Độc đáo các trò chơi dân gian đầu xuân

09:02, 15/02/2016
Đất Thiên Trường từ xa xưa đã được biết đến là nơi có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Vì thế, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, các làng quê trong tỉnh lại thi nhau mở hội. Trong phần hội, có các trò chơi dân gian. Trải qua thời gian, một số trò chơi còn giữ được, một số đã bị mai một đi. Nếu như những người cao tuổi dễ dàng bị cuốn hút vào các trò như: tổ tôm, cờ người, cờ thế, cờ bôi, thi thơ thì lớp trẻ lại bị hấp dẫn bởi các cuộc thi tài bắt trạch trong chum, kéo co, bơi chải, chơi đu… Các bà, các chị thì trổ tài thổi cơm thi, nấu cỗ, dệt vải… tạo thành một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất sôi nổi, gắn kết.
Bơi chải đầu Xuân tại xã Phương Định (Trực Ninh).
Bơi chải đầu Xuân tại xã Phương Định (Trực Ninh).
Trong hàng trăm lễ hội được tổ chức ở tỉnh ta hằng năm thì có khoảng 50% lễ hội được tổ chức vào mùa xuân từ tháng Giêng đến tháng Ba. Trong đó, các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên, Hải Hậu là nơi tập trung nhiều lễ hội nhất. Gần đây, trong lễ hội nhiều nơi đã khôi phục được những trò chơi dân gian độc đáo mang nét riêng của làng, của vùng mà thời gian trước có xu hướng mai một. Có thể kể đến trò bắt trạch trong chum, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy tại lễ hội Đình Đá, xã Yên Cường (Ý Yên); bắt trạch trong chum tại lễ hội đình Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên); bơi chải trên sông Đáy tại lễ hội Đình Ngọc Chấn, xã Yên Trị (Ý Yên); vật dân tộc trong lễ hội Chùa Hà Lạn, xã Hải Phúc (Hải Hậu); múa rồng, chọi gà trong lễ hội Đền Phạm Văn Nghị, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng). Đến với lễ hội Chùa Bi (Nam Giang), người xem có dịp chứng kiến trò chơi cướp đầu mó, chơi cờ người. Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) có trò bơi chải. Không khí đua tài náo nhiệt của các trò chơi dân gian trong lễ hội đầu năm còn diễn ra ở khắp các vùng khác trong tỉnh như thi lấy nước, kéo lửa làm bánh, thi thổi cơm, kéo co tại lễ hội Đền Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), cờ đèn dưới nước trong Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức vào đầu tháng 3 (âm lịch) hằng năm; múa gậy tại lễ hội Đền Vọng Cổ, xã Đại An (Vụ Bản). Đặc biệt, tại làng Gạo, xã Thành Lợi (Vụ Bản) có gần 20 trò chơi dân gian mang đậm sắc thái địa phương như tam cúc điếm, thi dệt vải, đua thuyền chở lương, bắt vịt, múa rồng mây, thi thả thơ, đánh cờ đèn dưới nước… Các trò chơi đều được tổ chức trên nền hình thức hát trống quân, đối đáp nhau về các sản vật chỉ có ở làng Gạo. Hội chọn vật lễ với các trò chơi chọn lễ vật cũng là một trong những nét độc đáo tại các lễ hội mùa xuân ở tỉnh ta. Tiêu biểu là hội “Trư kiên bảo” (hội chọn lợn), “Kê kiên bảo” (hội chọn gà) và hội chọn cá trong các lễ hội làng Thượng Linh, Côi Sơn, Quả Linh (Vụ Bản), Hữu Dụng, Làng Mụa (Ý Yên) và một số lễ hội làng ở các huyện Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc… Ở một số lễ hội làng trong tỉnh còn có những trò chơi diễn lại những sự tích gắn với nguồn gốc tên làng xa xưa, hoặc gắn với những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc như lễ hội làng An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực) diễn tích trò ăn lá; lễ hội Trần Quang Khải, thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) có tục yểm lá nhãn ăn thề, trò “thuyền chài đuổi bắt Tàu - Ngô”, tưởng nhớ 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông của quân dân nhà Trần… Đây là những trò chơi dân gian mang nội dung lịch sử nhằm ôn lại chiến công của những vị anh hùng dân tộc hoặc các trận đánh quan trọng; từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta nói chung, con người Nam Định nói riêng qua nhiều thế hệ. Sự khác nhau của trò chơi dân gian trong lễ hội  trên địa bàn tỉnh đã phản ánh được sắc thái phong phú, tính đa dạng, khác biệt của văn hóa vùng miền. Các trò chơi dân gian trong lễ hội góp phần duy trì và phát triển giá trị tâm linh của cộng đồng tạo ra nét độc đáo riêng có của mỗi địa phương.
 
Một đặc điểm dễ nhận thấy trong các trò chơi dân gian ở Nam Định ngày đầu Xuân là thường gắn với nhịp hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo đó, trò chơi dân gian trong lễ hội ở tỉnh ta luôn mang đặc điểm gắn kết với các nghi lễ liên quan đến công việc của nhà nông như mặt trời, trăng, cầu nước, tín ngưỡng phồn thực… Theo đó, người chơi, người xem mới dễ dàng bắt gặp các trò chơi phản ánh nét sinh hoạt xưa của cư dân nông nghiệp như thi cỗ, thổi cơm thi, thi chọn gà, chọn lợn, thi lấy lửa, lễ hạ điền… gắn liền với tín ngưỡng phồn thực, với khát vọng cầu mưa, mùa màng bội thu, trời đất thuận hòa. Thông qua các nghi lễ, trò chơi, không những phản ánh hoạt động trong đời sống tâm linh của những nông dân xưa và nay còn có ý nghĩa khích lệ động viên nhà nhà hăng hái tăng gia sản xuất, chăn nuôi, cấy trồng  giỏi để có xôi dẻo, gà to, lợn béo tri ân các thánh thần và nâng cao đời sống. Vì thế các trò chơi dân gian bên cạnh việc khuyến khích rèn luyện sức khỏe, thể hiện sự khéo léo của người dân còn góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng, gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Các trò chơi dân gian đều được tiến hành một cách trang trọng tại điểm sinh hoạt văn hóa chung của làng, của xã. Tham gia vào các trò chơi dân gian, các nghi lễ trong lễ hội không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng thuần túy mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước cũng như những bậc tiền nhân đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đ­ưa con người vào tâm thế trở về cội nguồn. Do đó, trò chơi dân gian trong lễ hội cũng chính là một phần của di sản văn hóa. Vì thế đây là những sinh hoạt cộng đồng thiết thực rất cần được giữ gìn, phát huy./.
 
Bài và ảnh: Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com