Khuyến công - Động lực phát triển sản xuất công nghiệp, ngành nghề nông thôn

08:02, 09/02/2013

Xác định khuyến công là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, ngành nghề nông thôn, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương đẩy mạnh triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh; tập trung vào các lĩnh vực: hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, chuyển đổi nghề mới cho lao động nông thôn, hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, sản xuất sản phẩm mới nhằm khuyến khích các cơ sở công nghiệp ở nông thôn đầu tư nhập khẩu thiết bị, dây chuyền, đổi mới công nghệ sản xuất. 

Đến nay, hầu hết các địa phương, doanh nghiệp được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như nghề dệt ở xã Nam Hồng (Nam Trực), nghề sản xuất tre nứa ghép xuất khẩu ở xã Yên Tiến (Ý Yên), nghề cơ khí tại các xã: Xuân Kiên, Xuân Tiến (Xuân Trường)… Một số xã đã phát triển thêm nhiều nghề mới như: móc sợi, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở xã Xuân Phú (Xuân Trường); nghề may công nghiệp tại huyện Xuân Trường, các xã Hồng Quang (Nam Trực), Bạch Long, Hồng Thuận, Giao Phong (Giao Thủy); Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng); nghề thêu ren tại các xã Yên Lợi, Yên Nhân (Ý Yên)… Cùng với việc dạy nghề, nguồn kinh phí từ Quỹ khuyến công của tỉnh còn tập trung tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng lãnh đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ HTX, chủ doanh nghiệp, đồng thời giới thiệu và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 190/196 xã có nghề, 94 làng nghề sản xuất CN-TTCN đạt các tiêu chí làng nghề do Bộ NN và PTNT quy định. Đã có 494 doanh nghiệp ở làng nghề được thành lập với tổng số vốn trên 1.000 tỷ đồng, thu hút gần 5.000 lao động, nâng tổng số lao động tham gia sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn đạt 91 nghìn người. Năm 2012, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (giá so sánh 1994) ước đạt 14.922 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2011. Trong đó, công nghiệp Trung ương đạt 1.922 tỷ đồng, tăng 22,4%; công nghiệp địa phương đạt 11.788 tỷ đồng, tăng 21,8%. Đạt được kết quả trên, có sự đóng góp tích cực của công tác khuyến công.

