Yên Khánh tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế

08:04, 02/04/2013

Nhờ tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển ngành nghề, những năm qua, đời sống của người dân xã Yên Khánh (Ý Yên) đã từng bước được cải thiện. Năm 2012, tổng thu nhập của xã đạt trên 78 tỷ đồng, trong đó, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp đạt 47,5 tỷ đồng, bình quân thu nhập đạt gần 80 triệu đồng/ha/năm; thu nhập từ sản xuất CN-TTCN, ngành nghề, dịch vụ đạt 14,5 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,3%.

Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các hộ dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản. Toàn xã hiện có 64 mô hình kinh tế tổng hợp (nuôi cá, trồng lúa và chăn nuôi) trên tổng diện tích 40ha, bình quân thu nhập đạt 76 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ có diện tích lớn và tập trung đầu tư nên có thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha/năm như hộ các ông Nguyễn Văn Chấp (thôn Tu Cổ); ông Hoàng Trọng Tám (thôn Thượng)… Ngoài phát triển vùng nuôi thủy sản theo mô hình trang trại, gia trại, xã tích cực đưa các giống lúa mới phù hợp với thổ nhưỡng địa phương vào gieo cấy như: Việt Hương Chiếm, N46, NĐ1, Bắc Thơm 7… năng suất đạt xấp xỉ 60 tạ/ha/vụ. Vụ xuân năm 2013, được sự giúp đỡ của Viện Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng), xã Yên Khánh đã tổ chức thí điểm mô hình trồng và chăm sóc lúa xuân theo công nghệ Nano trên diện tích 10ha, tập trung ở thôn An Lạc. Toàn bộ quy trình, vật tư sản xuất cho 10ha đều được Viện Khoa học Quân sự hỗ trợ. Đồng chí Hoàng Đình Kỳ, Chủ tịch UBND xã cho biết: so với phương pháp trồng và chăm sóc lúa truyền thống, mô hình có ưu điểm là giảm được 30-35% chi phí phân bón; năng suất tăng từ 15-20% và không dùng thuốc BVTV.

Cơ sở sản xuất và chế biến lâm sản của anh Nguyễn Trọng Thiệp, thôn An Lạc, xã Yên Khánh.
Cơ sở sản xuất và chế biến lâm sản của anh Nguyễn Trọng Thiệp, thôn An Lạc, xã Yên Khánh.

Cùng với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, xã tập trung chỉ đạo phát triển ngành nghề để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương… Để khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, xã đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục thuê đất, vay vốn… Năm 2012, toàn xã có 716 hộ được vay vốn ngân hàng với tổng dư nợ trên 16,7 tỷ đồng. Hiện, toàn xã có 141 cơ sở sản xuất CN-TTCN, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 500 lao động địa phương. Nghề mộc xuất phát từ thôn 11 nay đã được phát triển ra nhiều thôn trong xã. Nhiều hộ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị hiện đại như: cẩu tải trọng lớn, máy xẻ… để chế biến lâm sản cung ứng cho cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, đồ mộc mỹ nghệ trong xã; tiêu biểu như hộ các ông: Nguyễn Văn Luân, Nguyễn Trọng Thiệp… Nghề xây dựng dân dụng cũng phát triển mạnh. Hai Cty xây dựng trong xã thường xuyên nhận được những hợp đồng xây dựng lớn trong huyện, tỉnh; mỗi Cty tạo việc làm cho 40-50 lao động. Ngoài ra, xã có gần 20 đội, nhóm thợ nề, mỗi nhóm có 4-5 lao động, thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2011, xã đã phát triển được 2 tổ hợp may công nghiệp chuyên gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn ở Thành phố Nam Định và xã Yên Trị, tạo việc làm cho trên 50 lao động địa phương với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Các nghề khác như: cơ khí, tre nứa chắp… cũng phát triển, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Trong thời gian tới, xã Yên Khánh tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa; khuyến khích các hộ phát triển sản xuất kinh doanh, đưa nghề mới về xã để nâng cao thu nhập cho người dân./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com