Thành phố Nam Định chủ động phòng, chống thiên tai

05:06, 16/06/2022

Qua diễn biến thiên tai từ đầu năm đến nay, có thể thấy nhiều địa phương trên toàn quốc đã phải chịu các đợt mưa lũ lớn, sóng lớn, dông lốc, sập sạt nghiêm trọng, trái quy luật ngay giữa mùa khô. Dự báo, thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường. Tại Nam Định, từ nay đến cuối năm dự tính phải chịu ảnh hưởng bởi nền nhiệt độ nắng nóng hơn vào mùa hè, lạnh sâu vào mùa đông, và cao độ sóng lớn từ 3-5m. Trước diễn biến thời tiết dị thường, khó lường, trái quy luật, thành phố Nam Định đã gia tăng các biện pháp chủ động phòng chống thiên tai năm 2022.

Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định chặt hạ cành cây lớn có nguy cơ gẫy đổ khi mưa bão đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.  Bài và ảnh: Thanh thúy
Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định chặt hạ cành cây lớn có nguy cơ gẫy đổ khi mưa bão đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông. 

Trước mùa bão lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) thành phố đã tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều, xác định các trọng điểm xung yếu cần quan tâm xử lý, bảo vệ để có phương án phòng chống, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản do ảnh hưởng của mưa bão gây ra. Qua đó, thành phố nhận diện, trong 13,78km đê cấp I (sông Hồng và sông Đào) còn nhiều vị trí cao trình mặt đê, mái đê chưa đủ so với thiết kế; tại 8km kè (kè Vạn Hà, kè Phù Long, kè sông Đào, kè Tam Phủ) còn nhiều đoạn mái kè, chân kè đã bị sạt lở; 4 cống qua đê (cống Kênh Gia, cống Trạm bơm Kênh Gia, cống Ngô Xá, cống Vạn Diệp); 6km bối (thuộc xã Nam Phong và Nam Vân) với dân số trên 1.000 khẩu. Thành phố cũng xác định vị trí trọng điểm trên hệ thống đê kè là đê Óng Bò và đê bối xã Nam Phong. Bên cạnh đó trên địa bàn thành phố có 29 khu nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước tại các phường Năng Tĩnh, Trần Đăng Ninh, Bà Triệu, Cửa Bắc, Nguyễn Du… được xây dựng từ những năm 1970 trở về trước, đã hết niên hạn sử dụng, đều đã bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ gây nguy hiểm cho 1.167 hộ dân đang thuê sinh sống tại đây, nhất là trong mùa mưa bão. Hiện nay hệ thống cống thoát nước của thành phố cũng xây dựng từ lâu, có nhiều cống được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có nhiều tuyến không đồng bộ, chắp vá, tiết diện cống nhỏ không bảo đảm tiêu thoát nước khi mưa lớn. Dù thành phố đã quan tâm huy động nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, cải tạo nhằm gia tăng khả năng tiêu thoát nước song hiện nay vẫn còn một số vị trí có địa hình trũng thấp thường bị ngập nhanh và sâu khi có mưa lớn, lưu lượng nước ở các vị trí cao hơn chảy dồn về vượt quá khả năng tiêu thoát của hệ thống cống. Ngoài ra, tuyến cống tiêu thoát cho đường Trần Hưng Đạo chỉ thoát ra hồ Truyền Thống và phụ thuộc hoàn toàn vào mực nước của hồ; trong khi hồ đang được cho thầu nuôi cá, việc điều tiết mực nước hồ phụ thuộc vào các hộ nuôi dẫn đến khó khăn khi cần thoát nước chống ngập. 