Trình diễn kỹ thuật sản xuất tôn chấn định hình tại Cty TNHH Phát Tài, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Trình diễn kỹ thuật sản xuất tôn chấn định hình tại Cty TNHH Phát Tài, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, năm 2012 UBND tỉnh đã phê duyệt cho 89 dự án, chương trình khuyến công với tổng kinh phí 6.350,203 triệu đồng. Trong đó có 71 chương trình dạy nghề cho trên 2.500 lao động nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ 4,487 tỷ đồng. Lĩnh vực đào tạo tập trung vào các nghề: may công nghiệp, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, thêu ren, đan móc sợi, cơ khí... 5 chương trình tập huấn “Khởi sự doanh nghiệp” cho 250 người thuộc hộ sản xuất, kinh doanh cá thể có xu hướng thành lập doanh nghiệp tại các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Ý Yên, Nghĩa Hưng; 4 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm tại tỉnh Bắc Ninh và chương trình Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam 2012 tổ chức tại Thành phố Nam Định với tổng kinh phí trên 703 triệu đồng; 5 chương trình trình diễn kỹ thuật - sản phẩm mới tập trung vào các nghề cơ khí, sản xuất VLXD không nung cho các doanh nghiệp tại 4 huyện: Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường với tổng kinh phí hỗ trợ 760 triệu đồng; 3 lớp tập huấn về nâng cao năng lực quản lý (2 lớp về an toàn điện, 1 lớp về quản trị nhân sự) cho các doanh nghiệp của huyện Hải Hậu và các KCN Hòa Xá, Mỹ Trung (TP Nam Định). Các chương trình, đề án khuyến công năm 2012 cũng đa dạng hơn, thiết thực hơn nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí: hỗ trợ lao động nông thôn, các cơ sở công nghiệp nông thôn, hướng về nông thôn. Trong tổng số 2.500 lao động nông thôn được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề năm 2012, 85% số lao động đã có việc làm, thu nhập ổn định từ nghề được đào tạo. Trong đó, phần lớn số lao động nông thôn có việc làm ngay tại địa phương, trong các CCN tập trung hoặc các cơ sở công nghiệp nông thôn, các làng nghề. Chị Nguyễn Thị Tho ở xóm 9, xã Hải Cường (Hải Hậu) cho biết, từ tháng 6-2012 đến nay, gia đình chị đỡ khó khăn hơn vì tháng nào cũng có nguồn thu nhập ổn định từ 800-1,2 triệu đồng từ nghề đan móc sợi làm hàng thủ công xuất khẩu. Tháng 3 vừa qua, chị được dự lớp đào tạo nghề đan móc sợi tại Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu, vừa được miễn toàn bộ học phí, vừa được hỗ trợ một phần chi phí đi lại. Sau hơn hai tháng học tập theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, chị được Trung tâm giới thiệu mối hàng và nhận mẫu, nguyên liệu về nhà tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Nếu chăm chỉ làm đều, mỗi tháng chị và gia đình cũng có thêm trên dưới 1 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt. Để góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án khuyến công, trong năm 2012, UBND tỉnh đã quyết định nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề lên 70 triệu đồng/lớp (mỗi lớp có từ 25-35 học viên), mức hỗ trợ cho một dự án phát triển nghề tối đa là 250 triệu đồng. Điểm nổi bật trong các hoạt động khuyến công năm 2012 là chương trình hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật mới, sản phẩm mới cho 5 doanh nghiệp công nghiệp nông thôn với mức hỗ trợ từ 130-250 triệu đồng/doanh nghiệp. Bà Phạm Thị Mơ, Giám đốc Cty TNHH Kim khí Anh Tú, CCN Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) cho biết: Năm 2012, Cty được hỗ trợ 250 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật luyện, cán thép và đúc kim loại. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, Cty đã huy động thêm các nguồn lực để đầu tư xây dựng trên 3.000m2 nhà xưởng với dây chuyền đồng bộ gồm: lò nung 2 mặt nung liên tục 3 vùng (vùng sấy, vùng nung, vùng đều nhiệt) có năng suất 50 tấn/h; máy cán kiểu hở bố trí hàng ngang gồm 3 giá và các thiết bị phụ trợ như: máy nắn thẳng, tuyến đường lăn, 3 xe cẩu công suất nâng 10-20 tấn/chiếc… Đến nay, Cty đã đi vào sản xuất ổn định, mỗi năm tiêu thụ 23 nghìn tấn nguyên liệu để sản xuất ra 18 nghìn tấn phôi thép tiêu chuẩn phục vụ ngành xây dựng công nghiệp. Cty đã tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Các chương trình, đề án khuyến công được triển khai trong năm 2012 đã thực sự là chỗ dựa, là động lực lớn góp phần chia sẻ khó khăn, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ nguồn hỗ trợ của các chương trình khuyến công địa phương, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư chất xám, thiết bị, công nghệ tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao và góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống của cả một làng nghề như: sản phẩm lò ủ nhôm bằng điện của Cty TNHH Cơ khí Thanh Sơn, làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực); sản phẩm tôn chấn định hình của Cty TNHH Phát Tài, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); sản phẩm gạch không nung của Cty TNHH một thành viên Phan Quân, CCN Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) hoặc sản phẩm máy phân loại và nghiền rác thải của Cty TNHH Tân Thiên Phú, xã Xuân Tiến (Xuân Trường)… 

Các hoạt động khuyến công đã và đang thực sự là động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn; tạo việc làm, thu nhập, đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com