Quy hoạch giao thông đường thủy nội địa

09:02, 24/02/2016
Vận tải thủy nội địa là một trong 5 phương thức vận tải quan trọng ở nước ta nhờ khả năng trung chuyển khối lượng hàng hóa, hành khách lớn và tạo ra hàng triệu việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đường thủy của tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập như: các tuyến giao thông không đồng cấp, khả năng kết nối liên hoàn với giao thông đường thủy vùng và toàn quốc chưa cao; hiện tượng khai thác cát, sỏi dưới lòng sông không theo quy hoạch hay sai quy trình công nghệ tác động tiêu cực đến luồng tuyến; hệ thống báo hiệu còn thiếu; hoạt động xếp dỡ hàng hoá và quản lý cảng, bến thuỷ nội địa vẫn còn nhiều bất cập; lực lượng phương tiện phát triển không đồng đều...
Vận tải hàng hóa trên sông Đào.
Vận tải hàng hóa trên sông Đào.
Nhằm tạo điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa  (ĐTNĐ) đồng bộ, kết nối với giao thông vùng và cả nước những năm gần đây tỉnh đã chú trọng thu hút nguồn vốn, đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy. Tiêu biểu trong năm 2015, tỉnh đã đưa vào khai thác cụm công trình cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang. Đây là cụm công trình đường thủy lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ của Dự án WB6. Từ khi đưa vào sử dụng công trình đã góp phần thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Hồng và kết nối giao thông thủy nội địa khu vực với cả nước thông qua hình thức vận tải pha sông biển, giúp cho các tàu pha sông biển có trọng tải 1.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Hồng và 2.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ và cảng Ninh Phúc (Ninh Bình). Cửa Lạch Giang đã tạo điểm nhấn trong hạ tầng giao thông ĐTNĐ của tỉnh và đang tạo sự chuyển dịch nhanh, mạnh trong cơ cấu vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy. Ngày 31-12-2015, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT ĐTNĐ tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, hệ thống ĐTNĐ trên địa bàn có 5 tuyến do Trung ương quản lý gồm: tuyến Hà Nội - Lạch Giang bắt đầu từ cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ) theo sông Ninh Cơ đến ngã ba Mom Rô theo sông Hồng đến cảng Hà Nội, tổng chiều dài tuyến khoảng 196km. Tuyến vận tải Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình nằm trên tuyến vận tải Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình qua sông Đào (Hải Phòng), sông Luộc (Thái Bình), qua sông Hồng, sông Đào, sông Đáy trên địa phận tỉnh Nam Định tới cụm cảng Ninh Phúc (Ninh Bình) có chiều dài 281,5km. Tuyến cửa Đáy - cảng Ninh Phúc (Ninh Bình) dài 72km. Tuyến Ba Lạt - Hà Nội (theo sông Hồng): Cải tạo cửa Ba Lạt, nạo vét, chỉnh trị tuyến sông Hồng đoạn từ cửa Ba Lạt đến Mom Rô. Kênh Quần Liêu và kênh nối sông Đáy - sông Ninh Cơ: Kênh Quần Liêu hiện trạng dài 3,5km và đoạn kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ dài khoảng lkm hiện đang xây dựng (dự án WB6). Kênh Quần Liêu duy trì cấp II, kênh nối sông Đáy - sông Ninh Cơ quy hoạch cấp đặc biệt. Các tuyến này được quy hoạch đến năm 2020 và sau đó đáp ứng cho tàu từ 1.000-3.000 tấn hoạt động, một số đoạn được quy hoạch cấp đặc biệt. Trong các tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý, theo quy hoạch, tỉnh sẽ cải tạo, nâng cấp một số tuyến địa phương đạt cấp IV-III ĐTNĐ cho các tàu có trọng tải từ 50-100 tấn đi lại, gồm: 11km tuyến sông Chanh, từ xã Đại An (Vụ Bản) đến xã Yên Phúc (Ý Yên), bảo đảm sau năm 2020 đạt tiêu chuẩn ĐTNĐ cấp IV. Cải tạo, nâng cấp 11km sông Mỹ Đô từ xã Yên Tân đến xã Yên Phương (Ý Yên), bảo đảm sau năm 2020 đạt tiêu chuẩn ĐTNĐ cấp III. Cải tạo, nâng cấp 26,5km sông Múc từ xã Hải Trung đến xã Hải Châu (Hải Hậu) bảo đảm đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn ĐTNĐ cấp III. Cải tạo, nâng cấp 22,7km sông Sò từ Thị trấn Ngô Đồng đến cửa Hà Lạn (qua địa bàn các huyện Giao Thuỷ, Xuân Trường và huyện Hải Hậu bảo đảm quy hoạch đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn ĐTNĐ cấp III. Tại các tuyến sông nhỏ, duy trì khai thác 10 tuyến theo hiện trạng, nạo vét, chỉnh trị luồng lạch đảm bảo cho tàu có trọng tải đến 50 tấn, bao gồm: sông Sắt, sông Châu Thành, sông Rõng, sông Quýt, sông Vô Tình, sông Cồn Giữa, sông Cồn Năm, sông Cồn Nhất, sông Mả, sông Ninh Mỹ. Các sông khác, duy trì cấp sông hiện tại, cải tạo cho các phương tiện chở hàng có trọng tải đến 10 tấn. Xây dựng cảng sông mới trên sông Hồng thuộc địa phận xã Điền Xá (Nam Trực) đạt quy mô cảng sông tổng hợp, bảo đảm đến năm 2020 tàu 1.000 tấn ra vào, đến năm 2030 đạt công suất bốc xếp hàng hóa 800 nghìn tấn/năm. Xây mới cảng trên sông Hồng thuộc địa phận Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) là cảng bốc xếp hàng hóa tổng hợp. Xây mới cảng hàng hóa Rạng Đông tại vị trí từ Km2+300 đến Km4+100 thuộc địa phận xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) phục vụ KCN Dệt may Rạng Đông và Khu kinh tế Ninh