Nâng cao năng lực quản lý quy hoạch xây dựng NTM cấp xã

07:05, 18/05/2013

Để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch cấp xã, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ các xã 27 tỷ 630 triệu đồng để khảo sát thực trạng và lập các quy hoạch cấp xã (130 triệu đồng/xã). Đến nay các xã đã hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng NTM. 100% số xã đang hoàn thiện báo cáo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (đến 2015). Toàn tỉnh có 144/209 xã đã công khai các quy hoạch được phê duyệt; 180/209 xã ban hành quy chế quản lý quy hoạch; 159/209 xã triển khai cắm mốc chỉ giới theo quy hoạch được duyệt, trong đó có 106 xã đã hoàn thành cắm mốc.

Đường dong ngõ xóm tại xóm 7 Tiền Đông, xã Yên Cường (Ý Yên) được mở rộng đạt tiêu chí xây dựng NTM.
Đường dong ngõ xóm tại xóm 7 Tiền Đông, xã Yên Cường (Ý Yên) được mở rộng đạt tiêu chí xây dựng NTM.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quy hoạch xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn do một số cán bộ lãnh đạo quản lý xã chưa hiểu rõ về quy hoạch xây dựng NTM; trình độ lập, rà soát, thẩm định, quản lý quy hoạch ở các khâu còn hạn chế. Một nguyên nhân khiến cán bộ xã lúng túng trong công tác lập quy hoạch là do các quy định của các Bộ NN và PTNT, TN và MT trước đây thiếu đồng bộ nên phần lớn các xã xây dựng NTM đều phải vừa làm, vừa điều chỉnh, bổ sung. Xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), thời gian đầu lập quy hoạch theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí để xây dựng cơ bản NTM của xã lên đến hơn 260 tỷ đồng. Khi xem xét, thẩm định quy hoạch của xã, tỉnh đã điều chỉnh theo Quyết định 695/QĐ-TTg về sửa đổi nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ vốn xây dựng NTM nên kinh phí xây dựng cơ bản chỉ còn 51 tỷ đồng. Kết cấu nhà ở tại các xã xây dựng NTM do không có mẫu nhà ở tiêu chuẩn, “mạnh ai, nấy làm” nên thiếu hài hòa; mất mỹ quan, cảnh sắc nông thôn. Bên cạnh đó, yêu cầu của công tác lập quy hoạch xây dựng NTM ở các xã cần bổ sung thêm quy hoạch chi tiết các vùng cấm xây dựng, vùng hạn chế xây dựng, vùng bảo tồn do đặc thù làng quê Việt Nam gắn liền với các di tích lịch sử, tránh tư duy quy hoạch nông thôn như quy hoạch đô thị. Theo đó, trong quá trình lập quy hoạch các cán bộ lãnh đạo xã bắt buộc phải cập nhật Luật Di sản để nắm rõ các quy định về quản lý, bảo vệ di sản, đồng thời phải nắm chắc hiện trạng các di tích và công tác quản lý các di tích lịch sử, dự án đầu tư, tôn tạo, tu bổ trên địa bàn để đưa vào quy hoạch, đề xuất giải pháp phù hợp bảo đảm kiến thiết xây dựng NTM nhưng phải giữ gìn bản sắc, hài hòa với định hướng CNH-HĐH các vùng nông thôn. Các xã xây dựng NTM khi quy hoạch phải chú ý yếu tố hài hoà với các quy hoạch giao thông, thuỷ lợi của tỉnh, huyện trên địa bàn. Chẳng hạn như một số điểm dân cư của các xã ven các tuyến đường tỉnh lộ 490C2, QL21, đường Lê Đức Thọ, do độ chênh lệch giữa mặt đường và cốt đất tự nhiên của làng, xóm cũ khá lớn gây khó khăn cho thoát nước ở các khu dân cư trong mùa bão lũ. Sở Xây dựng đã tham mưu, mời chuyên gia đề xuất khoanh vùng và phải xử lý thoát nước, điều chỉnh lưu lượng nước riêng từng vùng dẫn đến tăng chi phí đầu tư của các xã, đồng thời gây khó khăn cho công tác quy hoạch cấp nước, điều tiết nước sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, công tác lập quy hoạch sử dụng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp của các xã ven biển như ở các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu phải bám sát vấn đề biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đặc thù địa bàn vùng bãi bồi, bãi lở để quy hoạch và đề xuất giải pháp phù hợp. Các xã xây dựng NTM khi lập quy hoạch phải nghiên cứu kỹ, bám sát quy hoạch chung của huyện, của tỉnh. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến cho quy hoạch xây dựng NTM ở các xã còn nhiều thiếu sót là do năng lực của một số đơn vị tư vấn quy hoạch xây dựng NTM còn nhiều hạn chế. Do thời gian yêu cầu hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM theo Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ ngay trong năm 2011 là quá gấp rút cũng khiến cho chất lượng quy hoạch chưa thực sự đảm bảo.

Để khắc phục những hạn chế trên, đảm bảo chất lượng chương trình xây dựng NTM, Sở NN và PTNT đã tập trung tổ chức các lớp tập huấn về 8 chuyên đề như nâng cao năng lực xây dựng, thực hiện và quản lý quy hoạch xây dựng NTM, lập rà soát và thực hiện đề án xây dựng NTM, phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập người dân... Hiện nay, quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM đã được Bộ Xây dựng, Bộ NN và PTNT, Bộ TN và MT thống nhất quy định tại Thông tư Liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTNMT quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM, hợp nhất 3 nội dung quan trọng nhất của công tác quy hoạch nông thôn là quy hoạch về dân cư và hạ tầng với quy hoạch sản xuất nông nghiệp và quy hoạch sử dụng đất. Ba quy hoạch này trước đây vốn được triển khai thực hiện độc lập theo hướng dẫn của từng bộ, ngành, thì nay cơ bản tích hợp vào trong cùng một văn bản, tránh các mâu thuẫn và chồng chéo. Theo đồng chí Nguyễn Văn Công, Phó Trưởng phòng Quản lý kiến trúc và quy hoạch Sở Xây dựng cho biết: “Đây sẽ là cơ sở quan trọng để lập, rà soát, thẩm định quy hoạch xây dựng NTM đồng bộ, hướng tới xây dựng xã NTM bền vững đồng bộ”. Dự kiến trong năm 2013 sẽ có 50 lớp tập huấn cho hơn 4.020 học viên là cán bộ các Ban Tuyên giáo, Phòng Công thương, NN và PTNT, Tài chính, TN và MT các huyện, thành phố; bí thư, phó bí thư; chủ tịch, phó chủ tịch xã; các xã, thị trấn cán bộ tổng hợp báo cáo xây dựng NTM của toàn bộ 96 xã xây dựng NTM và 113 xã còn lại./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com