Công tác chỉ đạo tuyến có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh ở tuyến cơ sở. Hằng năm, Sở Y tế đều xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ đạo tuyến để triển khai tới các đơn vị khám, chữa bệnh, hệ thống phòng chống dịch bệnh trong tỉnh.
Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, công tác chỉ đạo tuyến được thực hiện tích cực. Từ nhiều năm nay, bệnh viện đã duy trì việc tổ chức kiểm tra các đơn vị tuyến huyện, tuyến xã để kịp thời uốn nắn những sai sót; duy trì tổ chức hội chẩn, sinh hoạt chuyên môn hằng tháng, thông báo kịp thời những sai sót cho tuyến dưới để các hoạt động Chương trình phòng chống lao thực hiện hiệu quả… Năm 2015, bệnh viện đã được bệnh viện tuyến trên hỗ trợ triển khai các kỹ thuật: Chẩn đoán nhanh bệnh lao và lao kháng đa thuốc bằng Gene - Xpert; Kỹ thuật lấy máu động mạch làm xét nghiệm khí máu. Năm 2016, bệnh viện được hỗ trợ triển khai các kỹ thuật: Điều chỉnh thăng bằng kiềm toan; Thở máy không thâm nhập; Đặt nội khí quản; Chống dính màng phổi bằng Streptomycin; Gây dính màng phổi; Nội soi phế quản - màng phổi. Đối với tuyến dưới, bệnh viện tăng cường chuyển giao một số kỹ thuật mới cho các khoa truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa các huyện để thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị bệnh nhân lao và các bệnh phổi khác; đầu tư kinh phí và tăng cường nhân lực thay phiên để hỗ trợ tuyến dưới theo từng quý và theo yêu cầu; tiếp tục triển khai khảo sát nhu cầu của tuyến huyện, cử cán bộ hỗ trợ chuyên môn như đo chức năng hô hấp, đo lưu lượng đỉnh kế, phục hồi chức năng hô hấp, kỹ thuật sử dụng máy khí dung… Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ năm 2012 đến nay đã chuyển giao một số kỹ thuật chẩn đoán, điều trị tai - mũi - họng, kỹ thuật điện tim cho cán bộ, y tế Bệnh viện Đa khoa Mỹ Lộc và trạm trưởng trạm y tế các xã của huyện. Bệnh viện cũng chuyển giao các kỹ thuật về chẩn đoán hình ảnh, các kỹ thuật của chuyên khoa Mắt, nội soi tiêu hóa cho Bệnh viện Đa khoa Thành phố Nam Định…; chuyển giao một số kỹ thuật về kết hợp xương, cẳng, bàn tay cho bệnh viện đa khoa các huyện: Ý Yên, Xuân Trường, Giao Thủy. Ngoài ra, bệnh viện chỉ đạo các chuyên khoa chủ động trong việc sẵn sàng hỗ trợ chi viện chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới kịp thời khi có yêu cầu và cử cán bộ về hỗ trợ hầu hết các bệnh viện tuyến huyện theo chuyên môn yêu cầu và phù hợp. Bệnh viện Tâm thần tỉnh mỗi năm cử 10 đợt cán bộ xuống chuyển giao kỹ thuật tại tuyến cơ sở, trong đó, kỹ thuật được chuyển giao xuống bệnh viện tuyến huyện là kỹ thuật ghi và đọc điện não đồ; kỹ thuật chuyển giao xuống các trung tâm y tế và các trạm y tế xã, thị trấn là kỹ thuật khám, phát hiện và điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng. Từ năm 2010 đến nay, bệnh viện đã cử 50 đợt cán bộ xuống chuyển giao kỹ thuật tại tuyến cơ sở. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh hằng năm đã chuyển giao cho 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện các kỹ thuật như: kỹ thuật laser nội mạch, điện xung điện phân, xoa bóp bấm huyệt, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, kéo dãn cột sống bằng máy… cho tất cả các diện bệnh, đặc biệt là tai biến mạch máu não. Bệnh viện Phụ sản tỉnh cử cán bộ đến hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), Bệnh viện Đa khoa các huyện: Vụ Bản, Mỹ Lộc, Trực Ninh, Thành phố Nam Định. Tại tuyến huyện, trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng” (Dự án triển khai trong vòng 6 năm, từ năm 2013 đến năm 2018), 3 bệnh viện đa khoa huyện thuộc diện Dự án là Xuân Trường, Giao Thủy, Ý Yên đã được nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại 5 nhóm chuyên khoa: ung bướu, tim mạch, sản, nhi và chấn thương. Các cán bộ của 3 bệnh viện trên được cử đi đào tạo chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện tuyến Trung ương thuộc 5 nhóm chuyên khoa trên với các kỹ thuật được chuyển giao, trong đó tập trung vào cấp cứu sản phụ khoa, nhi khoa, điều dưỡng cấp cứu ngoại khoa, phẫu thuật nội soi cơ bản, tim mạch… Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, các bệnh viện tuyến huyện cũng thường xuyên cử cán bộ xuống trạm y tế chuyển giao kỹ thuật. Từ năm 2010 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Lộc đã tổ chức hơn 50 đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật xuống các trạm y tế gồm các kỹ thuật và các chuyên đề tập huấn như: Khâu vá vết thương, cấp cứu điện giật, cấp cứu đuối nước; cách phòng chống dịch bệnh theo mùa, cách phòng chống viêm não Nhật Bản, phòng chống viêm màng não mủ… Bệnh viện Đa khoa Giao Thủy mỗi năm chuyển giao khoảng 7-8 kỹ thuật xuống các trạm y tế, trong đó có nhiều kỹ thuật khó như: Kỹ thuật đặt các loại xông (hậu môn, dạ dày); kỹ thuật đặt kim luồn trong tiêm truyền tĩnh mạch… Thông qua công tác chỉ đạo tuyến, nhiều kỹ thuật được chuyển giao, nhiều lớp đào tạo, tập huấn được mở cho nhiều cán bộ y tế, từ đó góp phần nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh. Mỗi năm, có khoảng trên 40 kỹ thuật của tuyến tỉnh được chuyển giao xuống tuyến cơ sở với khoảng 100 lượt cán bộ tuyến huyện và tuyến xã, phường được tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao. Qua đó, các cán bộ được tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao ứng dụng vào thực tế, góp phần đắc lực vào công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh ở tuyến cơ sở.