Để ứng phó với những diễn biến khó lường về thiên tai năm 2022, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN yêu cầu các phường, xã phải chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; đặc biệt phải tập trung cho nhiệm vụ chống úng ngập và bảo đảm an toàn cho những chung cư cũ trên địa bàn. Thành phố giao Ban CHQS chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế chủ động xây dựng phương án tham mưu cho UBND thành phố kế hoạch và đảm trách nhiệm vụ tổ chức thực hiện kế hoạch diễn tập PCTT và TKCN năm 2022. Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan chủ động xây dựng phương án phòng chống ngập úng khi mưa lớn, nhất là khu vực trọng điểm. Theo đó, tích cực thực hiện công tác duy tu hệ thống bơm tiêu, bao gồm: trạm bơm Kênh Gia (công suất 43 nghìn m3/h), trạm bơm Quán Chuột (công suất 57 nghìn m3/h), đảm bảo sẵn sàng hoạt động 24/24h. Bố trí lực lượng thường trực 24/24h để vớt bèo, rác tại các trạm bơm; thực hiện bơm tiêu nước đệm và duy trì mực nước thấp tại 2 trạm bơm tiêu này, đồng thời chủ động điều tiết nước bằng phai cống từ sông Vĩnh Giang ra, vào các tuyến kênh, mương, cống của thành phố. Tại những vị trí thường ngập sâu, Phòng Quản lý đô thị phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không lấn chiếm, xả rác, xây bít cống, cửa ghi tiêu nước; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm; khi có mưa to, bố trí, phân công lực lượng thường trực phát hiện, xử lý sớm những điểm bị tắc cục bộ, chủ động mở nắp cống ga giúp tăng khả năng thu và tiêu nước nhanh. Để tăng khả năng thoát nước, các phòng, ban liên quan của thành phố cũng khẩn trương thực hiện các phần việc liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nạo vét bùn và cải tạo, sửa chữa cục bộ một số tuyến cống chính thuộc khu vực đường Hàng Thao, Máy Tơ, Hoàng Diệu, chợ Năng Tĩnh, Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Trần Nhật Duật, Đoàn Trần Nghiệp, Hà Huy Tập... Đây là dự án mới được HĐND thành phố phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư tháng 3-2022 với tổng mức đầu tư 14 tỷ 982 triệu đồng, bằng nguồn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác, có thời hạn thực hiện trong các năm 2022-2023. Việc bảo đảm an toàn cho những chung cư cũ trên địa bàn được các phòng ban liên quan chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các phần việc được giao nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ theo Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 25-3-2022 của UBND tỉnh. Trong đó, các phòng, ban của thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập phương án và kế hoạch cụ thể công tác di dời các hộ dân khỏi nhà ở nguy hiểm cấp D các khu nhà chung cư số 181 Hoàng Văn Thụ, số 207 Hoàng Văn Thụ; đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân đang sinh sống ở các khu nhà chung cư cũ còn lại phải thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước mùa mưa bão. Các phường, xã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN theo quy định; rà soát, cập nhật, hoàn thiện các kế hoạch, phương án, kịch bản PCTT và TKCN của đơn vị mình theo phương châm “4 tại chỗ”. Riêng những phường, xã có đê bám sát phương án hộ đê theo 3 tuyến chính do thành phố phê duyệt (gồm: Tuyến đê hữu Hồng và tả Đào, xã Nam Phong (đê hữu Hồng từ Km164+756 đến Km167+294; đê tả Đào từ Km0 đến Km2+375); tuyến đê tả Đào thuộc phường Cửa Nam và xã Nam Vân (từ Km2+375 đến Km4+351); tuyến đê hữu Hồng (từ Km163+610 đến Km164+756) thuộc phường Lộc Hạ và đê hữu Đào (từ Km0 đến Km5+043) thuộc các phường: Trần Tế Xương, Vị Xuyên, Vị Hoàng, Phan Đình Phùng, Ngô Quyền, Năng Tĩnh, Trần Quang Khải) để xây dựng phương án hộ đê tại chỗ, có kế hoạch tổ chức tập huấn cho lực lượng xung kích hộ đê. Đặc biệt tại các vị trí trọng điểm là đê Óng Bò và đê bối xã Nam Phong, hiện đã thiết lập Sở chỉ huy PCTT và TKCN đặt tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nam Phong; khi có tình huống xảy ra di chuyển ra điếm Óng Bò để kịp thời chỉ đạo thực hiện các phương án hộ đê. Đồng thời đã bố trí đầy đủ, hợp lý lực lượng tuần tra, canh gác; lực lượng xung kích; vật tư dự trữ (nhà bạt các loại, chiếc phao, xe tải, xe nâng, máy phát điện, tre cây, phên nứa, bao tải...) để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra. Các xã, phường có đê còn chú trọng thống kê hiện trạng nhà ở thuộc diện nguy hiểm thuộc sở hữu tư nhân và các công trình có nguy cơ mất an toàn khi xảy ra mưa bão như: trụ sở, trường học, trạm y tế, cây xanh, biển báo, nhà ở tập thể... để chủ động phối hợp với Phòng Quản lý đô thị xây dựng phương án di dân; bố trí phương tiện di chuyển, địa điểm tránh trú an toàn cho các hộ dân khi có bão lũ xảy ra. 

Bên cạnh đó, tất cả các phòng, ban, đơn vị, các xã, phường của thành phố đều thực hiện nghiêm chế độ trực ban trong mùa bão, lũ, nhất là công tác tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố, hư hỏng về đê điều, công trình thủy lợi ngay từ giờ đầu; đảm bảo chế độ thông tin kịp thời tình hình bão lụt đến tận người dân để hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão năm nay./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com