Tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống mua bán người

06:04, 06/04/2013

Về huyện Vụ Bản, chúng tôi được nghe câu chuyện về H, nạn nhân một vụ mua bán phụ nữ xảy ra từ đầu năm 2011. Sau những buổi học, H thường lên mạng internet để chát và kết bạn. Em đã nhận lời mời kết bạn của một thanh niên khá đẹp trai, ăn nói có duyên cho biết quê ở Nam Định, hiện đang sống ở Hà Nội. Mặc dù chưa gặp mặt, nhưng sau một thời gian trò chuyện trên mạng, H đã đồng ý làm người yêu của thanh niên đó. Yêu nhau qua mạng được vài tuần, khi nghe "người yêu" nói muốn gặp nhau để thỏa nỗi nhớ mong, H đã giấu gia đình đi Hà Nội. Sau khi cùng nhau đi ăn uống, mua sắm, H được "người yêu" đề nghị ra Quảng Ninh để chơi, tìm nguồn hàng quần áo về bán kiếm thêm thu nhập xây dựng tương lai. Không mảy may nghi ngờ, H nhận lời. Đến Thành phố Móng Cái, "người yêu" tiếp tục rủ H sang Trung Quốc để mua hàng tận gốc cho rẻ hơn. Khi đặt chân đến Trung Quốc, cũng là lúc H biết bị "người yêu" lừa bán cho chủ chứa làm gái mại dâm. Sau gần một năm bị trà đạp, hành hạ, H cùng một số cô gái Việt Nam làm cùng liều chạy trốn, cầu cứu công an nước bạn giải thoát. Trở về nhà, mặc dù được gia đình, nhà trường, bà con lối xóm động viên, nhưng do mặc cảm, sợ những lời đàm tiếu, kỳ thị của bạn bè, H không đi học trở lại mà quyết định vào Nam sinh sống. Tuy may mắn hơn khi không bị bán làm gái mại dâm, nhưng chị T, nạn nhân mua bán người khác ở huyện Ý Yên hiện đang sống khá khó khăn. Khi chồng mất, chị lên biên giới để buôn bán mong có đủ thu nhập để nuôi 2 con ăn học, nhưng đã bị lừa làm vợ một người đàn ông Trung Quốc. Hơn 10 năm làm vợ nơi đất khách xứ người, mặc dù có 2 người con nhưng chị vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ người thân, quê hương. Bỏ trốn được để trở về quê, gia đình đã giữ chị không cho sang Trung Quốc. Từ một phụ nữ khỏe mạnh, trải qua biến động 2 lần "dứt" ruột xa các con đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần, khiến chị thường xuyên bị trầm cảm, lúc nhớ lúc quên. Chị N ở huyện Nam Trực vì gia cảnh nghèo khó, chồng thường xuyên ruồng rẫy nên chị đã lên Hà Nội làm thuê và cũng bị bán sang Quảng Tây (Trung Quốc). Khi được công an cứu thoát, trên đường trở về nhà chị lại nhận được tin con gái lớn cũng bị lừa bán sang Trung Quốc(!)

Phụ nữ xã Yên Cường (Ý Yên) thường xuyên trao đổi kiến thức phòng, chống mua bán người.
Phụ nữ xã Yên Cường (Ý Yên) thường xuyên trao đổi kiến thức phòng, chống mua bán người.

Thời gian qua, tình trạng mua bán người ở tỉnh ta diễn biến phức tạp với hàng trăm nạn nhân là phụ nữ, trẻ em. Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, phần lớn nạn nhân của tội phạm mua bán người là phụ nữ xuất thân trong những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bản thân không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ, cả tin nên dễ dàng tin theo những lời hứa hẹn về việc làm ổn định, thu nhập cao, hoặc lấy một người chồng nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán; trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa bị bán ra nước ngoài dưới hình thức con nuôi... Triển khai chương trình phòng, chống mua bán người, thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Hội LHPN tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong các buổi sinh hoạt CLB "Phụ nữ với pháp luật", CLB không sinh con thứ 3, xây dựng một số CLB điểm phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em để rút kinh nghiệm và tổ chức nhân ra diện rộng. BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng tuyên truyền cho nhân dân ở các xã, thị trấn ven biển. Ngành LĐ-TB và XH tổ chức tiếp nhận, xác minh và vận động các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Công an tỉnh tăng cường công tác đấu tranh triệt phá các ổ nhóm mua bán người, trong đó năm 2012 đã điều tra, triệt phá vụ án Ngô Thị Hương Trang (SN 1990) ở xã Liên Minh (Vụ Bản) và đồng bọn lừa bán trên 20 phụ nữ, trong đó có trẻ em sang Trung Quốc... Các huyện, thành phố cũng tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền với nhiều hình thức như: phát tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; thành lập, duy trì các CLB phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em góp phần nâng cao ý thức cho người dân. Xã Yên Cường (Ý Yên) có trên 9 nghìn dân thì có tới 3.200 phụ nữ trên 18 tuổi, trong đó gần 300 người thường xuyên đi làm ăn xa. Triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người, xã đã tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền cho lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể, các hội viên của 25 chi hội phụ nữ trong xã, học sinh các trường THCS trên địa bàn, với trên 2 nghìn lượt người tham dự. Ngoài ra, xã thành lập đội ngũ tuyên truyền viên gồm 10 phụ nữ đảm nhiệm việc tuyên truyền, phát tài liệu đến từng hộ gia đình; chỉ đạo 7 CLB gia đình hạnh phúc xây dựng các tiểu phẩm phòng, chống mua bán người để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Xã Trực Nội (Trực Ninh) tổ chức 7 cuộc tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại UBND xã, nhà văn hóa các thôn Thái Lãng, Sa Nhất, Sa Nhì, Sa Ba... Chị Phạm Thị Hoa, thôn Thái Lãng cho biết: "Tham dự các buổi tuyên truyền, chúng tôi được biết về tình hình tội phạm mua bán người, thủ đoạn và các biện pháp phòng ngừa, tác động tiêu cực của mua bán người với nạn nhân, gia đình, xã hội… qua đó đã nâng cao sự hiểu biết để phòng tránh". Trong công tác tuyên truyền phòng, chống buôn bán người, phường Trường Thi (TP Nam Định) chú trọng việc tổ chức tuyên truyền cho gần 400 đối tượng là giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng...

Tội phạm mua bán người là một vấn đề xã hội bức xúc, gây hậu quả nghiêm trọng đối với nạn nhân, gia đình và xã hội. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 29-3-2011; tích cực tuyên truyền về các âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm đến người dân, thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, đời sống của các tầng lớp phụ nữ, trẻ em, từ đó tích cực tham gia phát hiện, tố giác các ổ nhóm mua bán người. Ngày 11-1-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người và chính thức có hiệu lực từ ngày 15-4-2013. Theo đó, các nạn nhân bị mua bán sẽ được hỗ trợ tiền ăn, quần áo và vật dụng cá nhân trong thời gian không quá 60 ngày tại cơ sở bảo trợ; hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh và được chăm sóc y tế. Ngoài ra, Nhà nước sẽ hỗ trợ: tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường cho nạn nhân muốn trở về nơi cư trú mà không có khả năng chi trả; hoặc đưa về nơi người thân cư trú với nạn nhân là người chưa thành niên; học văn hóa, học nghề; xem xét cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh bảo đảm thu nhập tái hòa nhập cộng đồng... Thêm chính sách ưu đãi, hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền của các cấp, các ngành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, giúp các nạn nhân sớm tái hòa nhập cộng đồng./.   

Bài và ảnh: Nguyễn Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com