Cơ. Từ nay đến năm 2020 phục vụ xây dựng và bốc xếp hàng hóa của KCN, bảo đảm sau năm 2020 nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng cho tàu trên 1.000 tấn ra vào. Ngoài ra, tỉnh còn nâng cấp một số bến thủy đủ điều kiện lên cảng để phục vụ nhu cầu trung chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, bảo đảm đến năm 2020 và sau năm 2020 đáp ứng cho cỡ tàu phù hợp với cấp ĐTNĐ quy hoạch. Cải tạo, nâng cấp cảng Nam Định cũ trên sông Đào (TP Nam Định) thành cảng hành khách, du lịch phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh và khu vực. Xây mới 1 cảng hành khách trên sông Hồng tại khu vực xã Giao Thiện (Giao Thủy) phục vụ hành khách đáp ứng yêu cầu tuyến du lịch sinh thái ven biển, rừng ngập mặn Giao Thủy... Xây mới Cảng Nhà máy Nhiệt điện trong đoạn từ Km16+300 đến Km17+350 (bờ trái) sông Ninh Cơ, thuộc địa phận xã Hải Ninh và Hải Châu (Hải Hậu), bảo đảm từ năm 2020 trở đi tàu tải trọng đến 1.000 tấn trở lên ra vào. Duy trì hoạt động 3 cảng xăng dầu trên sông Đào, gồm: 1 cảng tại xã Tân Thành (Vụ Bản), 1 cảng tại phường Năng Tĩnh (TP Nam Định) và 1 cảng tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) bảo đảm đến năm 2020. Sau năm 2020 điều chỉnh theo quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đã được phê duyệt. Cải tạo, nâng cấp 4 bến thủy nội địa lên cảng phục vụ nhu cầu sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, gồm: Cảng đóng tàu Nam Hà, Cảng đóng tàu sông Đào, 1 cảng sông Đào khu vực Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) và 1 cảng sông Ninh Cơ khu vực Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phương tiện vượt sông cho các bến phà: Đống Cao, Thịnh Long, Sa Cao, Cồn Nhất, Thanh Đại và đầu tư xây dựng phà Đại Nội vượt sông Ninh Cơ trên tỉnh lộ 488 nối 2 xã Trực Đại - Trực Nội (Trực Ninh). Nâng cấp các bến đò có lưu lượng hành khách lớn và có khả năng cải tạo cơ sở hạ tầng, phương tiện vượt sông lên bến phà gồm: Cát, Cổ Lễ 1, Nam Thanh (sông Hồng); Nghĩa Hải, Ngọc Lâm, Quỹ Nhất, Đò Mười, Tam Toà (sông Đáy); Gót Tràng, Giáp Năm, Ninh Mỹ, Đò Huyện, Cựa Gà (sông Ninh Cơ). Trong hệ thống các bến, cụm bến thuỷ nội địa khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa tại những vị trí đảm bảo về quỹ đất, hành lang an toàn công trình cầu, cống, hành lang đê điều và bảo vệ môi trường phục vụ nhu cầu tập kết, bốc xếp, trung chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng..., đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy. Đối với các bến không đủ điều kiện theo quy định, vi phạm các quy định của pháp luật thì không cấp mới hoặc không cấp lại giấy phép, giao cho UBND các huyện và thành phố đình chỉ hoạt động. Xây mới các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, gồm: khu vực cửa sông Ninh Cơ (Nghĩa Hưng, Hải Hậu), khu vực cửa Hà Lạn trên sông Sò (Giao Thủy), khu vực xã Yên Quang trên sông Đáy (Ý Yên). Đối với hệ thống các điểm đấu nối giao thông đường thủy của trạm tiếp nhiên liệu phương tiện thủy quy hoạch một số trạm tiếp nhiên liệu trên sông phục vụ phương tiện lưu thông trên các tuyến sông do Trung ương quản lý theo Luật ĐTNĐ, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường...
 
Để bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện quy hoạch, ngoài nguồn vốn ngân sách, tỉnh sẽ tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi của nước ngoài, nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế kết hợp các chương trình nạo vét, tiêu thoát lũ của ngành nông nghiệp, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đồng thời, đầu tư một số bến cảng quan trọng, cho đấu thầu khai thác, kinh phí thu được sử dụng cho phát triển mới và bảo trì. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cảng, bến thuỷ, bến phà theo quy định. Đặc biệt, để phát triển mạnh dịch vụ vận tải trên hạ tầng giao thông đường thủy đã quy hoạch đồng bộ, tỉnh tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đóng tàu vận chuyển hàng có trọng tải lớn; tăng cường mối liên kết giữa các loại hình vận tải khác với vận tải ĐTNĐ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình vận tải, tham gia kinh doanh vận tải, dịch vụ vận tải; phát triển vận tải container, đa phương thức ĐTNĐ và ven biển. Phát triển kinh tế, tạo nguồn hàng cho vận tải ĐTNĐ, khuyến khích đầu tư trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa có khối lượng lớn, hàng container tại các cảng thủy nội địa; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao nhận kho vận và xã hội hóa hoạt động dịch vụ logistics. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo cấp giấy chứng nhận chuyên môn bằng thuyền trưởng, máy trưởng; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong giao thông ĐTNĐ. Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, chuyên viên, công nhân viên chức quản lý về ĐTNĐ trong cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị quản lý./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com