Nghĩa Thắng phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản

07:04, 04/04/2013

Xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) hiện có gần 130 phương tiện tàu thuyền, công suất máy từ 15-320CV thường xuyên bám biển khai thác hải sản, tạo việc làm ổn định cho trên 300 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động thời vụ. Sản lượng khai thác mỗi năm đạt 2.300-2.500 tấn, giá trị từ 33-35 tỷ đồng. Ngoài việc đánh bắt ven bờ và thả lưới rê, toàn xã có gần 20 đôi tàu công suất từ 150CV trở lên thường xuyên khai thác hải sản ở các ngư trường từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Gặp anh Đỗ Văn Hưng (xóm 8) sau một ngày bám biển, anh cho biết, đôi tàu của anh mới đóng từ năm 2011, trị giá trên 800 triệu đồng/tàu, có hầm lạnh công suất tối đa khoảng 3 tấn cá/tàu. Hằng ngày cứ từ 4 giờ sáng là tàu nhổ neo, mất tầm 2 tiếng là đến ngư trường, bắt đầu khai thác liên tục đến khoảng 1 giờ chiều thì thu lưới về bến. Một chuyến khai thác mỗi tàu phải có từ 3-4 lao động. Trung bình một chuyến đôi tàu của anh thu hoạch được từ 1,7-2 tấn cá các loại. Thuyền về bến, cá được thương lái xuống tận nơi thu mua để tiêu thụ trên thị trường.

Thu mua hải sản ở bến cá xã Nghĩa Thắng.
Thu mua hải sản ở bến cá xã Nghĩa Thắng.

Cùng với khai thác thủy sản, ở Nghĩa Thắng đã hình thành và phát triển mạng lưới dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm khai thác với 10 cơ sở chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm, chế biến bột cá phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Các cơ sở chế biến đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trong đó, cơ sở chế biến hải sản của anh Trần Văn Thức ở xóm 4 đầu tư thiết bị sấy bằng điện công nghệ mới trị giá trên 2 tỷ đồng chuyên chế biến cá khô xuất khẩu, chế biến bột cá nhạt cung ứng cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Riêng nguyên liệu phục vụ chế biến bột cá nhạt, bình quân mỗi tháng, cơ sở thu mua trên 200 tấn, tạo việc làm, thu nhập cho 10 lao động. Cơ sở chế biến của anh Nguyễn Văn Chiến ở xóm 10 có 5 máy, công suất thiết kế tối đa 10 tấn nguyên liệu/ngày, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, với thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm của ông Nguyễn Vũ Cẩm ở xóm 8, mỗi năm tiêu thụ từ 50-70 tấn nguyên liệu.

Ngoài việc phát triển khai thác, chế biến, xã Nghĩa Thắng còn đẩy mạnh phát triển nuôi thủy hải sản tập trung theo hướng công nghiệp, chuyên canh với các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao như: vạng, cá bống bớp, cá mú, cá vược, tôm thẻ chân trắng… Tận dụng lợi thế có hơn 200ha đầm bãi ngoài đê và khu Thanh Hương, xã khuyến khích các hộ dân nhận thầu nuôi thủy hải sản. Đến nay, toàn xã có hơn 100 hộ tham gia, trong đó một số hộ có diện tích lớn, đầu tư tập trung đã đạt mức thu nhập thực tế từ 1-3 tỷ đồng như hộ các ông: Trần Văn Thừa, Nguyễn Văn Rung, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Văn Đương… Cùng với nuôi thủy sản, một số cơ sở sản xuất giống đã được hình thành và phát triển, đặc biệt là việc nhân thành công giống cá bống bớp. Khởi phát từ việc một số hộ dân xóm Chùa nuôi cá bống bớp, đến nay đã có nhiều hộ trong xã đã nhân thành công giống cá bống bớp và cung ứng cho các vùng nuôi xung quanh. Ngoài ra, hộ ông Nguyễn Văn Trào ở xóm 7 đã sản xuất thành công giống cua biển. Sau nhiều lần thử nghiệm và học hỏi kinh nghiệm, ông đã đầu tư gần 3 tỷ đồng xây 100 bể xi măng ương cua giống. Năm 2012, cơ sở sản xuất cua giống của ông Trào đã sản xuất và bán được gần 4 triệu con cua giống, thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

Với việc khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, tập trung phát triển nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, kinh tế - xã hội của xã Nghĩa Thắng ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com