Lạm phát 2013: Mục tiêu “dưới một con số” trong tầm tay?

09:02, 05/02/2013

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới một con số (7-8%) của Chính phủ sẽ có thể thực hiện được nếu vẫn duy trì tốt các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô như suốt cả năm 2012.  Song, cũng không ít ý kiến quan ngại, lạm phát năm 2013 sẽ khó có thể giữ ở mức thấp do ảnh hưởng từ tình hình chung của thế giới.

Sẽ chỉ ở mức "một con số”

Trong báo cáo mới nhất cập nhật tình hình kinh tế tháng 1 năm 2013 cũng như dự đoán bao quát chung cho cả năm 2013, các chuyên gia của Ngân hàng ANZ nhận định, tháng 1-2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng 7,07% so với cùng kỳ, từ mức 6,81% trong tháng 12. CPI tính theo tháng tăng 1,25%, từ mức 0,27% trong tháng trước. Và nguyên nhân được các chuyên gia của ANZ đưa ra, chủ yếu do ảnh hưởng của việc Tết Âm lịch đang đến gần, đồng thời cũng có tín hiệu cho thấy xuất hiện áp lực lạm phát. Bởi vậy, ANZ dự báo lạm phát Việt Nam trong năm 2013 sẽ ở mức 8-10%.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mức lạm phát 7-8% như mục tiêu của Chính phủ là hoàn toàn có thể thực hiện được. Ảnh: PV
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mức lạm phát 7-8% như mục tiêu của Chính phủ là hoàn toàn có thể thực hiện được. Ảnh: PV

Theo ANZ, việc nới lỏng các chính sách quá nhanh đã ảnh hưởng đến nguồn tín dụng và tăng trưởng GDP vẫn đang ở dưới mức tiềm năng 7-8%, dẫn đến việc áp lực với giá cả giảm đi. Và để những áp lực về giá cả được nhẹ bớt lên chỉ số CPI trong thời gian tới, ANZ kỳ vọng Chính phủ sẽ kiểm soát lại giá dịch vụ y tế, bởi theo tổ chức này, thời gian qua, giá loại dịch vụ này đã gây tác động rất nhiều đến con số lạm phát.

Tuy nhiên, ANZ đánh giá có thể có một số rủi ro với lạm phát vào giữa năm, nhưng điều này có thể kiểm soát được. Song, dù có rủi ro nhưng lạm phát sẽ không trở lại mức 2 con số như những năm trước.

Nhìn nhận về con số lạm phát năm 2013, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mức 7-8% như mục tiêu của Chính phủ là hoàn toàn có thể thực hiện được, tất nhiên điều đó còn phụ thuộc vào cách điều hành của Chính phủ với những chính sách hợp lý nhất. Với nhận định của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nếu kiên trì các chính sách kiềm chế lạm phát như năm 2012, tốc độ giảm lạm phát sẽ tiếp tục được chi phối trong năm 2013. TS Ánh dự báo nếu không có gì quá đột biến, năm 2013 này, chúng ta có thể giữ được lạm phát ở mức 8%.

Không thể thờ ơ với những tác động từ bên ngoài

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, dù Chính phủ và toàn xã hội đã và đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, song cũng không thể thờ ơ với những tác động từ bên ngoài. Các chuyên gia phân tích thị trường thế giới đã đưa ra cảnh báo, lạm phát Việt Nam có sự đồng biến với mức tăng giá chung của hàng hóa thế giới trong nhiều năm trở lại đây.

Theo đó, bước qua giai đoạn đáy của nền kinh tế - năm 2012, thế giới đang chứng kiến sự vào cuộc của các nền kinh tế lớn trong công cuộc vực lại nền kinh tế. Do đó, khi ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế lớn bơm tiền cho mục tiêu này, áp lực gia tăng lạm phát sẽ sớm trở lại và tất nhiên, Việt Nam không nằm ngoài phạm vi chịu ảnh hưởng.

Chúng ta đã chứng kiến sự suy thoái kinh tế đã lan rộng toàn thế giới trong năm qua, và nó ảnh hưởng rõ rệt nhất ở các nước phát triển mạnh như Mỹ, Nhật Bản và toàn bộ châu Âu. Cùng với đó, nợ công cũng là một gánh nặng trên vai các nước này. Hiện, Mỹ là nước có con số nợ công đứng đầu thế giới, lên tới 16,4 nghìn tỷ USD tính đến hết năm 2012. Nhật Bản cũng đang có con số nợ chiếm tới 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)…

Dù đứng trong "top đầu thế giới” về nợ công, nhưng Mỹ vẫn đang tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế để tránh giảm phát. Tương tự, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu cũng vậy. Hàng loạt các gói hỗ trợ được bơm ra từ quý cuối của năm 2012. Đặc biệt, Trung Quốc cũng tích cực tung ra các gói hỗ trợ lớn nhằm vực nền kinh tế nước nhà khỏi sự trì trệ. Điều này đã tác động mạnh lên giá cả hàng hóa thế giới. Thế giới từng chứng kiến, ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định chi 40 tỷ USD mỗi tháng để mua chứng khoán thế chấp nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế hàng đầu thế giới, các thị trường hàng hóa đồng loạt tăng vọt. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa có nhiều dấu hiệu sáng sủa, đặc biệt khi kinh tế châu Âu và Mỹ vẫn còn trì trệ, thì hoạt động bơm tiền của ngân hàng trung ương các nước này tiếp tục kích thích đà tăng của giá hàng hoá. Và Việt Nam không nằm ngoài sự tác động của đà tăng giá ấy.

Bởi vậy, giới chuyên gia khuyến cáo, không thể thờ ơ khi những diễn biến của nền kinh tế thế giới với sự gia tăng trở lại của giá hàng hóa sẽ có tác động không nhỏ đến những nỗ lực kiềm chế lạm phát dưới một con số của Việt Nam./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com