Doanh nghiệp lao đao vì giá xăng, dầu tăng cao

07:06, 15/06/2022

Những biến cố của thị trường dầu mỏ thế giới trong thời gian qua đã kéo giá xăng, dầu trong nước tăng “phi mã” liên tục gây khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên đường phục hồi sau đại dịch COVID-19. 

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu tăng cao liên tiếp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, gây nhiều tác động tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp.  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu tăng cao liên tiếp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, gây nhiều tác động tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp. 

Theo Chủ doanh nghiệp tư nhân sản xuất lưới, kéo sợi PE Đỗ Văn Toán, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu): 3 năm nay các doanh nghiệp sản xuất lưới, kéo sợi PE của thị trấn Thịnh Long gặp rất nhiều khó khăn. Trong 2 năm 2020, 2021, do dịch bệnh COVID-19 việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường chủ yếu Trung Quốc bị giảm mạnh, ngừng trệ vì vậy ngư dân cũng giảm, thậm chí ngừng khai thác hải sản, nên việc tiêu thụ vật tư phục vụ đánh bắt nói chung, sản phẩm lưới cước nói riêng hầu như không bán được. Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu ngày một tăng quá cao, cộng với khan hiếm lực lượng lao động đi biển, nguồn lợi thuỷ sản gần bờ dần cạn kiệt, trong khi giá bán hải sản không cao khiến lợi nhuận mỗi chuyến biển giảm. Nhiều tàu đánh bắt hải sản phải giãn, giảm, thậm chí dừng ra khơi vì sợ thua lỗ, kéo theo việc giảm, ngừng mua ngư cụ lưới sợi PE. Đến nay, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp rất nhiều, thậm chí không còn chỗ chứa. 

Ông Trần Văn Lưu, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Đức Lượng, Giám đốc Bến xe khách Thịnh Long (Hải Hậu) thì cho biết: Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động vận tải ngưng trệ. Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động vận tải mới chớm phục hồi thì xăng dầu liên tục tăng giá khiến các doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn. Do xăng dầu chiếm tỷ trọng từ 35-40% cơ cấu giá cước vận tải, giá xăng dầu điều chỉnh tăng ảnh hưởng đến 50% giá cước nhưng các doanh nghiệp đều chưa thể đề xuất tăng giá vé. Bởi nếu tăng giá vé sẽ khiến lượng khách sụt giảm trong bối cảnh trên địa bàn huyện có quá nhiều nhà xe hoạt động cạnh tranh trong cùng một tuyến, nốt. Để ứng phó với những khó khăn hiện hữu, các doanh nghiệp vận tải đều tăng cường thắt lưng buộc bụng, giảm tối đa mức lãi thu về. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải đang buộc phải áp dụng phương án duy trì 50% số xe chạy và cắt giảm, dồn chuyến sao cho mỗi xe khi xuất bến phải có được lượng khách đạt từ 50-60% ghế trên xe để giảm chi phí vận hành, tránh lỗ. Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi Phùng Đình Thông, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) thì chia sẻ: do các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên sức đề kháng thấp, gặp bất cứ khó khăn nào cũng dễ tổn thương, suy kiệt. Vì vậy sau đại dịch COVID-19, gặp thêm cơn bão giá xăng, dầu liên tục phi mã các doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn: giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá vận chuyển hàng hóa tăng. Doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung ứng các sản phẩm cơ khí phục vụ ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng, hóa chất, chế tạo máy cho các đối tác lớn tại thị trường trong nước và một số thị trường nước ngoài có sự cạnh tranh gay gắt như: Đức, Nhật Bản, Hà Lan nên giá nhiên liệu xăng dầu thời gian qua khiến Công ty phải đối diện với nhiều thiệt hại. Công ty phải giảm tối đa lãi suất để đảm bảo duy trì, ổn định chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Mới đây nhất, dù đã hoàn tất và được đánh giá cao về các yếu tố quy mô, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, uy tín doanh nghiệp... nhưng Công ty đã bị từ chối ký kết đơn hàng lớn bởi đối tác mới ở thị trường nước ngoài cho rằng giá vận tải của doanh nghiệp Việt Nam đắt hơn của doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ đến 25 USD/tấn, nếu 10 nghìn tấn sản phẩm thì mức chênh lệch rất lớn.

Không chỉ các doanh nghiệp kể trên, việc xăng dầu tăng giá liên tục gây sức ép lớn đến hầu hết các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề. Đáng bàn là nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung khởi công, đẩy nhanh tiến độ thi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, khu, cụm công nghiệp quy mô lớn, có vai trò thúc đẩy phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, với tình hình giá xăng, dầu liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay nên nhà thầu chịu rất nhiều áp lực về chi phí vận hành các thiết bị thi công cơ giới. Với hàng chục đầu máy móc thiết bị, mỗi ngày tiêu thụ một lượng rất lớn xăng, dầu. Điều này khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn. Giá xăng, dầu tăng cao không chỉ khiến nhà thầu phải tăng thêm chi phí về nhiên liệu phục vụ thi công mà còn kéo theo giá các loại vật liệu xây dựng cũng đồng loạt tăng do chi phí vận chuyển cũng tăng. Thậm chí, hiện đã có nhà thầu xây dựng dự án giao thông có ý kiến xin bỏ thầu, chấp nhận chịu phạt do không chịu được “bão giá”.

Trước sức ép từ dịch bệnh COVID-19, giá xăng, dầu liên tiếp tăng cao vừa lập đỉnh mới vào chiều 13-6 gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp ở các ngành nghề, các huyện, thành phố đã đưa ra ý kiến đề xuất, mong muốn Nhà nước, cũng như tỉnh tăng cường và nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, cần chú trọng thực hiện hiệu quả chính sách thuế, giảm một số loại thuế và một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như giảm tiền điện, giảm lãi suất vốn vay trong quá trình tổ chức sản xuất; hỗ trợ tìm kiếm những nguồn nguyên liệu thay thế đầu vào để giảm các loại chi phí, giảm giá thành sản phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường hỗ trợ trong xuất nhập khẩu. Đặc biệt, các bộ, ngành, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp để có thể kiềm chế tối đa mức tăng giá xăng, dầu./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com