò, Hang Dơi, 685, 772…

Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh ta có hàng triệu người tham gia cách mạng, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước; hàng vạn người đã hy sinh xương máu. Toàn tỉnh có trên 170 nghìn người tham gia kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương; gần 1.600 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trên 41 nghìn thương, bệnh binh; trên 36 nghìn liệt sĩ, hơn 10 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Kế thừa và phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong tỉnh luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác thương binh - liệt sĩ, chăm sóc người có công: giải quyết chế độ chính sách ưu đãi cho các diện đối tượng người có công, nhất là việc xem xét, giải quyết các tồn đọng chính sách sau chiến tranh, các diện đối tượng chính sách mới được sửa đổi, bổ sung; phát động và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia chăm sóc đối tượng chính sách người có công. Công tác chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm được quan tâm; hoạt động đưa, đón hài cốt liệt sĩ, tạo điều kiện cho các gia đình liệt sĩ đi thăm viếng mộ, di chuyển hài cốt liệt sĩ được thực hiện đúng chế độ quy định… Hiện nay, toàn tỉnh có trên 50 nghìn người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng, với tổng kinh phí trợ cấp mỗi năm gần 1.000 tỷ đồng. Cơ bản các diện đối tượng người có công đã được xem xét giải quyết và thụ hưởng chế độ chính sách theo quy định. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp đã nhận được sự tham gia đóng góp của đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh, tạo thêm nguồn lực chăm lo đời sống người có công. Từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.344 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 28 tỷ 700 triệu đồng cho người có công. Ngoài ra, từ các nguồn xã hội hóa đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa hàng trăm nhà cho các gia đình chính sách khó khăn; hơn 100 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hiện còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng thường xuyên, đầy đủ.

Đáp lại sự quan tâm chăm lo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội, các gia đình chính sách người có công đã nêu cao truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu vượt khó vươn lên trong cuộc sống, xây dựng gia đình, đóng góp cho sự nghiệp phát triển quê hương. Năm 1977, xuất ngũ trở về quê hương với thương tật 22%, ông Đinh Trung Bộ, xã Giao An (Giao Thủy) tham gia vào Hợp tác xã vận tải Tiền Phong (sau hợp nhất thành Công ty Vận tải sông biển Xuân Thủy). Năm 2002, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Công ty, đến năm 2006, ông tách riêng ra thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đóng tàu Trung Bộ. Là người đứng đầu Công ty, ông luôn gương mẫu trong mọi công việc, luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp và người lao động lên hàng đầu. Để mở rộng thị trường cũng như nâng cao uy tín của Công ty, ông đã nghiên cứu, tìm nhiều giải pháp sáng kiến thực hành tiết kiệm trong lao động để giảm bớt chi phí, tăng năng suất lao động, trong đó có sáng kiến hoán cải hệ thống làm sạch bề mặt vỏ tàu, cải tiến hệ thống kích từ điện sang thủy lực áp dụng thi công lắp ghép tổng đoạn vào vỏ tàu. Bằng những sáng kiến trên đã giúp công nhân bớt nặng nhọc trong công việc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao năng suất và mức thu nhập cho người lao động. Với hơn 10 năm hoạt động, từ một doanh nghiệp nhỏ với vốn điều lệ 7 tỷ đồng, đến nay Công ty đã có vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Công ty đã trang bị đầy đủ máy móc thi công cơ giới hiện đại, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với mức lương 5-7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2015, Công ty được UBND tỉnh phê duyệt là đơn vị đóng tàu có đủ năng lực thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về việc hỗ trợ ngư dân; trong đó đã đóng mới và bàn giao 10 tàu cá vỏ thép với công suất gần 829 mã lực có thể vươn xa 12 hải lý đáp ứng khai thác dài ngày, nâng cao giá trị sản lượng khai thác hải sản. Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Thanh Ngung, thôn Hoàng Mẫu, xã Yên Lương (Ý Yên) là gương sáng về thương binh làm kinh tế giỏi. Tháng 8-1973, ông Nguyễn Thanh Ngung xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và được biên chế vào Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu V; trực tiếp cầm súng chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong chiến dịch giải phóng Tam Kỳ, ông Nguyễn Thanh Ngung đã anh dũng, tiêu diệt nhiều tên địch, được Sư đoàn tặng 2 Bằng khen về thành tích trong chiến đấu. Xuất ngũ trở về địa phương, là thương binh hạng 4/4, người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc da cam, sức khỏe yếu do di chứng chiến tranh, song ông Nguyễn Thanh Ngung tích cực tham gia công tác tại địa phương. Từ năm 1994, ông đảm nhiệm các cương vị: Xã đội trưởng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã Yên Lương. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quê hương trong sự nghiệp đổi mới. Sau khi nghỉ công tác, với phẩm chất "đời lính, tính lính", ông luôn trăn trở "còn sức, còn cống hiến, lao động", mạnh dạn đấu thầu 5.000m2 đất, đầu tư 450 triệu đồng xây dựng mô hình trang trại VAC; kè 3 ao thả cá truyền thống, khu chăn nuôi gia cầm; chọn và trồng 40 gốc cam Vinh, bưởi Diễn cho thu nhập cao.

Cựu chiến binh, thương binh Đinh Trung Bộ và Nguyễn Thanh Ngung là những gương điển hình trong số hàng nghìn thương binh trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực vượt lên khó khăn, hoàn cảnh để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Họ chính là những tấm gương sáng trong thời chiến cũng như thời bình, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn, nhưng không phế”./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com