Nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta đã đạt được những tiến bộ khá toàn diện trong việc nâng cao địa vị xã hội của người phụ nữ và chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Một hành vi bạo hành phụ nữ, trẻ em ở một miền quê xa có thể là đề tài của nhiều tờ báo Trung ương và địa phương, được nhiều cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết.
Tuy vậy, các vụ việc vẫn xảy ra gần đây và đã bị công luận phẫn nộ lên án. Nhưng không phải là tất cả các vụ bạo hành phụ nữ và trẻ em trên cả nước mà chỉ là số ít được phơi bày trước công luận. Nhiều vụ ở nhiều nơi, nhiều gia đình, nhưng vì nhiều lý do (có cả thông tin và tâm lý xã hội) đã được chính những người trong cuộc che đậy, giấu kín.
Năm 2007, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình; năm 2008 Bộ VH, TT và DL triển khai “Mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình”. Và trên thực tế cũng đã có nhiều vụ bạo hành phụ nữ được phơi bày ra ánh sáng, đã bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật, nhưng tại sao vấn đề nhức nhối này vẫn xảy ra khá phổ biến?
Một trong những căn nguyên sâu xa dẫn tới thực trạng này là việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, thôn, bản) chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Do đó, nhận thức của người dân nói chung, của chị em nói riêng về bình đẳng giới, quyền tiến bộ của phụ nữ còn nhiều hạn chế. Thêm nữa, sự vào cuộc thiếu quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cộng với lối sống thờ ơ, bàng quan, “đèn nhà ai nhà nấy rạng” của cộng đồng hàng xóm láng giềng cũng là một trong những lý do khiến không ít vụ bạo hành phụ nữ xảy ra.
Không phải ngẫu nhiên mà thế giới có một ngày dành riêng cho phụ nữ (Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3). Cũng không phải ngẫu nhiên mà có gần 90 quốc gia trên thế giới ban hành văn bản pháp luật liên quan đến việc phòng, chống bạo lực gia đình và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Nhưng dù đạo luật có những quy định, chế tài rất cụ thể, rõ ràng, mà tinh thần “giải phóng phụ nữ” không được cởi trói trong tư duy, nhận thức của mỗi công dân, mỗi gia đình, mỗi tổ chức và toàn xã hội thì quyền bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ vẫn rất xa vời và những vụ bạo hành phụ nữ khó có thể được ngăn ngừa hiệu quả.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa từng nói: Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ quốc gia, có những vấn đề của quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ. Muốn thực hiện tốt việc bảo vệ nhân phẩm phụ nữ cũng như phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn ngừa mọi sự xâm hại danh dự, sức khỏe, tính mạng của chị em, cần phải nêu cao trách nhiệm cộng đồng, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể, toàn xã hội và mỗi gia đình. Đây không chỉ coi là “việc riêng” của hội phụ nữ hay tổ hòa giải ở cơ sở./.
Theo: qdnd.vn