Siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm

08:04, 08/04/2013

Thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của tỉnh (Ban Chỉ đạo 127) đã chỉ đạo các lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường (QLTT), Công an, Thanh tra KH và CN... tăng cường kiểm tra việc sản xuất, lưu thông MBH trên thị trường. Theo quy định, MBH đạt chuẩn phải cấu tạo đủ ba bộ phận, gồm vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động (đệm bảo vệ) bên trong vỏ mũ và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng quy định và được chứng nhận hợp quy; công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa. Việc kiểm tra được thực hiện đối với tất cả các cơ sở sản xuất, cung ứng và tiêu thụ mũ (sản xuất trong nước và nhập khẩu) để chấn chỉnh tình trạng người dân sử dụng MBH không đảm bảo chất lượng đang bán tràn lan trên thị trường.

Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục QLTT tỉnh) kiểm tra chất lượng MBH kinh doanh trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục QLTT tỉnh) kiểm tra chất lượng MBH kinh doanh trên địa bàn Thành phố Nam Định.

Chi cục QLTT đã tiến hành triển khai các hoạt động điều tra, kiểm soát thị trường kinh doanh MBH trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đợt kiểm tra từ đầu tháng 3-2013 đến nay, tại hầu hết các cơ sở kinh doanh MBH ở các huyện, thành phố đều có vi phạm. Lực lượng QLTT đã tạm giữ gần 3.000 MBH vi phạm các quy định: nhãn hàng hóa không ghi đủ nội dung bắt buộc; mũ có kiểu dáng giống MBH nhưng không ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ; kinh doanh sai nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và MBH do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp… Qua quan sát, những chiếc MBH bị tịch thu, dù chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về chất lượng sản phẩm, nhưng khi thử nghiệm chất lượng mũ, hầu hết đều bị biến dạng; thậm chí nhiều MBH xếp trong kho đã bị bong tróc sơn, các bộ phận như quai, mút, lưỡi trai bị rơi ra. Một số MBH (chủ yếu là mũ lưỡi trai) đã "lách" luật bằng cách ghi chỉ dẫn sử dụng là mũ bảo vệ cho người chơi thể thao, không sử dụng cho người đi mô tô, xe máy. Loại mũ này có lớp mút đệm mỏng, thậm chí chỉ có vỏ nhựa cứng, dễ vỡ khi va chạm nhẹ, nhưng người đội cảm giác nhẹ và mát, giá rẻ nên được nhiều người sử dụng khi tham gia giao thông. Đồng chí Đỗ Đức Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết: "Tình trạng vi phạm trong kinh doanh MBH hiện đã trở thành phổ biến, hầu hết tại các điểm kiểm tra đều có vi phạm, đặc biệt là các điểm kinh doanh nhỏ lẻ ở vỉa hè. Các sản phẩm vi phạm chủ yếu là hóa đơn, chứng từ, thông số kỹ thuật, xuất xứ, tem hợp quy...". Cùng với lực lượng QLTT, các lực lượng chức năng như: Thanh tra KH và CN, Công an cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra, tổ chức điều tra, trinh sát, phát hiện đường dây nhập lậu, sản xuất, kinh doanh và vận chuyển MBH không đảm bảo các quy định của Nhà nước nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và mất an toàn xã hội. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh chấp hành tốt quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng MBH, đồng thời hướng dẫn người dân lựa chọn, sử dụng MBH đảm bảo chất lượng, đúng quy chuẩn. Sau 1 tháng đồng loạt ra quân kiểm tra, kiểm soát, thị trường kinh doanh MBH đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các điểm bán MBH trên vỉa hè dọc các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) và khu trung tâm các huyện đã không còn xuất hiện; các cửa hàng kinh doanh MBH trở lại bán hàng chính hãng, đảm bảo chất lượng… Anh Phạm Văn Đỉnh, chủ cửa hàng kinh doanh MBH trên phố Bắc Ninh (TP Nam Định) cho biết: Thời gian gần đây, do thị hiếu khách hàng và để cạnh tranh với các điểm bán lẻ vỉa hè nên tôi đã nhập thêm MBH thời trang (không có quy chuẩn rõ ràng) để bán, nhưng luôn để riêng để khách hàng dễ phân biệt khi chọn lựa. Được các ngành chức năng phổ biến quy định về chất lượng hàng hóa, cửa hàng không phải lo cạnh tranh với hàng không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng cũng ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng MBH từ khâu sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng. Chị Trần Thị Hằng, ở đường Văn Cao (TP Nam Định) cho biết: "Trước đây tôi có dùng các loại MBH thời trang, đặc biệt là loại mũ lưỡi trai bởi giá rẻ, mẫu mã đẹp, lại nhẹ và khá dễ chịu, nhất là vào mùa hè. Tuy nhiên khi được cảnh báo về mức độ không an toàn của sản phẩm MBH trôi nổi trên thị trường, tôi luôn cảm thấy lo lắng và quyết định thay đổi sử dụng mũ đúng quy chuẩn cho các thành viên trong gia đình để đảm bảo an toàn".

Thị trường MBH đã có dấu hiệu thay đổi tích cực. Sản phẩm MBH kém chất lượng đã không còn được bày bán trên các sạp hàng. Tuy nhiên, để ổn định thị trường MBH, ngoài chiến dịch "truy quét" MBH không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, phải đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng trong việc chọn sử dụng MBH đúng tiêu chuẩn chất lượng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com