Tăng cường kiểm soát giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán

09:02, 06/02/2013

Để phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến trên thị trường toàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán 2013, các cấp chính quyền và các ngành chức năng trong tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát giá cả thị trường. Chính quyền các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dự trữ tạo nguồn hàng phong phú, đầy đủ về số lượng và chủng loại, ổn định giá cả phục vụ Tết. Các doanh nghiệp đều bám sát nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và ngay từ đầu tháng 12 dương lịch đã nhập số lượng lớn các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp kinh doanh thương mại chủ lực trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị hàng hóa với tổng giá trị 260 tỷ đồng với số lượng hàng hóa gồm: 1.000 tấn gạo tẻ, 300 tấn gạo tám, 180 tấn gạo nếp, 90.000 thùng mỳ tôm, 30 tấn thịt lợn, 10 tấn thịt bò, 2.000 tấn bánh kẹo, 250 tấn đường, 45.000 thùng bia, 110.000 chai rượu, 50 tấn chè, 80 tấn thủy sản. Do ở gần các vùng sản xuất trọng điểm, nên tỉnh ta không thực hiện chương trình hỗ trợ vốn để doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn giá nhưng các doanh nghiệp, đại lý cung ứng hàng hóa tết đều chủ động đăng ký những đơn hàng đột xuất.

Người dân chọn mua sắm Tết tại các cửa hàng đã niêm yết giá.
Người dân chọn mua sắm Tết tại các cửa hàng đã niêm yết giá.

Nếu thị trường chớm có dấu hiệu thiếu bất kỳ một mặt hàng nào do nhu cầu tiêu dùng bất ngờ tăng thì chỉ sau 3-4 giờ, các doanh nghiệp đầu mối sẽ kịp chuyển hàng về địa phương. Đặc biệt, các đơn vị chức năng như: Chi cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 127/ĐP, Sở Tài chính… đã chủ động phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Các ngành đã tập trung kiểm tra hóa đơn chứng từ, nguồn gốc hàng hóa, niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, gom hàng, tăng giá bất hợp lý. Công tác kiểm tra, kiểm soát đã được tăng cường tại các siêu thị, các chợ, trung tâm thị trấn, thị tứ, các điểm bán lẻ hàng hóa. Nhờ đó, ngay từ khi chưa vào đợt cao điểm phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày Tết, riêng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật 58 vụ có hành vi vi phạm không niêm yết giá hàng hóa tại cửa hàng. Tất cả các trường hợp này đều đã bị thông báo công khai hành vi vi phạm và mức độ xử phạt trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó nâng cao tính răn đe, chấn chỉnh hành vi của các đối tượng có ý định vi phạm quy định về giá, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng nâng cao cảnh giác, tẩy chay với các hành vi, các đơn vị cố ý tăng giá các mặt hàng. Vào đợt cao điểm phục vụ Tết, Sở Tài chính liên tục bám sát thị trường, kịp thời nắm bắt thông tin giá cả và nhanh chóng báo cáo và tham mưu với Cục Quản lý về giá (Bộ Tài chính), UBND tỉnh triển khai phương án điều tiết, bình ổn nhanh chóng, hợp lý khi xuất hiện tình huống tăng giá đột biến. Về phía các doanh nghiệp, đại lý phân phối lớn trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang thu hút, kích thích sức mua của người tiêu dùng bằng cách chủ động niêm yết và bán đúng giá niêm yết, giảm giá từ 5 đến 50% đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Riêng Siêu thị Big C Nam Định và Trung tâm thương mại Micom Plaza còn phát tờ rơi quảng cáo thông báo mức giá các sản phẩm đến từng gia đình trên địa bàn Thành phố Nam Định.

Theo đồng chí Đoàn Văn Ước, Trưởng phòng Quản lý về giá (Sở Tài chính), do tình hình khó khăn chung về tài chính nên sức mua sắm hàng hóa Tết năm nay giảm sút nhiều so với năm ngoái. Đến ngày 20-12 âm lịch, chỉ số chung của hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán mới đạt mức tăng 0,92% so với tháng trước. Giá cả của hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết như lương thực, thực phẩm có mức tăng rất nhẹ: gạo tẻ thường có giá 11.500 đồng/kg, tăng 1,15%; gạo Bắc thơm có giá 14.000 đồng/kg, tăng 1,07%; gạo nếp mùa có giá 23.000 đồng/kg, tăng 1,15%; thịt lợn mông sấn có giá 90.000 đồng/kg, tăng 1,12%; thịt bò thăn có giá 220.000 đồng/kg, tăng 1,11%; gà ta làm sẵn có giá 130.000 đồng/kg, tăng 1,10%... Nhiều mặt hàng giữ nguyên mức giá so với tháng trước như: cá chép, dầu ăn thực vật, đường, thuốc lá, rượu vang Thăng Long. Một số mặt hàng có mức giá giảm đi so với tháng trước như: bia chai Hà Nội, bia lon Halida và các loại nước giải khát Cocacola lon, Seven up… Các doanh nghiệp, đại lý cung ứng các mặt hàng thiết yếu khẳng định, nhiều khả năng không phải nhập bổ sung hàng vẫn có thể đáp ứng tối đa sức mua của nhân dân. Tuy nhiên theo kinh nghiệm quản lý giá cả thị trường, ngành Tài chính cho biết: trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm thường xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp, cơ sở phân phối, cung ứng vì lợi nhuận trước mắt đã cố tình đầu cơ, tích trữ, găm hàng và tạo mức giá tăng đột biến ở một số mặt hàng thiết yếu. Tình trạng này thường xảy ra từ ngày 25 đến 30 tháng 12 âm lịch, do đây là thời điểm người dân tập trung mua sắm, tạo mức tăng cầu đột biến. Để tránh vào tình huống bị tư thương ép giá, người tiêu dùng cần chủ động, kiên quyết không mua các sản phẩm đã bị doanh nghiệp, đại lý phân phối đẩy mức giá lên cao một cách bất thường./.

Bài và ảnh: Thúy Vy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com