Đồng quê chuyển động

08:02, 12/02/2013

Trong công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, nông dân, ở khắp các miền quê trong tỉnh đã tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh của đất đai, lao động của địa phương để tạo bước chuyển mới trong sản xuất nông nghiệp. Trên các cánh đồng, nhiều giống lúa, rau màu mới được sản xuất đại trà tạo thành vùng chuyên canh cho thu nhập cao. Những ô ruộng trũng nuôi trồng thuỷ sản xuất hiện ngày càng nhiều. Mô hình trang trại, gia trại hình thành ở khắp các miền quê tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn… Tất cả “dệt” nên bức tranh nông nghiệp với những sắc màu tươi sáng.

Hệ thống đầm nuôi tôm chân trắng ở xã Giao Phong (Giao Thuỷ).
Hệ thống đầm nuôi tôm chân trắng ở xã Giao Phong (Giao Thuỷ).

Hằng năm, Sở NN và PTNT và các địa phương luôn ưu tiên nguồn kinh phí đáng kể cho phát triển nông nghiệp. Nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao được khảo nghiệm, xây dựng mô hình điểm và từng bước nhân rộng. Nông dân bây giờ không chỉ nhạy bén về nhu cầu của thị trường, tính hiệu quả trong sản xuất, mà còn đưa các giống lúa mới, đảm bảo về năng suất và chất lượng nhưng thời gian sinh trưởng ngắn vào canh tác, để nâng cao hệ số sử dụng đất. Nhiều năm nay, các giống lúa lai: TX111, Thiên Trường 750, TH3-3, Nam Dương 99… và các giống lúa thuần: RVT, BC15, TBR45, NĐ5… là những giống chủ lực cấy trên đồng đất của các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt giống lúa thuần BT7 được nông dân ưa chuộng cấy nhiều cả vụ xuân và vụ mùa. Năm 2012, các tiến bộ kỹ thuật về giống, phương thức canh tác, tổ chức sản xuất mới… được áp dụng và phát huy hiệu quả cao, như phương pháp gieo sạ hàng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML), xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ xuất khẩu… Việc xây dựng CĐML đã tạo ra quan hệ sản xuất mới giữa các hộ nông dân; nâng cao trình độ thâm canh lúa của nông dân, đồng thời tạo điều kiện cho việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp… Hình ảnh những chiếc máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy gieo sạ hàng đã không còn xa lạ với nông dân trong tỉnh.

Thu hoạch cá diêu hồng ở xã Hải Châu, huyện Hải Hậu
Thu hoạch cá diêu hồng ở xã Hải Châu, huyện Hải Hậu

Bên cạnh cây lúa hàng hóa, nông dân còn tích cực học hỏi, lựa chọn những giống rau màu, thực phẩm mới có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất, rải vụ cho thu nhập quanh năm. Trên các cánh đồng ở các vùng quê trong tỉnh, mùa nào cũng có sự đan xen giữa màu xanh của lúa, ngô với rau xanh, lạc, đậu đỗ các loại. Việc nhân rộng mô hình trồng cây dưa chuột bao tử xuất khẩu vụ đông của Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) trong nhiều vụ đông qua đã trở thành CĐML cho hiệu quả kinh tế cao ở cả ba vụ trong năm mang lại hiệu quả kinh tế cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp. Trên vùng đất màu của các địa phương đều thực hiện đa dạng cây trồng, luân canh quay vòng 2-3 lứa các cây rau đậu ngắn ngày như củ cải Thái Lan - cải thìa (hoặc cải cúc) - khoai tây ở các xã Yên Bằng, Yên Cường, Yên Đồng, Yên Nhân (Ý Yên), Giao Phong (Giao Thuỷ); rau giống - cải ngọt - rau thơm - xà lách của các vùng màu chuyên rau Mỹ Tân, Mỹ Trung (Mỹ Lộc); Cốc Thành (Vụ Bản)…  Đặc biệt, vụ đông năm 2012, tỉnh đã xây dựng mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ trên đất hai vụ lúa ở tất cả các huyện, thành phố. Đây là tiền đề mở ra hướng trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ, nhằm khai thác thế mạnh ở các địa phương có chân đất cao không phải chuyên màu của tỉnh, mở rộng diện tích cây trồng vụ đông trên đất hai vụ lúa, đem lại hiệu quả kinh tế cao và giảm được ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ gây ra.

Gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở xã Nam Lợi, huyện Nam Trực
Gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở xã Nam Lợi, huyện Nam Trực

Trong bước tìm tòi, khảo nghiệm trên đồng đất quê hương, chưa bao giờ đất hoang hoá bạc màu hay những cánh đồng trũng cấy lúa một vụ bấp bênh lại trở thành “bờ xôi, ruộng mật” như bây giờ. Ở khắp các địa phương, những cánh đồng cấy lúa một vụ không ăn chắc được đắp bờ vùng, xây bờ bao kiên cố cùng hệ thống cống, rãnh điều tiết nước để nuôi cá, xen canh lúa - cá hoặc nuôi thuỷ đặc sản như: ba ba, cá cảnh, ếch Thái Lan... Phương pháp nuôi thả cũng chuyển dần từ quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, so với cấy lúa, hiệu quả kinh tế mang lại từ nuôi trồng thuỷ sản cao hơn rất nhiều lần trên cùng đơn vị diện tích. Kết quả đó là nhờ đánh giá đúng tiềm năng và tỉnh có chủ trương, chính sách phù hợp như quy hoạch đất đai, khuyến khích nông dân “dồn điền đổi thửa”, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, trợ giá giống mới, xây dựng mô hình điểm để tuyên truyền nhân rộng… Đến nay, toàn tỉnh hiện có gần 16 nghìn ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó 243 trang trại nuôi thuỷ sản đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT quy định. Mỗi năm, ngành nuôi trồng thủy sản mang lại giá trị hàng trăm tỷ đồng. Ngoài các con nuôi có giá trị kinh tế cao như ngao, tôm sú, tôm chân trắng và các loại cá truyền thống như mè, trôi, trắm, chép…, một số chủ trang trại đã đầu tư nuôi các loại con nuôi mới như cá lóc bông, cá rô phi đơn tính, cá lăng chấm… cho thu nhập cao. Các trang trại sản xuất giống thuỷ sản đã ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống sinh sản nhân tạo trên nhiều đối tượng nuôi như cá lăng chấm, tôm càng xanh, rô phi đơn tính đực, cá bống tượng (nước ngọt), tôm rảo, tôm sú, cá chim biển vây vàng, cá sủ đất, cá bống bớp, cá song, cá vược, ngao, tu hài, hầu… (nước mặn lợ); ứng dụng công nghệ sinh học trong cải tạo ao, đầm, quản lý quy trình nuôi, dùng các chế phẩm sinh học bảo đảm sức khoẻ cho động vật thuỷ sản, con người và thân thiện với môi trường. Nhiều trang trại cho hiệu quả kinh tế cao thu nhập hàng tỷ, chục tỷ đồng như trang trại nuôi ngao của các ông Nguyễn Trường Cửu, Phạm Văn Thực, Phạm Văn Lộc… xã Giao Xuân (Giao Thuỷ). Trang trại nuôi tôm chân trắng của các ông Cao Văn Ba, Nguyễn Thành Công, xã Giao Phong, Trần Văn Am, xã Bạch Long (Giao Thuỷ); trang trại của các ông Nguyễn Văn Chinh, xã Hải Hòa (Hải Hậu); trang trại của ông Hoàng Văn Minh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng)…

Thu hoạch dưa hấu ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy
Thu hoạch dưa hấu ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy.

Cùng với trang trại nuôi thuỷ sản, những năm qua phong trào phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại tổng hợp nở rộ ở khắp các địa phương trong tỉnh. Đây là mô hình kinh tế hộ năng động khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động địa phương, tạo ra lượng nông sản hàng hoá ngày càng nhiều, mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Hiện, toàn tỉnh có 2 trang trại trồng trọt doanh thu bình quân 1 tỷ 700 triệu đồng/trang trại, 5 trang trại tổng hợp, 116 trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt; một số trang trại phát triển thêm các con nuôi có giá trị kinh tế cao như lợn rừng, gà lai chọi, thỏ, nhím, cá sấu… Các trang trại đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như công nghệ chuồng kín, thiết bị chuồng trại có máng uống tự động, máng ăn bán tự động cho lợn, gà, bảo đảm vật nuôi phát triển nhanh, năng suất và hiệu quả cao. Mô hình kinh tế trang trại đang được nhiều hộ dân xây dựng, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong nông nghiệp, phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hoá trong hội nhập kinh tế.

Đồng ruộng quê hương đang chuyển mình bởi những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao ngày một sinh sôi. Mùa xuân đang đến trên đồng đất Nam Định./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com