Vì sao học sinh chưa mặn mà với thư viện trường học?

03:02, 22/02/2016

Những năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh đã quan tâm đầu tư cho hệ thống thư viện trong các nhà trường nhằm góp phần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên và học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Tuy nhiên đến nay, nhiều thư viện trường học chưa thực sự phát huy hiệu quả khi chưa thu hút được đông học sinh thường xuyên đến tìm đọc.

Học sinh Trường THCS Giao Xuân (Giao Thủy) trong một buổi sinh hoạt giới thiệu sách tại trường.
Học sinh Trường THCS Giao Xuân (Giao Thủy) trong một buổi sinh hoạt giới thiệu sách tại trường.

Toàn tỉnh hiện có hàng trăm thư viện trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó riêng ở bậc tiểu học có trên 280 thư viện đạt chuẩn. Hằng năm, Sở GD và ĐT cung ứng các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, các loại tạp chí… cho các thư viện nhà trường. Bên cạnh đó, các trường học cũng tích cực đầu tư, cập nhật, bổ sung thêm nhiều tài liệu, sách báo chuyên ngành để trở thành công cụ học tập của thầy và trò, phục vụ nhu cầu mượn và đọc sách của giáo viên và học sinh của trường. Nhiều trường còn huy động được nguồn kinh phí từ địa phương và xã hội xây dựng được thư viện khang trang với hàng nghìn đầu sách, báo, tạp chí và các tài liệu nâng cao phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Một số trường còn có thư viện điện tử nối mạng giữa các tổ, phòng chuyên môn thường xuyên cập nhật thông tin, trở thành địa chỉ cần thiết và thân thuộc của giáo viên và học sinh. Các trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong, A Hải Hậu đã đầu tư xây dựng hệ thống thư viện và thư viện điện tử, có cán bộ thư viện chuyên trách nên đã phát huy hết công suất hoạt động phục vụ giáo viên và học sinh. Nhiều học sinh, ngoài những kiến thức tiếp thu được từ bài giảng của thầy, cô giáo, đã lấy thư viện nhà trường là nơi tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo trong học tập và từ những nỗ lực của bản thân đã trở thành những học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Bên cạnh đó, thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực”, các nhà trường đã quan tâm xây dựng thư viện. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều thư viện trường học chưa tạo được lực hút mạnh mẽ đối với cả giáo viên và học sinh. Em Trần Thanh Mai, học sinh lớp 6 (TP Nam Định) cho biết: “Mặc dù trường có thư viện nhưng em cũng như nhiều bạn khác chưa một lần vào mượn sách vì lịch học trên lớp, học thêm đã chiếm hết thời gian trong tuần. Em Nguyễn Văn Tiến, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc) tâm sự: “Em ít khi vào thư viện trường tham khảo sách cũng như tài liệu phục vụ cho việc học tập, bởi thư viện nhà trường ít tài liệu và hầu như không được cập nhật. Vì vậy, khi cần sách em đều đi tìm mua hoặc mượn của bạn bè hoặc tra cứu trên mạng internet…”. Với nhiều học sinh, nhất là học sinh tiểu học, THCS ở nông thôn, việc có được những cuốn sách hay, những quyển truyện bổ ích là điều các em mong muốn nhưng không phải em nào cũng có điều kiện để đọc. Nhiều thư viện trường học cũng có được lượng sách nhất định cho các em nhưng với diện tích dành cho thư viện nhỏ, thời gian dành cho việc vào thư viện đọc sách chủ yếu là giờ ra chơi, các giờ ngoại khóa và không phải lúc nào thư viện cũng mở cửa. Ở một số trường có không gian thư viện rộng, có nhiều đầu sách tham khảo, nhưng nhiều em muốn đến thư viện mượn sách thì lại “ngại” các thủ tục, muốn mượn sách nhiều khi phải đợi chờ nhau, mất trật tự khiến người thủ thư không bằng lòng… Mặt khác, học sinh hiện nay không mặn mà với thư viện trường học bởi văn hóa đọc cũng như nhu cầu đọc của các em rất hạn chế. Một nguyên nhân khiến thư viện không thu hút được nhiều giáo viên, học sinh là do sự hạn chế chỉ tiêu biên chế, nhiều trường bố trí giáo viên, nhân viên văn phòng kiêm nhiệm, nên chất lượng hoạt động thư viện không cao.

Đọc sách không chỉ trau dồi kiến thức khoa học, xã hội mà còn rèn luyện kỹ năng, nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ cho học sinh. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực xây dựng thư viện đạt chuẩn, bổ sung nguồn sách, các nhà trường cần xây dựng văn hóa đọc cho học sinh thông qua các hoạt động: tổ chức các cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách hoặc tổ chức cho học sinh tham quan thư viện và giới thiệu các loại sách, tài liệu tới các em… Chỉ khi nào các em say mê đọc, chủ động tìm đến sách thì mới phát huy được hiệu quả thực tế của thư viện trường học./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com