Năm 2012, với quyết tâm của Chính phủ về việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát xuống dưới 10%, chính sách tiền tệ (CSTT) vẫn theo hướng chặt chẽ, nhưng sẽ linh hoạt và chủ động hơn để phục vụ có hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh.
Những thông điệp đó rất rõ ràng ngay từ những ngày cuối cùng của năm 2011, nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn đòi hỏi phải làm sao để những bất cập trong điều hành các chính sách tiền tệ nói chung, chính sách lãi suất nói riêng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sớm được khắc phục. Nói cách khác, phải làm sao nhanh chóng kéo lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) xuống mức hợp lý. Tất nhiên, giảm lãi suất không đơn thuần chỉ bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải có sự kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tín dụng (TCTD).
Phòng giao dịch Ngân hàng Phương Đông. Ảnh: Internet |
Đối với NHNN, nếu xét thấy vẫn chưa bỏ được trần lãi suất, nhưng phải giảm lãi suất xuống dưới 15%-16%, thì nên mạnh dạn thay thế trần lãi suất tiền gửi bằng trần lãi suất tiền vay, đi đôi với việc xiết chặt kỷ cương thị trường, kiểm soát chặt chẽ yếu tố giá để lãi suất cho vay có điều kiện giảm mạnh. Dĩ nhiên, cơ quan chuyên môn cần tính đến khả năng các NHTM "lách" dưới dạng phí để giám sát chặt chẽ ngay từ đầu.
Đối với NHTM, giảm lãi suất xuống trong bối cảnh chính sách tài chính vẫn theo hướng chặt chẽ, lạm phát vẫn ở mức cao là vấn đề khó, nhưng không phải không thực hiện được. Để giải quyết mâu thuẫn này, phía NHNN cần chủ động, linh hoạt trong việc bơm và hút tiền. Khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống, thậm chí xuống thấp hơn lãi suất thị trường mở, thì NHNN cần chủ động điều chỉnh lãi suất trên thị trường này cũng như lãi suất trên thị trường mở để các NHTM cũng như nền kinh tế biết rõ những tín hiệu đó.
Mặt khác, định hướng rõ cho các NHTM, chuyển một phần tín dụng từ khu vực doanh nghiệp nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước, nơi kinh doanh có hiệu quả hơn, như vậy sẽ nhanh chóng tạo sức bật mới cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển. Đồng thời cần có cách ứng xử linh hoạt với các NHTM đã chủ động dành vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh với lãi suất hợp lý, coi đây là yếu tố có thể xem xét để gia tăng mức tăng trưởng tín dụng của NHTM này. Bên cạnh đó, các NHTM cần có cơ chế sử dụng vốn hữu hiệu hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đi đôi với tiết giảm chi phí quản lý, chủ động giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
Để có thể gắn kết được lợi ích với rủi ro ở mức nhất định, khắc phục tình trạng các NHTM đặt mức lãi suất huy động cao, nhưng ngân hàng cũng như khách hàng không phải chịu rủi ro lớn, một mặt cần minh bạch việc quản lý Nhà nước về tiền tệ, mặt khác cần công khai hệ thống xếp hạng tín nhiệm đối với các TCTD, để người dân biết rõ "sức khỏe" của từng ngân hàng, khi đầu tư vào những ngân hàng có mức độ rủi ro cao, có điều kiện thu lợi nhuận lớn, nhưng rủi ro nảy sinh thì họ cũng phải gánh chịu một phần. Nếu thực hiện nghiêm việc này thì các NHTM quen dùng lãi suất cao để cạnh tranh lập tức sẽ hạn chế, và khi đó người dân có tiền nhàn rỗi cũng không chạy theo lợi ích đơn thuần. Ngoài ra, cần có các chế tài đủ mạnh xử phạt các trường hợp vi phạm kinh doanh tiền tệ trên thị trường liên ngân hàng, lập lại trật tự kỷ cương trên thị trường này.
Khi thị trường bất ổn, lãi suất biến động mạnh..., cần sử dụng các biện pháp hành chính để ổn định thị trường, nhưng chỉ là tạm thời, và phải nhanh chóng xúc tiến các điều kiện cần thiết để có thể quản lý bằng các biện pháp gián tiếp. Kinh nghiệm cho thấy, nếu trong xã hội, các nhu cầu chính đáng về vốn không được đáp ứng từ thị trường chính thức, thì những méo mó về giá vốn lại có đất hoạt động trở lại, NHNN không có đủ nguồn lực để kiểm tra, giám sát lâu dài. Trong trung hạn, cần củng cố nền tảng kinh tế, nâng cao giá trị tiền đồng, lấy lại niềm tin của xã hội đi đôi với thiết lập các điều kiện cần thiết về hệ thống thông tin, tạo môi trường và hành lang pháp lý cho các NHTM phát triển bền vững./.
Theo: nhandan.com.vn