|
Xét nghiệm đếm tế bào CD4 tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. |
Ở khối dự phòng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thường xuyên thực hiện công tác đào tạo cán bộ tuyến trước theo Thông tư 22/2013/TT-BYT của Bộ Y tế. Qua đó để cán bộ làm công tác y tế dự phòng các tuyến cập nhật kịp thời các kiến thức mới để phòng, chống và ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn... Tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, công tác chỉ đạo tuyến được tiến hành thông qua việc tổ chức triển khai tới các trạm y tế các nội dung: Khám, chữa bệnh, hướng dẫn sơ cấp cứu, sử dụng các trang thiết bị, hướng dẫn các phác đồ điều trị phòng chống dịch, nghiên cứu khoa học...; sẵn sàng ứng cứu hỗ trợ tuyến dưới khi trên địa bàn có thảm hoạ; cùng với tuyến dưới hướng về cộng đồng thực hiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia phòng chống dịch bệnh và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Ngoài ra, các Trung tâm y tế huyện cũng duy trì thường xuyên lịch giao ban chuyên trách các chương trình y tế của các xã, phường, thị trấn và các phòng ban liên quan để đánh giá tình hình thực hiện các chương trình y tế và toàn bộ công tác y tế tuyến cơ sở hằng tháng và triển khai kế hoạch công tác tháng tới. Các Trung tâm y tế huyện cũng thường xuyên cử cán bộ tham gia đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khám, điều trị; đôn đốc các trạm y tế từng bước củng cố, hoàn thiện việc xây dựng Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020; thực hiện phân công bác sĩ tăng cường hỗ trợ chỉ đạo tuyến cho các trạm y tế chưa có bác sĩ nhằm giúp cho cán bộ, nhân viên trạm y tế nâng cao năng lực chuyên môn trong khám, chữa bệnh, nắm bắt được các kỹ thuật chuyên môn trong việc vận hành, sử dụng các trang thiết bị hiện có, góp phần giảm tải công tác khám, chữa bệnh cho tuyến trên. Các Trung tâm y tế huyện, thành phố cũng phối hợp với các bệnh viện cùng tuyến duy trì công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về kiến thức tự phòng bệnh cho bệnh nhân cũng như việc chấp hành các nội quy, quy chế bệnh viện qua các buổi họp hội đồng người bệnh tại bệnh viện, tuyên truyền định kỳ trong bệnh viện theo từng tình hình bệnh tật tại bệnh viện cũng như tình hình dịch bệnh đã và đang xảy ra để bệnh nhân và người nhà người bệnh kịp thời nắm bắt và biết cách phòng tránh.
Công tác chỉ đạo tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh đã phát huy hiệu quả thiết thực như: tăng số lượng bệnh nhân điều trị và cải thiện tay nghề cán bộ tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện; giải quyết được nhiều trường hợp bệnh khó, giúp các bệnh viện hoàn thiện nhiều quy trình chẩn đoán điều trị; triển khai được nhiều kỹ thuật mới… Hằng năm, tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên giảm khoảng 25% tại các bệnh viện tuyến huyện. Việc tăng cường chỉ đạo tuyến đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận được các kỹ thuật y học tiên tiến, thiết lập sự công bằng trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đây cũng là cơ hội cho các bệnh viện tuyến dưới lẫn tuyến trên tự hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ở tuyến y tế dự phòng, công tác chỉ đạo tuyến đã góp phần giám sát phát hiện sớm và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm thường lưu hành trên địa bàn như: Tay chân miệng, sốt phát ban nghi sởi, liên cầu lợn, tả, sốt xuất huyết, cúm A… và một số bệnh dịch mới nguy hiểm mới xuất hiện trên thế giới (Ebolla, MERS-CoV...)./.
Bài và ảnh:
Minh Thuận