Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động nông thôn

08:02, 16/02/2016

Là tỉnh nông nghiệp, tỉnh ta có trên 80% lao động thuộc khu vực nông thôn, mà phần lớn là nông dân chưa qua đào tạo nghề. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Giờ thực hành của học sinh lớp chế biến món ăn, Trường Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Nam Định.
Giờ thực hành của học sinh lớp chế biến món ăn, Trường Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Nam Định.

Hằng năm, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động. Năm 2015, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo nghề ở 3 cấp trình độ cho 30.700 người, trong đó đào tạo nghề cho 8.500 lao động nông thôn; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% tổng số lao động. Để thực hiện các mục tiêu này, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nội dung và mục tiêu của Đề án 1956. Riêng năm 2015, Sở LĐ-TB và XH đã in ấn, phát hành 48.100 tờ rơi tuyên truyền về một số điểm mới trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó nâng cao nhận thức của người lao động về công tác đào tạo nghề, chủ động đăng ký tham gia học nghề. Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề, các địa phương đều tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp, đăng ký học nghề. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác dạy nghề cho người lao động. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 38 cơ sở dạy nghề công lập gồm: 4 trường Cao đẳng nghề, 6 trường Trung cấp nghề, 14 Trung tâm dạy nghề và 14 cơ sở tham gia dạy nghề, với quy mô đào tạo đạt 30.200 người/năm, đào tạo ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Hằng năm, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với Tổng cục Dạy nghề, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định tổ chức cho hàng trăm giáo viên tham gia học nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng dạy nghề. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề thường xuyên tổ chức các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên; đổi mới chương trình, giáo trình giảng dạy nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng, đa dạng hóa các hình thức đào tạo phù hợp với đặc thù của lao động nông thôn; tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô đào tạo. Các huyện, thành phố đã triển khai công tác dạy nghề theo đúng tiến độ, đạt chất lượng; thực hiện theo đúng Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn của Bộ LĐ-TB và XH. Trong năm 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 33.165 người, đạt 108% kế hoạch năm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 40,8%, tăng 0,8% so với chỉ tiêu đề ra (40%). Trong đó, đào tạo nghề trình độ cao đẳng cho 1.820 người; trung cấp nghề cho 4.474 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho 26.871 người. Riêng dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, toàn tỉnh đã mở 192 lớp với 5.778 người tham gia; dạy nghề cho 260 người tàn tật. Trong đó lao động học nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 73%, còn lại là học nghề nông nghiệp, với 59 nghề đào tạo, chủ yếu là các nghề: chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, sản xuất và chế biến nấm, trồng trọt, may công nghiệp… Cùng với đào tạo nghề, các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các lớp học nghề thực hiện nghiêm túc theo quy định. Ban Chỉ đạo Đề án 1956 của tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức giám sát tình hình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2015 tại 10 huyện, thành phố; kiểm tra, giám sát 96 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn và các lớp dạy nghề cho người khuyết tật. Qua kiểm tra, giám sát, các cơ sở dạy nghề, các địa phương đều nghiêm túc thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác dạy nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực nên đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực dạy nghề. Do đó số lượng thanh niên, học sinh, người lao động có nguyện vọng, nhu cầu học nghề ngày càng tăng. Các cơ sở dạy nghề đã năng động, sáng tạo trong công tác tuyển sinh; chủ động trong việc biên soạn, chỉnh sửa lại chương trình, giáo trình để đáp ứng nhu cầu của người học nghề và yêu cầu của doanh nghiệp. Các lao động sau khi hoàn thành khóa học đều nắm được kiến thức kỹ năng nghề cơ bản, có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Chính quyền địa phương và các cơ sở dạy nghề đã chủ động phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề. Vì vậy, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt trên 85%, trong đó trên 75% có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Người học nghề có việc làm chiếm tỷ lệ cao là các nghề: dệt - may, cơ khí chế tạo và nhóm nghề nông nghiệp. Cùng với việc thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các huyện, thành phố đều quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp như hỗ trợ người lao động học nghề, quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.

Với các giải pháp đồng bộ, những năm qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh ta đã góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện sự nghiệp xây dựng NTM. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 37,5% (năm 2013) lên 40,8% hiện nay. Đây là nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động của các đơn vị, doanh nghiệp và là một trong những yếu tố quan trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong tỉnh./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com